Ông Xuân "gôn", người thủ môn trầm tính của đội CAHN

ANTD.VN - Đội bóng đá Công an Hà Nội xưa có 2 thủ môn cùng là trai phố cổ, cùng nổi tiếng, nhưng tính cách trái ngược nhau hoàn toàn.

Ông Duy Lễ tính quảng giao. Sau khi giải nghệ, ông chuyển vào làm việc và sống tại TP.HCM. Sang tuổi bát thập, ông vẫn lên Facebook “tám chuyện” khắp thế gian.

Ông Xuân "gôn" thì sống khép kín. Ngoại trừ thú vui sáng sáng uống cà phê ở khu phố cổ, ông lại về ngôi nhà nhỏ trên phố nhỏ Nguyễn Siêu, vui với đàn cháu nhỏ mỗi khi đi học về.

Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Xuân, sinh năm 1940. Vào đội bóng CAHN năm 1962 nhưng mọi người chỉ gọi tên ông gắn với nghiệp ông theo là Xuân “gôn”.

Cựu thủ môn Xuân "gôn" (hàng ngồi, thứ hai từ trái qua)

Không như bây giờ, theo được nghiệp thể thao là cứu cánh của một số trẻ con nhà nghèo. Thế hệ của ông Xuân lại khác. Nhà phố thị. Mọi đường tiến thân đều rộng mở, nhưng trót yêu môn bóng đá từ những ngày trốn học ra đá bóng ở sân Long Biên.

Đội CAHN khi đấy cũng tập trên sân Long Biên. Có thời cơ, ông xin được vào bắt thử và được nhận. Được cùng một đội bóng của những danh thủ Nghẽn, Luyến, Thưởng, Tòng… là niềm hạnh phúc tột cùng của chàng trai Hà thành.

Từ năm 1962 đến hơn chục năm sau, người hâm mộ bóng đá Hà Nội quen thấy hình ảnh ông Xuân “gôn” cao to, lừng lững trong khung thành đội CAHN.

Không “Bay như Khánh – Đánh như Kim” (đặc điểm dễ nhớ của các thủ môn nổi tiếng thời ấy). Nét nổi trội của ông Xuân là điềm tĩnh. Dù khung thành đang bị chao đảo dữ dội, ông vẫn không phân tâm. Tỉnh táo, phán đoán chính xác, ra vào hợp lý là ưu điểm của ông, và cũng là đức tính cần có của mỗi thủ môn.

Đức tính đấy bù trừ cho lối đá hoa mỹ của đội CAHN. Ở cầu môn ông cứ chân chất, làm chốt chặn vững chắc để các đồng đội tuyến trên mạnh dạn biểu diễn các kỹ năng và biến hóa trong lối chơi.

Muốn thắng được, trước hết là không để thua.

Đó là triết lý được ông nhập tâm khi bảo vệ cầu môn đội bóng CAHN.

Cố thủ môn Nguyễn Văn Xuân

Ông Xuân “gôn” là người kiệm lời. Ai nói gì cũng được, ông chỉ cười hiền. Thi thoảng đưa ý của mình, ông nói nho nhỏ, như cho chính mình nghe.

Khi đội Cựu cầu thủ CAHN được thành lập, ông Xuân “gôn” là thủ môn chính.

To, cao, phản xạ nhanh và đọc vị được ý đồ tiền đạo đối phương nên có ông trong khung gỗ, đội CAHN thường hay chiến thắng.

Có những thủ môn ở các đội khác nhưng yêu đội CAHN, thường theo đội đi thi đấu giao lưu. Những dịp đấy ông hay nhường họ bắt thay cho mình. Ông là thế. Vừa lành hiền ít nói vừa hay nhường nhịn.

Lần đội đá với Công an Vĩnh Phú trên Tam Đảo, Định “lùn”, nguyên đội trưởng và đang là Giám đốc Sở Văn-Thể-Du của tỉnh yêu cầu đàn anh Xuân “gôn” phải vào bắt để các đàn em nhớ lại những kỷ niệm xưa.

Nể tình ông nghe lời. Khi trận đấu còn 20 phút thì kết thúc, đội CAHN đang dẫn đội bạn 4-0 ông mới xin ra để thủ môn S. vào thay. Chỉ ít phút ngắn ngủi mà đội Vĩnh Phú đã kịp san bằng tỷ số, đem lại tỷ số hòa chung cuộc.

Ông S. và những người tham gia trận đấu này hẳn còn nhớ, trước đó ông Xuân “gôn” ung dung trong khung gỗ bao nhiêu thì đến lượt ông S. vào, khung thành lại chao đảo bấy nhiêu.

Viết những dòng này, thực tình tôi mong ông thủ môn S. nghĩ rằng những sai sót đó chỉ là những kỷ niệm vui về một thời đã qua, một thời đáng nhớ. Chính tôi ngay trên sân Hàng Đẫy trong một trận giao hữu, khi đứng cột gôn cản quả đá phạt góc, cũng lóng ngóng ghi giúp cho đội bạn một bàn.

Và tôi kể lại chuyện này để những người “ngoại đạo” hình dung vì sao khi “chơi bóng” cũng cần phải có kỹ năng, và tại sao khi nhắc tới đội bóng đá CAHN thời vàng son, những người hâm mộ bóng đá đều nhớ tới ông Xuân “gôn”, một thủ môn vô cùng xuất sắc.

Ông vừa tạ thế chiều ngày 6/5/2020.

Vĩnh biệt ông!