"Ông xẩm" Xuân Hoạch - bậc kỳ tài trong cổ nhạc Việt Nam

ANTĐ - Gọi là “ông xẩm” nhưng ngoài xẩm, NSND Xuân Hoạch còn có thể đàn hát cả ca trù, chầu văn hay hát trống quân. Càng biết về ông, càng thấy ở người nghệ sỹ này tài năng hiếm có của cổ nhạc Việt Nam. 

"Ông xẩm" Xuân Hoạch -  bậc kỳ tài trong cổ nhạc Việt Nam ảnh 1NSND Xuân Hoạch trình diễn trong ngôi nhà lá 

Một đời say vì đàn 

Năm lần bảy lượt hẹn gặp NSND Xuân Hoạch, nhưng mỗi lần liên lạc, đều nghe giọng ông thở dài qua điện thoại: “Tôi bận lắm, để ra Tết nhé”! Qua Tết, tìm đến gặp, thấy ông đang ung dung ngồi đàn trong ngôi nhà mái lá ngan ngát hương bưởi. Hóa ra, thời gian vừa qua, vừa đi diễn, ông vừa cùng những người bạn dựng ngôi nhà này để có thêm địa điểm biểu diễn.

"Ông xẩm" Xuân Hoạch -  bậc kỳ tài trong cổ nhạc Việt Nam ảnh 2

NSND Xuân Hoạch trong chương trình “Xẩm và đời”

Chẳng có sân khấu hay phông rèm gì, chỉ có vài cây đàn treo trên vách nứa, một bộ chõng và mấy cái ghế nhỏ để nghệ sỹ và khán giả, người chơi nhạc, người thưởng thức ngay tại đó. Nói như NSND Xuân Hoạch thì có không gian như thế này là “lý tưởng lắm rồi” vì giữa người nghệ sỹ với khán giả không còn “tấm bình phong nào”. 

Là bậc kỳ tài trong làng cổ nhạc với khả năng chơi thành thạo 6 loại nhạc cụ, một trong số rất ít những nghệ sỹ Việt Nam được tổ chức “World Masters” (Những bậc thầy thế giới) công nhận là Nghệ nhân thế giới nhưng NSND Xuân Hoạch không cho những gì mình làm được là quá cao siêu hay đến mức khiến người khác phải trầm trồ mà chỉ là một chút năng khiếu may mắn được trời cho. Nghiệp cầm ca bắt đầu khi ông được người thầy đầu tiên tại trường Học viện Âm nhạc quốc gia là cố Nhà giáo nhân dân Đặng Xuân Khải nhận xét là “có tay cầm đàn”. 

Thành thạo đàn nguyệt, ông lân la học “mót” kỹ thuật đàn đáy, đàn bầu, đàn nhị… của những người bạn đồng khóa. Chỉ trong thời gian ngắn, loại đàn nào ông cũng chơi điêu luyện mà không cần phải qua một khóa học nào. Đối với NSND Xuân Hoạch, chơi đàn gần giống như cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy. Ngày nào cũng từ tinh mơ, người ta cũng thấy ông lụi cụi mang đàn ra tập, bởi “nếu không tập thì thấy bứt rứt khó chịu lắm”.

Có đợt, ông sốt cao, phải đưa vào  viện. Nhưng vì nhớ đàn quá lại gọi cho vợ mang đàn vào viện để gảy cho đỡ… quên. Hỏi tại sao lại như vậy, ông thủng thẳng: “Nếu một ngày tôi không đánh đàn thì vợ biết, 2 ngày thì hàng xóm biết, còn đến ngày thứ ba thì tôi biết”. 

 “Ông xẩm” của nhân dân

Cách đây 10 năm, NSND Xuân Hoạch là một trong những người tham gia công cuộc chấn hưng hát xẩm tại Việt Nam. Hồi ấy, gần như không còn ai theo nghề hát xẩm, ngoài nghệ nhân Hà Thị Cầu. Trong nỗ lực cứu hát xẩm, NSND Xuân Hoạch tìm tòi tư liệu của các nghệ nhân cũ để làm sống lại bộ môn nghệ thuật này.

Những vần thơ “Mục hạ vô nhân” (Nguyễn Khuyến), “Trăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang” (Nguyễn Bính) hay chùm thơ Nguyễn Duy như “Cơm bụi ca”, “Xẩm ngọng”, “Tre xanh”, “Về làng”… được ông và những người đồng nghiệp cách tân bằng những điệu nhạc luyến láy… để gần hơn với đời sống đương đại. Chính sự hòa nhập giữa lời ca và những vần thơ mang đậm chất dân gian đã khiến cho cổ nhạc trở nên dễ tiếp nhận hơn với công chúng.

Chẳng những khán giả Việt mà ngay cả bạn bè quốc tế cũng tỏ ra thích thú với lời thơ hết sức “bình dân” như “Lò mò Cấm Chỉ Bắc Qua/Mà coi trai gái vặt quà như điên/Tiết canh Hàng Bút Hàng Phèn/Bún xuôi Tô Tịch phở lên Hàng Đồng…”.

Ít ai biết người nghệ sỹ kỳ tài của làng nhạc Việt Nam từng bỏ vốn đi thổi thủy tinh vì không sống được với nghề. Âu có lẽ cái nghiệp đã ngấm vào thân nên chỉ một thời gian sau, ông quay trở lại  với nghiệp cầm đàn. Đến bây giờ, nhiều người biết đến Xuân Hoạch với danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, hay ưu ái gọi ông là “ông xẩm” của nhân dân thì ông cũng chỉ cười xòa: “Tôi chẳng nghĩ gì về chức danh ấy. Tôi đã từng hát trên đường, hát giữa chợ Đồng Xuân”.

Để đưa xẩm, đưa ca trù, đưa hát văn vào cuộc sống hôm nay, phải cần có những người như NSND Xuân Hoạch, lăn lộn, hết mình, tận tâm với nghề.