Ông Võ Kim Cự có trách nhiệm gì trong vụ cấp phép đầu tư cho Formosa?

ANTĐ - Tại buổi họp báo quý II-2016 của Thanh tra Chính phủ sáng 22-7, đại diện Thanh tra Chính phủ đã trả lời một số câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong việc cấp phép cho dự án Formosa vào thuê đất đầu tư 70 năm tại tỉnh này. Vấn đề trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng được đặt ra.

Ông Võ Kim Cự có trách nhiệm gì trong vụ cấp phép đầu tư cho Formosa? ảnh 1Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh trả lời báo chí tại buổi họp báo sáng 22-7

Chưa thực hiện nghiêm kết luận thanh tra

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra tại Hà Tĩnh năm 2012, sau đó công khai kết luận thanh tra này vào tháng 7-2014. Đây là cuộc thanh tra tập trung vào nội dung chấp hành pháp luật về đầu tư cơ bản và quản lý sử dụng đất đai với một số dự án trên địa bàn Hà Tĩnh. Formosa là một trong những dự án bị thanh tra và đã được kết luận cụ thể. 

Trả lời câu hỏi về việc Hà Tĩnh cấp phép dự án Formosa lên tới 70 năm, ông Ngô Văn Khánh cho biết, hiện nay, theo Luật Đầu tư 2014, những trường hợp dự án lớn như Formosa mặc nhiên được thuê đất 70 năm. Nhưng thời điểm năm 2012, việc Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho dự án Formosa là chưa đúng quy định pháp luật (tỉnh chỉ được cấp phép cho thuê đất tối đa 50 năm). Ông Khánh nhấn mạnh, điều này đã được Thanh tra Chính phủ khẳng định trong kết luận thanh tra nói trên.

Về trách nhiệm của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thời điểm cấp phép và triển khai thực hiện dự án Formosa, ông Khánh khẳng định: “Về xem xét trách nhiệm, chúng tôi không chỉ ra từng cá nhân mà gắn với cấp có thẩm quyền, ban quản lý phải xem xét xử lý kiểm điểm. Không cần chỉ ra từng cá nhân cụ thể nhưng đương nhiên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói. 

Ông Ngô Văn Khánh thông tin thêm, Thanh tra Chính phủ đã thành lập tổ kiểm tra việc thực hiện, xử lý các nội dung kết luận thanh tra tại Hà Tĩnh. “Công tác kiểm tra đã kết thúc, nhưng đang chờ làm việc lại với Hà Tĩnh để hoàn thiện kết luận. Theo đánh giá bước đầu, chúng tôi cho rằng Hà Tĩnh chưa nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra” - Phó tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Từ vụ Formosa, lộ ra nhiều kẽ hở trong cấp phép

Bên hành lang Quốc hội chiều 22-7, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ về trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến việc cấp phép cho Formosa vào đầu tư 70 năm, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, đương nhiên những cá nhân có liên quan nếu được kết luận đã cấp phép sai thì phải bị xử lý theo đúng quy định pháp luật chứ không phải hết nhiệm kỳ, đã điều chuyển hay thôi không công tác nữa là hết trách nhiệm. Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục xem xét, xử lý trách nhiệm từng cá nhân cụ thể có liên quan đến dự án Formosa. Cá nhân có sai phạm nghiêm trọng thì phải bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Phân tích thêm, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, không phải Formosa có sai phạm thì đương nhiên người cấp phép cho dự án này vào hoạt động hay cả những người có trách nhiệm giám sát dự án này khi triển khai cũng bị quy kết có sai phạm. Lý do vì trong quá trình vận hành dự án thì sai phạm của Formosa mới lộ ra. “Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đã từng đến giám sát tại dự án này. Tôi ít nhất đã 2 lần đến đó nhưng ở thời điểm giám sát, họ mới đang xây dựng hạ tầng cơ sở, chưa vận hành nên chưa phát hiện được sai phạm về vấn đề xả thải môi trường. Còn vừa qua, sai phạm của Formosa đã rõ ràng nên trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả” - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho biết.

Bà Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, việc cấp phép cho Formosa vào hoạt động tại Hà Tĩnh đã lộ ra rất nhiều yếu kém, hạn chế trong công tác quản lý. “Formosa là dự án lớn liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều ngành nhưng khi thẩm định cấp phép thì bộ ngành nào chỉ biết bộ ngành ấy, không phối hợp đầy đủ. Địa phương nào cũng muốn thu hút được nhiều doanh nghiệp về địa phương mình, nhất với những dự án lớn sẵn sàng đổ hàng tỷ USD. Thế nên, khi đánh giá tác động môi trường, họ chỉ làm qua loa…” – bà Trần Thị Quốc Khánh phân tích.

Ông Võ Kim Cự có trách nhiệm gì trong vụ cấp phép đầu tư cho Formosa? ảnh 2Cá chết do bị nhiễm độc ở 4 tỉnh miền Trung

Giao dịch trên 20 triệu đồng phải thông qua tài khoản?

Tại buổi họp báo quý II-2016 của Thanh tra Chính phủ sáng 22-7, trả lời câu hỏi làm sao để ngăn chặn cán bộ tẩu tán tài sản ra nước ngoài, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cho biết, việc quản lý chi tiêu, chuyển dịch tài sản các giao dịch nước ngoài là vấn đề đang được cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đề xuất các biện pháp, phương tiện quản lý. Tới đây, khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ sẽ đề xuất những cơ chế để phòng ngừa, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp về hạn chế tiêu dùng bằng tiền mặt, tăng cường kiểm soát các giao dịch thông qua tài khoản, nhất là các giao dịch có yếu tố nước ngoài. Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ đề xuất, với các giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện thông qua các tài khoản.