Ông trùm ngân hàng cầm đầu đường dây chuyển 46 tỷ USD ra nước ngoài

ANTĐ - Mới đây, doanh nhân Alexander Grigoriev, người đồng sở hữu các ngân hàng Russky Zemelny, Zapadny và Transportny đã bị bắt tại Matxcơva vì bị buộc tội lừa đảo và bị tình nghi tổ chức chuyển 46 tỷ USD ra nước ngoài. Có 500 người và 60 ngân hàng của Nga dính líu vào hoạt động của tổ chức tội phạm này. 
Ông trùm ngân hàng cầm đầu đường dây chuyển 46 tỷ USD ra nước ngoài ảnh 1

Grigoriev được di lý về thành phố Rostov na Donu

Ông chủ các ngân hàng phá sản

Ngày 30-10-2015, doanh nhân Alexander Grigoriev 44 tuổi đã bị bắt tại nhà hàng Sphera của ông ta trên phố Novy Arbat, Matxcơva khi đang ăn tối cùng bạn gái do bị tình nghi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với quy mô đặc biệt lớn. Sau đó, Grigoriev được di lý về thành phố Rostov na Donu.

Theo cơ quan điều tra, Grigoriev và người của mình “đã kiểm soát” được ngân hàng Doninvest nửa năm trước khi bị thu hồi giấy phép hoạt động (Doninvest bị phá sản vào tháng 12-2014). Với sự trợ giúp của Alla Kalitvanskaya, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Doninvest và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Svetlana Gulenkovaya, Grigoriev và đồng bọn đã chuyển hơn 1 tỷ rúp từ tài khoản của ngân hàng này cho các công ty do chúng kiểm soát, đồng thời xác lập các hợp đồng mua bất động sản giả, trong đó có cả đất ở Crimea với hơn 150 triệu rúp. 

Ngày 21-10-2015, Alla và Svetlana đã bị bắt tại thành phố Rostov na Donu về tội lừa đảo khi “cho một số công ty vay” các khoản tiền với tổng giá trị hơn 1 tỷ rúp mà không thể thu hồi được. Sau vụ bắt giữ này, biết có thể gặp rắc rối, Grigoriev được cho là đã chi 300 triệu rúp để “dàn xếp”. Ngay trước ngày bị bắt, ông này vẫn tin mình an toàn. 

Grigoriev là đồng sở hữu các ngân hàng đã bị phá sản gồm Russky Zemelny, Zapadny và Transportny. Các ngân hàng này đều bị tước giấy phép hoạt động trong các năm 2014-2015 do đã thực hiện chính sách tín dụng rủi ro cao, đầu tư vào các tài sản có chất lượng thấp, chuyển vốn ra khỏi Nga và làm thất thoát tài sản. Hiện nay, ngân hàng Russky Zemelny còn nợ khách hàng 7 tỷ rúp, Zapadny - 24,6 tỷ rúp và Transportny - 44,2 tỷ rúp.

Tổ chức tội phạm rửa tiền lớn nhất

Theo tài liệu điều tra, Grigoriev là một trong những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm rửa tiền lớn nhất ở Nga. Tham gia vào hoạt động của tổ chức này có hơn 500 người và khoảng 60 ngân hàng của Nga, trong đó có cả các ngân hàng của nhà nước, một số ngân hàng như Istkomfinans, TaurusBank… đã bị tước giấy phép hoạt động. Từ năm 2011 đến nay, chúng đã chuyển 46 tỷ USD ra khỏi Nga và doanh thu hàng năm của tổ chức tội phạm này là khoảng 1 nghìn tỉ rúp. Còn theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, trong 4 năm vừa qua đã có hơn 75 tỷ USD được chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. 

Để chuyển tiền ra khỏi Nga, Grigoriev và đồng bọn mở tài khoản tại ngân hàng của Moldova, tiền được chuyển vào các tài khoản này theo các hợp đồng giả được xác lập giữa các công ty offshore (Cảnh ngoại) với người bảo lãnh là công dân Moldova trong công ty của Nga. Công ty này sau đó “đột ngột” bị phá sản và từ đây, chúng thu về hàng tỷ USD. Theo Cơ quan chống rửa tiền Moldova, từ năm 2010 đến năm 2013, trên cơ sở các phán quyết của tòa án nước này với các công ty của Nga, đã có 18,5 tỷ USD được thu hồi. Thủ đoạn rửa tiền này cũng được chúng thực hiện ở các nước khác như Litva và Estonia. 

Grigoriev sinh năm 1971 tại Novgorod, đã tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg và Học viện tài chính Nga, là kiện tướng thể thao môn Boxing, từng là Phó Chủ tịch Liên đoàn Boxing Matxcơva. Grigoriev hiện đang sở hữu 44,2% cổ phần của Tổng Công ty xây dựng Yakut SU-888, đã mua 16,35% cổ phần của ngân hàng Russky Zemelny vào năm 2012 và 20% cổ phần của ngân hàng Zapadny vào năm 2013, là đồng sở hữu của ngân hàng Transportny và “kiểm soát” được ngân hàng Doninvest.

Tuy mới chỉ bị truy tố về tội lừa đảo với mức hình phạt lên đến 10 năm tù, Grigoriev có thể còn bị khởi tố về tội thành lập tổ chức tội phạm, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này là tù chung thân.