“Ông tơ, bà nguyệt” cho người có HIV

ANTĐ - Ở một đất nước mà tâm lý kỳ thị người có HIV vẫn còn nặng nề như Ấn Độ, dịch vụ mai mối hôn nhân đang trở thành cầu nối hiệu quả để những người mắc căn bệnh thế kỷ này có thể tìm lại hạnh phúc, được cảm thông, chia sẻ và đây cũng được xem là một giải pháp giúp ngăn ngừa đại dịch HIV/AIDS.

Ánh sáng cuối đường hầm

Ở cái tuổi 35, lại là con một, Dhruv phải chịu áp lực rất lớn trong chuyện kết hôn. Nhưng có một sự thật mà Dhruv đang cố giấu gia đình: anh đã bị nhiễm HIV. May mắn thay, thông qua các phương tiện truyền thông, Dhruv biết đến một tổ chức ở Chennai đang cung cấp dịch vụ mai mối cho những người có HIV. Tràn trề hy vọng, anh đã gửi một email cung cấp những thông tin chi tiết về cá nhân và có kèm một bức ảnh chân dung theo đề nghị của tổ chức trên.

Cùng thời điểm này ở Chennai, một nữ tình nguyện viên của tổ chức nói trên tên là Shruti lại gặp phải tình huống ngược lại. Shruti cũng đang phải vật lộn với căn bệnh thế kỷ, vì tận mắt chứng kiến sự ra đi của chồng và đứa con duy nhất do căn bệnh AIDS, nên chị đã bỏ qua lời khuyên của các chuyên gia tư vấn về chuyện tái hôn. Nhưng rồi chính lý do “để có người đồng cảm, cùng chăm sóc cho nhau” đã khiến Shruti nghĩ lại.

Sau khi trao đổi các thông tin cá nhân cùng hình ảnh, Dhruv và Shruti đã tìm thấy ở nhau những điểm tương đồng. Họ đã gặp mặt, có  các cuộc hẹn hò lãng mạn và chỉ một thời gian ngắn sau, cả 2 quyết định tiến tới hôn nhân. Ngay từ những ngày đầu cùng chung sống, Shruti rất ý thức về bản thân, cô luôn tìm hiểu để làm những điều có lợi cho sức khỏe, trong khi Dhruv thường xuyên nhắc vợ mình uống thuốc đúng giờ. Bảy năm sau, hạnh phúc vỡ òa khi họ nhận được tin con trai của mình không bị nhiễm HIV.

Một trường hợp khác, 3 năm trước, khi mang thai đứa con đầu lòng, chị Nisha thường xuyên đi khám tại một bệnh viện ở Parbhani. Trời đất như sụp đổ khi kết quả xét nghiệm ở lần gần đến ngày sinh chị bị nhiễm HIV, rất có thể do lây từ người chồng. Đau đớn hơn, đứa con vừa được sinh ra cũng nhiễm HIV. Sau khi ly dị chồng, cuộc sống của 2 mẹ con đang mang căn bệnh thế kỷ mỗi ngày thêm tuyệt vọng.

Rồi một ngày kia, chị biết đến trang web PositiveSaathi.com chuyên dịch vụ mai mối hôn nhân cho những người có HIV. Nisha đã tìm được sự đồng cảm của người đàn ông cũng có HIV ở Kolhapur. “Khi biết mình dương tính với HIV, tôi đã nghĩ rằng mình chỉ còn 1- 2 năm nữa để sống. Tôi không ngờ là mình có thể tiếp tục cuộc sống này dài đến như vậy và lại còn có một cuộc sống tốt” - chị Nisha chia sẻ.

“Cây cầu hạnh phúc” chống căn bệnh thế kỷ

Ở một đất nước mà tâm lý kỳ thị vẫn còn nặng nề như Ấn Độ, những dịch vụ mai mối như thế đang trở thành cầu nối để những người có HIV tìm lại hạnh phúc.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người nhiễm HIV sẽ dễ dàng tìm được người bạn đời nhờ dịch vụ này. Những người có HIV ở Ấn Độ đa phần phải sống trong sự mặc cảm, thậm chí sống “chui lủi”. Vì vậy, đem lại tổ ấm cho họ không phải là điều đơn giản. Tại một trung tâm mai mối, 150 đàn ông có HIV đăng ký nhưng chỉ có 45 phụ nữ để lựa chọn. Điển hình như anh Ritesh Gulani, người có HIV đã nỗ lực tìm bạn đời trong suốt 4 năm qua. Anh cũng cho biết phụ nữ Ấn Độ đa phần không dám tham gia dịch vụ mai mối vì tự ti. Anh Ritesh Gulani chia sẻ: “Họ không muốn để cho mọi người biết là mình có HIV. Cha mẹ họ vẫn muốn giấu để con gái mình cưới được những người bình thường. Đây là sai lầm của các bậc cha mẹ”.

Nhưng điều đó không làm những ông mai bà mối ở trung tâm đặc biệt này nản lòng. Họ hiểu rằng, vẫn còn có rất nhiều “những trái tim cô đơn”, những phận người bị xa lánh đang cần được trợ giúp.

Cho tới thời điểm này, Ấn Độ được xem là một trong những quốc gia phòng, chống lây nhiễm HIV khá thành công. Khi HIV/AIDS bắt đầu xuất hiện ở đất nước này vào năm 1986, người ta dự báo căn bệnh thế kỷ sẽ lây lan với tốc độ kinh khủng ở nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, theo con số chính thức, Ấn Độ mới có hơn 3 triệu người có HIV. Điều đó nhờ những nỗ lực của Chính phủ Ấn Độ trong việc tuyên truyền và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa thông qua sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Bill & Melinda Gates và đặc biệt là sự trợ giúp của những trung tâm, văn phòng hay trang web cung cấp dịch vụ mai mối cho người có HIV.