Nguyễn Phương Nam (ngoài cùng bên trái) cùng ông bà nội và anh trai
Thủ khoa thiếu vắng cha mẹ
Ngôi nhà nhỏ của tân thủ khoa khoa Sư phạm, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc thôn Lưu Đông, Xã Phúc Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ngôi nhà chỉ rộng chừng hơn 30m2 mà có đến 5 người sinh sống. Nguyễn Phương Nam ở đó cùng với ông bà nội, 1 chị gái và 1 người anh song sinh. Ngôi nhà tuềnh toàng nhưng chứa đựng trong đó là tinh thần hiếu học, là tình thương yêu của ông bà nội dành cho các cháu. Ngó quanh ngôi nhà, những đồ đạc vật chất đắt tiền gần như vắng bóng, chỉ có chiếc tivi đã cũ, chiếc xe đạp đã nhuốm màu thời gian, nhưng những tập sách được xếp ngay ngắn gọn gàng. Chiếc bảng ghi công thức toán học được tận dụng bằng 2 cánh cửa. Góc học tập của Nam và Hòa (người anh em sinh đôi với Nam) luôn gọn gàng, ngăn nắp. Tài sản đáng quý nhất của ngôi nhà nhỏ chính là những tấm bằng khen, giấy khen mà chị em Nam có được trong suốt thời gian đi học.
Được tin cháu trai đỗ thủ khoa Đại học Khoa học tự nhiên, có lẽ người vui nhất là ông bà nội của Nam. Niềm vui và hạnh phú vẫn luôn hiện rõ trên khuôn mặt của ông nội. Ông nội Nam tự hào kể về đứa cháu hiếu học của mình: Ba chị em Nam đều ham học và rất ngoan. Nhà nghèo như vậy, nhưng cháu tôi, ai cũng đỗ đạt đại học cả. Chị của Nam là Hương Dung cũng đang theo học năm thứ tư trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Ba chị em Nam không có cuộc sống may mắn như những bạn cùng trang lứa khác. Ông nội Nam từng là giáo viên một trường THCS, gia đình cũng không có ruộng đất gì nhiều, chỉ có một ít đất để tăng gia. Cả ông nội và bà nội của Nam hiện đang sống bằng tiền lương hưu vỏn vẹn 5 triệu đồng/tháng. Vậy mà ông bà vẫn cố gắng để nuôi, dạy các cháu của mình. Ông của Nam kể lại rằng: Bố mẹ Nguyễn Phương Nam thấy gia đình càng ngày càng khó khăn nên đã đi xa để làm kinh tế. Nhưng kiếm ăn thời buổi đó cũng như bây giờ không phải dễ dàng. Việc nuôi dậy chị em Nam bố mẹ Nam cũng phải trông cậy hoàn toàn vào ông bà nội. Mỗi năm bố mẹ chỉ về thăm nhà được 1 lần. Đến năm 2009, bố Nam ra đi vì căn bệnh ung thư. Mẹ Nam cũng vì nhiều việc, rồi nợ nần… nên cũng chẳng về thăm được con cái.
Nói đến đây mới cảm nhận được sự thiếu thốn, mất mát của Nam và anh chị em. Thiếu thốn vật chất, cơm ăn áo mặc đã đành, nhưng thiếu thốn tình cảm, sự nuôi dạy của người cha, người mẹ là sự thiếu thốn khó bù đắp được. Điều đó càng khiến tôi thêm hiểu được nghị lực của chị em Nam.
Cha mất sớm, mẹ không có nhà, ông bà nội của Nam đã phải chắt chiu từng đồng một để nuôi các cháu, lo cho các cháu ăn học từng ngày. Chắc chắn Nam và anh chị em trong nhà không bao giờ quên công sức của ông bà nội mình. Nam vẫn còn nhớ những lần ông nội chở các cháu đi học bằng chiếc xe đạp cũ. Sau này ông yếu dần, không đưa đi học nữa, anh em Nam lại đèo nhau trên chiếc xe đạp đó đến trường. Nhà cách trường cũng xa, nên Nam càng thấm, càng nhớ những công sức mà ông mình đã chăm bẵm nuôi dạy anh em Nam. Ông nội Nam cười hiền kể với tôi: Ngày nào các cháu cũng đạp xe đi học đến 7-8km. Ăn sáng, ăn trưa thiếu thốn lắm. Nhưng chẳng bao giờ mấy đứa cháu đòi hỏi gì từ ông bà cả.
Ước mơ làm giáo viên giống ông nội
Mặc dù Nam là em út, nhưng lực học thì có vẻ nhỉnh hơn chị Dung và anh Hòa. Chưa một năm nào, danh hiệu học sinh giỏi không về tay Nam. Nam luôn là học sinh tiêu biểu của trường THPT Đồng Quan, Nam cũng đã từng đi thi học sinh giỏi thành phố, và đạt những thành tích cao. Từ bé Nam đã yêu thích môn toán, ước mơ sau này của Nam là trở thành một giáo viên, nối nghiệp ông nội của mình. Mong muốn mình sẽ trở thành người truyền thụ kiến thức đến cho mọi người. Một điểm nữa mà Nam chọn ngành Sư phạm vì Nam muốn bớt gánh nặng cho ông bà nội của mình, vì được miễn học phí. Còn Nguyễn Ngọc Hòa cũng lựa chọn cho mình trường Học viện Quân y. Có nhiều lý do Hòa chọn thi Học viện Quân y, nhưng điều quan trọng cũng bởi vì trường đó… miễn học phí.
Ông nội của Nam cho biết khi nhập học thì Nam sẽ ở nhờ một người họ hàng xa tại Hà Đông để tiện đi học. Và ông bà sẽ tiếp tục tiết kiệm, chắt chiu hơn nữa để lo lắng cho các cháu học hành. Với Dung, Nam, Hòa thì ông bà nội luôn giống như người cha, người mẹ của các em. Nam tâm sự: Chỉ cần ông bà nội còn khỏe mạnh thì chắc chắn đó sẽ là động lực, là điểm tựa để chúng em cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Phần thưởng của thủ khoa là chiếc điện thoại cũ
Ông bà nội của Nam đã quyết định thưởng cho đứa cháu đỗ đại học Thủ khoa của mình một chiếc điện thoại cũ để tiện liên lạc với các cháu đang học trên thành phố. Các cháu đỗ đạt, học hành tới nơi tới chốn là vậy, ông rất vui mừng, nhưng canh cánh bên lòng ông vẫn là một nỗi lo. Đứa cháu gái lớn của ông đang theo học năm cuối ĐH Kiến trúc, mỗi tháng ông bà đã phải lo lắng tiền học, tiền sinh hoạt cho cháu. Rồi sắp tới đây, Nam và Hòa cũng tiếp tục đi học đại học, ông bà chưa biết xoay xở thế nào để lo cho các cháu ăn học. Có lẽ ông bà nội của Nam sẽ tiếp tục phải vay quỹ sinh viên.
Sức khỏe ông bà cũng ngày một yếu đi, bây giờ mong ước lớn nhất của ông bà là sẽ còn sống được lâu, còn đủ sức lo cho các cháu đến lúc các cháu tốt nghiệp ra trường. Thương ông bà, chị em Nam cũng chỉ biết bảo ban nhau hoàn thành nhiệm vụ của mình là học thật giỏi và sau này sẽ cố gắng hơn, quyết tâm không chịu gục ngã trước những khó khăn của cuộc sống. Bước đầu tiên trên con đường đời của Nguyễn Phương Nam đã thành công, mặc dù trước mắt em vẫn còn vô vàn những khó khăn, thế nhưng với nghị lực của mình, chắc chắn ba chị em Nam sẽ chinh phục cuộc sống và vượt qua mọi thử thách. Và quan trọng hơn bên cạnh chị em Nam vẫn sẽ có ông bà nội và tất nhiên là sẽ có cả những người tốt sẽ giúp đỡ các em trên con đường đi tới.