“Ông lão” B-52H trang bị thêm “mắt thần” để “cải lão hoàn đồng”

ANTĐ - Không quân Mỹ đã thực hiện thành công tích hợp thành công khoang radar mảng pha chủ động triển khai nhanh AN/ASQ-236 “Dragon’s Eye” trên máy bay ném bom B-52H, tăng cường khả năng tác chiến cho B-52 trong môi trường khắc nghiệt.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tìm kiếm những sáng tạo mới trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ tư lệnh tấn công toàn cầu của không quân Mỹ (AFGSC) - lực lượng chịu trách nhiệm tấn công toàn cầu của Mỹ, đang tìm kiếm một công nghệ tổng hợp sẵn có cho lực lượng máy bay ném bom chiến lược của mình.

Tháng 4 năm 2014, “Nhóm nhu cầu B-52” của không quân Mỹ, đặt dưới sự chỉ huy của căn cứ không quân Barksdale (Bossier City, Louisiana) đã thử nghiệm thành công lần đầu tiên, nhanh chóng tích hợp radar mảng pha điện tử chủ động AN/ASQ-236 “Dragon’s Eye” trên một chiếc máy bay ném bom B-52H.

Máy bay B-52H tham gia thực nghiệm này được điều động từ liên đội máy bay ném bom số 307 thuộc Bộ tư lệnh quân dự bị không quân Mỹ, công tác bay thử do phi đội kiểm tra và thử nghiệm số 49 và phi đội số 1 thuộc tổ quản lý thử nghiệm số 53 thực hiện.

Được biết, văn phòng dự án các hệ thống tác chiến trên B-52 đóng tại căn cứ không quân Tinker  (Tinker Air Force Base) - thuộc bang Oklahoma và công ty Northrop Grumman cũng đã tham gia hỗ trợ cho việc tích hợp nhanh khoang radar mảng pha điện tử chủ động với máy bay ném bom.

Khoang “Dragon’s Eye” đã được lắp đặt, trang bị và sử dụng thực chiến trên máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle không quân Mỹ từ năm 2009. Khoang này giúp tổ bay định vị không gian địa lý của đối tượng, đồng thời tăng cường khả năng giám sát đối tượng cả ban ngày và ban đêm trong điều kiện khí hậu xấu.

Chủ nhiệm “Nhóm nhu cầu B-52” của AFGSC cho biết, khoang radar mảng pha điện tử chủ động AN/ASQ-236 “Dragon’s Eye” có thể tăng cường khả năng tác chiến cho B-52 trong môi trường tác chiến ác liệt và điều kiện khí hậu xấu.

Radar có độ phân giải cao làm cho nó có thể vừa giám sát vừa theo dõi mục tiêu, đồng thời giúp cho nó có thể hoạt động được ngay cả khi thiết bị ngắm quang học trên máy bay mất tác dụng. Trong lần thử nghiệm này, AFGSC đã thành công trong việc rút ngắn thời gian thử nghiệm bắt buộc từ 6-8 tháng xuống còn 4 tuần.

Thông qua việc sáng tạo kiểu như tích hợp khoang “Dragon’s Eye” cho máy bay B-52H, lực lượng tác chiến không quân sẽ được tăng cường tính linh hoạt và sự lựa chọn để hỗ trợ cho hành động tác chiến ở các khu vực chiến sự.

Lực lượng không quân Thái Bình Dương Mỹ rất hài lòng về khả năng của B-52 sau khi được lắp đặt thêm khoang “Dragon’s Eye”, đồng thời có ý định tích hợp thêm thiết bị này cho máy bay ném bom B-52 tham gia diễn tập “Valiant Shield” vào tháng 9 năm 2014.

Người phụ trách chương trình tích hợp các hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa và binh lính nhất thể hóa của không quân Thái Bình Dương cho biết, khoang “Dragon’s Eye” đã được chứng thực tính năng và đang mở rộng năng lực tác chiến.

Khi kết hợp với tầm bay xa, thời gian hành trình dài và khả năng thông tin liên lạc của B-52, “Dragon’s Eye” sẽ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng không quân Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiệm vụ “nhận biết khu vực vật lý hải dương” (MDA).

Khu vực địa lý do bộ tư lệnh Thái Bình Dương đảm nhiệm rất rộng nên đối với chỉ huy bộ tư lệnh này, nhiệm vụ MDA là một thách thức rất lớn. Sử dụng máy bay thuộc Bộ tư lệnh tác chiến Thái Bình Dương để hoàn thành nhiệm vụ này là phương án kinh tế nhất, do đó lắp thêm khoang “Dragon’s Eye” cho B-52 sẽ giảm bớt số lượng lớn nhân viên và thiết bị hỗ trợ.

Hiện nay, không quân Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc tích hợp khoang “Dragon’s Eye” cho toàn bộ đội ngũ B-52 của mình. Nếu “Dragon’s Eye” được lắp đặt trên toàn bộ số B-52 này thì chứng tỏ chúng sẽ tiếp tục còn phục vụ lâu dài trong không quân Mỹ, bất chấp cái tuổi trên 60 của mình.