Sự thật về vụ bao vây Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình ở Tiền Hải, Thái Bình

“Ông là ai mà la làng?“

ANTĐ - Lấy lý do Công ty CPVLXD Tiền Phong sau khi nhận đủ 7 tỷ đồng từ Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT nhưng không chịu xuất hóa đơn, công ty này đã không trả tiền và độc chiếm Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình để sản xuất kinh doanh trong khi các cổ đông bất lực “ngồi trên chảo lửa”...

“Ông là ai mà la làng?“ ảnh 1
Ông Đặng Văn Thiệu - Chủ tịch HĐQT Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình (người ngồi giữa) 
chủ trì cuộc làm việc với PV Báo ANTĐ


“Đánh bùn sang ao”
Cũng trong buổi làm việc với phóng viên, ông Phạm Đình Dương, người đại diện phát ngôn của Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình cho biết, “Vì sau khi các bên ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, phía Công ty CPVLXD Tiền Phong không xuất hóa đơn trả cho Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT, nên chúng tôi không thể chuyển tiền thêm. Bên cạnh đó, chúng tôi đã mời một số cổ đông liên quan đến làm việc nhưng họ không đến. Đã thế, hôm xảy ra sự việc họ cùng hàng trăm người “lạ mặt” đến tụ tập trước cổng Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình khiến cho việc sản xuất kinh doanh của nhà máy bị đình trệ”. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Dung - Phó giám đốc Công ty CPVL&XD Đất nước lại cho rằng, không biết với lý do gì mà sau khi bên Công ty CPVLXD Tiền Phong chuyển nhượng lại cổ phần cho Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT, ông Nguyễn Trọng Đoàn từ Trưởng ban kiểm soát của Công ty CPVL&XD Đất nước được đưa lên giữ chức Giám đốc Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình. Sau đó, ông Đoàn tiếp tục thâu tóm bằng cách đưa một số “đối tượng cộm cán” về độc chiếm Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình. Trong khi tôi và một số anh em cổ đông đóng góp cả công sức và tiền của ngay từ ngày đầu để xây dựng ra Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình thì lại bị đuổi ra khỏi nhà máy. Đã thế, hôm chúng tôi đến giải quyết, đòi quyền lợi thì ông Đoàn cho người lập barrier (hàng rào) ngăn cản vì cho rằng chúng tôi là những người “lạ mặt“, không được vào nhà máy(?!). Ông Đặng Văn Thiệu - Giám đốc Công ty CPVLXD Tiền Phong không khỏi bức xúc cho biết, có cả trăm người đến Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình đòi nợ là vì, khi Công ty CPVLXD Tiền Phong bỏ tiền đầu tư thành lập nên Công ty CPVL&XD Đất nước được huy động vốn của công nhân trong Công ty CPVLXD Tiền Phong. Nên khi Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT không trả nốt số tiền còn lại để Công ty CPVLXD Tiền Phong trả cho cán bộ công nhân nên họ mới bức xúc đến Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình để đòi. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT lấy lý do Công ty CPVLXD Tiền Phong không xuất hóa đơn nên không chuyển tiếp số tiền hơn 4,3 tỷ đồng là không đúng. Vì theo thỏa thuận, toàn bộ cổ phần của Công ty CPVLXD Tiền Phong có trong Công ty CPVL&XD Đất nước, được Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT mua lại thì tiền phải do Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT bỏ tiền ra, nhưng số tiền 7 tỷ đồng lại được lấy ra từ Công ty CPVL&XD Đất nước chứ không phải là tiền của Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT. Mặt khác, bên Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT lại yêu cầu Công ty CPVLXD Tiền Phong xuất hóa đơn nhận tiền từ Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT là không đúng, nên chúng tôi không thể làm. Đồng thời, trong thời gian thỏa thuận, Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT phải có trách nhiệm trả tiền, nhưng không thực hiện mà lại tiếp quản Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình, sản xuất rồi bán thẳng ra ngoài không vào sổ sách nên càng khiến cho các công nhân có cổ phần lo lắng.Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT - “ông” là ai?
Cũng trong buổi làm việc với chính quyền xã, ông Bùi Văn Hiển - Bí thư Đảng ủy xã Vũ Bình không khỏi thốt lên rằng, từ một công ty không có năng lực về tài chính, sau khi được tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án, chật vật xoay xở mãi, Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT mới kêu gọi được các đối tác cùng vào làm ăn, cứu dự án thoát khỏi sự thu hồi của chính quyền. Thế nhưng, khi về làm việc thì lại có những “chiêu trò” rất lạ. Việc “ông” thành lập công ty ở địa phương nơi đây, có pháp nhân và con dấu riêng, nhưng khi thực hiện nghĩa vụ về thuế thì lại đòi đi nộp tận tỉnh Sơn La, chẳng thể hiểu Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT – “ông” là ai? Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Nguyễn Công Mỵ - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, sự việc xảy ra tại Nhà máy gạch Tuynel Vũ Bình không phải là việc lớn, tuy nhiên lãnh đạo Tỉnh ủy đã có văn bản giao cho cơ quan chức năng, Sở KH&ĐT xem xét kiểm tra và báo cáo lại.  Ông Nguyễn Công Mỵ cũng khẳng định, Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT không có năng lực đầu tư. Khi về đây đầu tư không làm nổi nên đã kêu gọi thêm các công ty khác cùng hợp tác đầu tư. Trong biên bản thỏa thuận, Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT đã nhượng toàn quyền sử dụng tài sản cho Công ty CPVLXD Tiền Phong, nhưng sau khi đi vào hoạt động ăn nên làm ra được khoảng 2 năm thì Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT quay lại đòi. Theo báo cáo thì một phần cũng do lỗi của Công ty CPVL&XD Đất nước vì không sang tên nên mới có chuyện kiện tụng đòi lại như vậy. Gần đây, lấy lý do thành lập công ty trên Sơn La, Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT mời một số cổ đông cũ lên Sơn La họp nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của Sơn La xác nhận không có công ty nào là Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT đóng trên địa bàn. Theo tài liệu báo cáo thì công ty này còn có một số yếu tố lừa đảo nên cơ quan công an cũng đang vào cuộc để điều tra. Công ty này đã giả mạo hồ sơ trên Hà Nội và đã bị thu hồi giấy phép đầu tư thì lại quay lại Sơn La làm. Sau khi thâu tóm Công ty CPVL&XD Đất nước, lại tách những cổ đông ra khỏi công ty khiến họ đứng trước nguy cơ tán gia bại sản. Để tạm thời ổn định tình hình ANTT cũng như để cho công ty hoạt động bình thường, tỉnh Thái Bình cũng đã có văn bản thành lập đoàn giám sát trong khi chờ giải quyết vụ việc. Những thông tin về Công ty cổ phần tư vấn ĐTXD&PTNT và hành vi làm giả hồ sơ, hất cẳng cổ đông... sẽ được ANTĐ đăng tải đến bạn đọc vào các số báo tiếp theo.