Ông Joe Biden và những chuyến thăm để lại dấu ấn tại Matxcơva

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần kết thúc Chiến tranh Lạnh, ông Joe Biden (bấy giờ là Thượng nghị sĩ Mỹ) đã vài lần thăm Liên Xô để đàm phán về kiểm soát vũ khí. Khi trở thành Tổng thống Mỹ từ ngày 20-1, chắc hẳn ông sẽ mang theo gần nửa thế kỷ kinh nghiệm về chính sách đối ngoại để dàn xếp quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là với Nga.
Ông Joe Biden trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Nga năm 2011

Ông Joe Biden trên cương vị Phó Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Nga năm 2011

Đó là năm 1988, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Liên Xô lần thứ ba. Ông cảm thấy đủ thoải mái để đưa một người khách đặc biệt vào phòng: cậu con trai Hunter Biden. Một bức ảnh từ cuộc họp cho thấy, Hunter Biden ngồi ở đầu bàn khi cha anh và ông Andrei Gromyko - Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước hạt nhân tầm trung. “Điều đó cực kỳ bất thường, nó gây ấn tượng với tôi với tư cách là một người Xô Viết” - ông Victor Prokofiev, phiên dịch của Bộ Ngoại giao Liên Xô tại cuộc họp nói.

Khi bước vào Nhà Trắng vào tuần tới, ông Joe Biden sẽ mang theo gần nửa thế kỷ kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, khiến ông trở thành một trong những đặc phái viên dày dạn nhất từng được bầu làm Tổng thống Mỹ. “Ông Joe Biden hiểu Liên Xô, hiểu Nga, từng tiếp xúc với ông Vladimir Putin và hiểu điều gì có thể, điều gì không có thể” - cựu thượng nghị sĩ Bill Bradley, người đã đến Matxcơva cùng ông Biden vào năm 1979 nói.

Vào thời điểm trước Chiến tranh Lạnh, ông Biden chỉ là một nhân vật chưa có tiếng tăm được cử đến Matxcơva để giúp xoa dịu những lo ngại về Hiệp ước Salt II. Nhưng trong những chuyến đi đầu tiên đó, ông đã trau dồi phong cách ngoan cường trong các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo Liên Xô để sau này trở thành dấu ấn của chính mình. Có một so sánh, nếu ông Donald Trump đến Matxcơva để theo đuổi các giao dịch bất động sản thì trải nghiệm của ông Biden ở đây cho thấy, ông có thể đối đầu với các quan chức điện Kremlin về kiểm soát vũ khí. Đó là vai trò mà ông sẽ tái hiện vào tháng tới với Tổng thống Putin khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới được thông qua năm 2010 sắp hết hạn.

“Tôi đến từ Delaware và chúng tôi có một câu rằng, bạn không thể nói nhảm nhí” - ông Biden dường như thích lặp lại cụm từ đó vào chuyến công tác đến Nga các năm 1979 và 1984. “Nếu chúng ta có Biden của những năm 1970 và 1980 trong Nhà Trắng, mọi người sẽ phải không lo lắng” - ông Sergey Karaganov, một chuyên gia chính sách đối ngoại từng đóng vai trò tổ chức các chuyến đi mà Biden tham dự nhận định. Ông Sergey Karaganov nhớ lại ấn tượng mà ông Biden đã tạo ra khi đó: “Người Mỹ, đẹp trai, trung gian hòa giải tốt”.

Sau khi ông Biden tái đắc cử, một cuộc phỏng vấn truyền hình năm 1979 của ông đã lan truyền ở Nga. “Tôi nghĩ rằng triển vọng cho mối quan hệ Xô - Mỹ là tốt” - ông Biden nói một cách nghiêm túc trước cuộc thảo luận về Salt II (cuối cùng hiệp ước đã thất bại, nhưng cả hai bên đều tuân thủ các giới hạn về số lượng và loại tên lửa cho đến năm 1986). Và tới năm 1988, khi ông Biden đến Matxcơva cùng một phái đoàn có con trai mình, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung đã được ký kết.

Ông Biden trở lại Nga năm 2011, khi ông Putin đã nắm quyền trong một thập kỷ. Chủ đề cuộc trò chuyện đã chuyển từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, từ kiểm soát vũ khí và cân bằng quân sự sang các câu hỏi về thúc đẩy dân chủ và kinh tế. Cựu Thượng nghị sĩ Bill Bradley nói rằng, nhiều thập kỷ kinh nghiệm về chính sách của ông Biden vẫn có giá trị. So sánh với cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin, ông Bradley cho rằng ông Biden là người “không thể thao túng được”. “Nếu có cơ hội cho một mối quan hệ mới với Nga, thì cơ hội đến với ông Biden tốt hơn là với ông Trump”, ông Bradley khẳng định.