Ông già có bàn tay "ma"

ANTĐ - Người bình thường dùng dùi đánh chiêng, riêng ông Thực dùng nhiệt lòng bàn tay dậy tiếng chiêng vang khắp núi rừng.
Ông Nguyễn Văn Thực (75 tuổi) được người dân ở bốn xứ Mường (Hòa Bình) mệnh danh là người có bàn tay “ma thuật”. Người Mường biết đánh chiêng có hàng vạn, người biết chỉ huy dàn chiêng cổ 12 chiếc thì chỉ còn lác đác vài người. Song, người dùng bàn tay xoa chiêng, giữ phách cho dàn chiêng xứ Mường chỉ thì còn mỗi ông già Thực dưới chân dốc Cun.

13 tuổi, ông Thực đã là hạt nhân của đội văn nghệ xứ Mường Bi
(xứ Mường lớn nhất trong 4 xứ Mường cổ: Bi, Vang, Thàng, Động)

Người thường đánh chiêng bằng dùi, riêng ông dùng bàn tay xoa chiêng để giữ nhịp,
dẫn phách. Đây là nghi thức dậy chiêng (đánh thức hồn chiêng) không thể thiếu trong
không gian văn hóa cồng chiêng của xứ Mường.

Năm 1998, ông Thực đã lặn lội vào Đông Sơn (Thanh Hóa) tìm mua được chiếc chiêng cái
với giá 8 triệu đồng để phục vụ đội văn nghệ do ông sáng lập ra. Hơn 20 năm nay, đội
văn nghệ này nức tiếng xứ Mường bởi kỹ nghệ xoa chiêng điêu luyện của ông

12 chiếc chiêng là bộ sắc bùa của người Mường, đại diện cho 12 âm vực có thể sử dụng
từ lúc mới sinh đến đám cưới, đám ma và trong lễ hội, ngày Tết.

Bằng kinh nghiệm của đời đam mê chiêng, ông bảo: “Một chiếc chiêng tốt, có âm sắc ngân thì
khi đúc mặt chiêng phải căng, núm phải làm hoàn toàn từ đồng đỏ chứ
không phải như người ta đồn đại rằng pha vàng bạc vào thì chiêng mới tốt”.

Theo quan niện của người Mường, chiêng cũng có hồn, dung tay xoa núm chiêng
là thể hiện sự hòa hợp giữa hồn người, hồn chiêng.

Ông Thực ngoài có tài xoa chiêng, giữ phách còn là “nghệ nhân” phục hồi chiêng mất tiếng.
Ông bảo: “Điều cấm kị nhất là việc úp chiêng sấp xuống đất, tỳ đè lên mặt, như vậy
sẽ làm chiêng mất hồn”.

Việc úp chiêng sẽ làm chiêng mất thiêng, mất tiếng.
Do vậy khi xin lại âm ông Thực phải xin trời đất trước khi thực hiện

Xoa chiêng không phải người Mường nào cũng làm đạt đến mức "dậy hồn" như ông Thực

Nhà nghiên văn hóa xứ Mường Bùi Chí Thanh- Tổng đạo diễn lễ hội văn hóa cồng chiêng Hòa Bình cho biết: “Khó khăn nhất là tìm người xoa chiêng, dẫn phách, giữ nhịp cho dàn cồng chiêng khổng lồ 1.400 chiếc nhưng ông Thực đã làm được điều đó trong lễ xác nhận kỷ lục Việt Nam về trình tấu cồng chiêng lớn nhất”.