Ông chủ quán với “tình yêu xa xỉ”

ANTĐ - Lần đầu tới Cà phê Sách (số 440, đường Âu Cơ, Hà Nội) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi một không gian “lạ” được sắp xếp, bài trí bởi một ông chủ quán đặc biệt - một không gian hiếm có giữa cuộc sống đô thị ồn ào và chật chội.

Đến Cà phê Sách, người yêu sách có không gian yên tĩnh để học và đọc. Ảnh: Phú Khánh

Chủ quán khác người

Tấm biển Cà phê Sách treo khiêm tốn trên cánh cổng nhỏ, con đường dẫn vào quán hẹp, treo đầy các loại phong lan, một khoảng sân xanh với đủ các loài vật nuôi… là điều gây bất ngờ cho hầu hết những vị khách đến quán lần đầu. Dễ nhận thấy đặc trưng của quán trước hết là sự yên tĩnh gần gũi với thiên nhiên. Không gian nơi đây lắng đọng, bình yên lạ kỳ.

Chủ nhân của quán cà phê là ông Nguyễn Thế Thành, dù đã 65 tuổi, nhưng nét lãng tử vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt. Hỏi chuyện về quán cà phê, về hơn 4.000 cuốn sách trên giá, ông trầm ngâm kể, ông sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Từ nhỏ, ông đã có thói quen đọc sách, yêu sách. Suốt cả thời thơ ấu, đến khi ông trưởng thành cũng chính là giai đoạn đất nước khó khăn bởi phải dốc sức cho chiến tranh và hàn gắn vết thương do chiến tranh mang lại. Có những thời điểm, ông phải làm đủ nghề như đạp xích lô, bốc vác… để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Khó khăn chồng chất, có những lúc tưởng như ông phải đoạn tuyệt với “tình yêu xa xỉ” mà bao năm ông hằng đeo đuổi. Song, dường như tình yêu đó đã ngấm vào máu thịt ông. Có những cuốn được ông mua lại với giá rẻ từ những bà đồng nát, nhưng cũng có những cuốn phải mất tới cả vài năm mơ ước, mất ăn mất ngủ, tích cóp dành dụm mới có được như cuốn “Tuyển tập Vũ Bằng” hay “Việt Nam bách khoa từ điển”; lại có những cuốn phải đổi bằng tài sản có giá trị như cuốn “Giăng Thề” của nhà văn Tô Hoài…

Giờ đây, khi kinh tế của gia đình đã tạm ổn, ông Thành có nhiều thời gian bổ sung sách mới vào thư viện của mình. Ông cho biết, không chỉ có ông mà người con trai thứ cũng có công lớn trong việc sưu tầm vào gia tài sách của gia đình. Bên cạnh những cuốn sách “cũ” và “cổ”, cuốn sách đạt tiêu chuẩn theo ông phải là những cuốn có nội dung mang tính giáo dục cao, được thế giới công nhận và trao giải thưởng quốc tế.

Thư viện đặc biệt

Gọi là quán Cà phê Sách nhưng khách vào tầng 1 sẽ chẳng thấy sách đâu. Chủ nhân của quán lý giải, không phải ai tới đây cũng có nhu cầu đọc sách, nhưng nếu ai đó thực sự có nhu cầu, thì ông sẵn sàng chia sẻ. Thì ra tầng 2 mới là không gian chính của Cà phê sách. Không âm nhạc, không internet, chỉ có cà phê và sách. Phòng uống cà phê kết hợp phòng đọc sách mà ông thiết kế không khác gì một thư viện thật sự từ những tủ đầy sách đến cách bố trí bàn ghế cho khách. “Thư viện” này có đủ loại, từ  sách thiếu nhi, văn học Việt Nam, văn học thế giới, văn học dân gian, văn học đương đại… 

Ngoài văn học, ông còn có nhiều sách, tài liệu chuyên môn: sách về báo chí, về các bộ môn nghệ thuật tuồng, chèo… Đặc biệt ông còn có một tủ sách riêng về Hà Nội. Mỗi loại sách lại được ông cẩn thận sắp xếp vào những tủ, giá khác nhau để tiện cho khách hàng tìm kiếm và tham khảo. Khi giới thiệu về thư viện của mình, ông Thành luôn nhấn mạnh: tiêu chí sách sưu tầm của ông nhất định phải là những cuốn có giá trị. Tủ sách của ông kén cả tác giả và nội dung. Ông rất tự hào trước những cuốn sách có giá trị giáo dục cao, những cuốn sách thuộc hàng “kinh điển” của Việt Nam và thế giới hay những cuốn sách của tác giả đã giành giải Nobel… Trong bộ sưu tầm của ông Thành, có nhiều cuốn đã được xuất bản được vài chục năm và cũng có cả những cuốn in từ cách đây hơn 100 năm.

Điểm đến của những “mọt sách”

Khách hàng đến với Cà phê Sách cũng như nhiều quán cà phê khác là những người muốn thưởng thức cà phê, tìm không gian gặp gỡ, giao lưu nhưng chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên, những người yêu thích sách đến để đọc và học, đơn giản bởi, Cà phê Sách đáp ứng được nhu cầu của họ: yên tĩnh, có nhiều nguồn tư liệu có giá trị. Có nhiều khi, khách hàng của quán mải miết ngồi đọc đến tận hơn 10 giờ tối nhưng chủ quán không làm phiền hay có ý “đuổi khéo” bởi ông vô cùng trân trọng tinh thần “say” đọc, ham học hỏi.

Mặc dù đã ở tuổi “mắt bắt đầu kém, chân bắt đầu run” nhưng ông Thành vẫn tràn đầy nhiệt huyết với việc sưu tầm và giữ gìn sách vì theo ông, sách là để phục vụ việc giáo dục con người, nếu không có sách con người sẽ không biết mình đến từ đâu, và sẽ đi về đâu.