Ông chủ quán cháo lòng và đam mê "dưỡng nhạc trên gỗ" 45 năm

ANTĐ - Giữ lửa đam mê suốt 45 năm, ông Cao Kỳ Kỉnh (SN 1957, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) hiện đang thuê nhà tại số 101, khu tập thể B4, Thành Công (Hà Nội), trở thành một nghệ nhân không chuyên chế tác nhạc cụ dân gian. Gia đình ông mở hàng cháo lòng vào buổi sáng để kiếm thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống. Khách đến ăn sáng sẽ có cơ hội ngồi nghe ông Kỉnh chơi các loại nhạc cụ.

Người thày đầu tiên

Bắt đầu bén duyên với công việc chế tác nhạc cụ từ năm 13 tuổi, người thầy đầu tiên truyền dạy cho ông chính là người cha đáng kính với ngón nghề làm đàn tài hoa mà cả làng đều biết đến. Khi lập gia đình, ông tạm gác nghiệp để chăm lo cho cuộc sống mưu sinh cùng vợ.

Năm 2004, ông mới tiếp tục quay lại với nghề “gửi âm thanh lên gỗ”. Ông tâm sự, hồi mới bắt đầu trở lại nghề làm đàn, vợ và con gái vì không hiểu nhạc nên đã trách ông rằng nhà đã nghèo mà ông còn “vẽ việc”, không lo kiếm tiền nuôi gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay, vợ con và cả cháu đích tôn lại trở thành nguồn động viên lớn nhất giúp ông tiếp tục làm người nghệ nhân giữ hồn dân tộc trong mỗi sản phẩm của mình.

Phút nghỉ giải lao buổi chiều thư giãn với đứa con tinh thần.

Ông cho biết ngày trước, cha của ông chỉ làm đàn bầu, nhị… và nguyên vật liệu thời đó chủ yếu dùng tre nứa, ống bơ làm thân đàn; dùng sợi tơ tằm làm dây, tiếng tuy thanh trong, nhưng độ bền không được lâu, vài tuần lại phải thay.

Từng học qua một lớp đào tạo về mộc, nắm được những ưu điểm của từng loại gỗ tốt, ông bắt đầu chế tạo đàn bằng các loại gỗ. Mỗi loại đàn cần dùng những loại gỗ riêng để chế tạo cho âm hay, và các loại gỗ mà ông thường dùng là: gỗ thông (không có dầu), gỗ vông, gỗ lát hoa.

Ông Kỉnh đang hướng dẫn bạn Võ Tuyết (SN 1995, sinh viên) chơi thử chiếc đàn bầu cải tiến.

Trong nhà ông, lúc nào cũng có sẵn các loại gỗ để làm đàn do ông tự chuyển từ quê lên, dù chỉ là số lượng nhỏ (do diện tích nhà ông không được lớn). Gỗ để làm đàn cần phải hạn chế được sự cong vênh, tránh được biến dạng trong quá trình sử dụng, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như nước ta.

Ông tự chọn lựa, đo kích thước và thuê xẻ ván gỗ mỏng, uốn cong bằng cách hơ lửa rồi tỉ mỉ cố định bằng keo hai thành phần trộn lẫn mùn cưa cho chắc chắn. Tùy loại đàn mà ông sử dụng chất liệu dây khác nhau: ví như đàn tứ, để âm hay thì phải dùng dây nilon; đàn nhị thì có người thích dùng dây kim loại có người lại thích dùng dây nilon (dây kim loại cho âm thanh chuẩn hơn nhưng không ngọt ngào bằng dây tơ hay dây nilon); còn các loại đàn khác chủ yếu đều dùng dây kim loại hay dây cước.

Ông Kỉnh đang lên dây cho chiếc đàn tứ.

Không chỉ chế tạo, sửa chữa nhạc cụ dân tộc, ông còn đem những hiểu biết của mình về nhạc cụ để dạy cho người khác. Khách đến mua đàn hay hàng xóm xung quanh muốn ông chỉ cho vài ngón đều được ông truyền dạy nhiệt tình. Ông cho biết khách hàng của ông chủ yếu là giới văn nghệ sĩ hay sinh viên yêu nhạc, bên cạnh đó cũng có những người tới mua đàn về để...trưng bày cho sang.

Không gian âm nhạc của khu tập thể

Trên mấy bức tường đã cũ là gần 20 loại nhạc cụ dân gian và hiện đại do chính đôi tay tài hoa của ông làm hoàn toàn thủ công: đàn bầu, đàn nhị, đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt, đàn sến, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn ghi-ta, đàn mandolin, sáo trúc…

Những ống sáo tre, sáo trúc đủ kích thước do ông Kỉnh làm.

Ông Kỉnh kể về những ngày đầu mới chơi đàn ở khu tập thể này: “Hàng xóm ai cũng than phiền tiếng đàn của tôi nghe não nề quá, tôi phải bịt kín hết mọi lỗ hổng trong nhà để có thể thoải mái chơi đàn mà không sợ làm phiền hàng xóm. Nhưng bẵng đi một thời gian, họ lại “nhớ” tiếng đàn của tôi nên lại qua nhà ngồi chơi và nghe tôi đàn”.  Ngồi trên tấm phản gỗ đen bóng, nhấp ngụm nước chè nóng và thưởng thức tiếng đàn độc tấu hay hòa tấu mỗi buổi chiều, đã dần trở thành thú vui tao nhã của các cụ trong xóm.

Trải qua mấy chục năm gắn bó với nghề làm đàn, ông Cao Kỳ Kỉnh đã có cho riêng mình những kinh nghiệm quý giá, cũng như tự tạo cho mình những chiếc đàn với thương hiệu riêng.

Ông chia sẻ: “Bây giờ chỉ cần nhìn một thân cây gỗ là tôi cũng có thể nghe được âm sắc vang lên của nó, vì thế tôi nhìn sơ là biết thân nào có thể làm nên chiếc đàn tốt”.

Ông Kỉnh đang “trang điểm” cho hộp đàn tranh.

Kỹ thuật làm đàn của ông ngày càng tốt hơn, đồng thời ông cũng sáng tạo và cải biến những loại đàn đó để thuận tiện hơn cho người sử dụng và có âm sắc chuẩn hơn.

Đàn tranh (đàn thập lục) vốn chỉ có 16 dây, nhưng ông đã thêm vào 3 dây: vậy là cây đàn có tất cả 19 dây, có thể tạo ra âm thanh nghe vang rõ hơn.

Một góc của căn phòng với những chiếc đàn được chế tạo từ chính đôi bàn tay của ông Kỉnh.

Đàn bầu cải tiến được ông nâng cấp thành có 3 hộp tích âm (trong khi đàn bầu truyền thống chỉ có 1 hộp tích âm). Nhờ thế, đàn bầu cải tiến thường có âm thanh trong trẻo, tạo ra âm lượng lớn hơn, khi cắm điện sẽ càng trong hơn; và phù hợp với nhiều âm vực khác nhau.

Ông Kỉnh cũng tiết lộ thêm, sở trường của ông chính là gảy đàn bầu, một loại đàn dân gian, phù hợp với những giai điệu trữ tình, êm dịu, thường sẽ dùng biểu diễn nhạc vàng, nhạc đỏ (tuy nhiên những nghệ nhân xẩm có thể sử dụng nó để diễn những bài hát vui như xẩm xoan hoặc những ca khúc mới, giàu chất tươi tắn và khỏe mạnh).

Ca dao Việt Nam có câu "Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu" ý nói tiếng đàn dễ dàng thu hút được tình cảm người nghe.