Ớn lạnh hành trình vượt biển nhập cư vào Ý của một thanh niên Palestine

ANTĐ -  Trong bối cảnh của vụ chìm tàu trên Địa Trung Hải khiến ít nhất 700 người có khả năng thiệt mạng và Hội nghị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) họp khẩn cấp để tìm phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư châu Âu, một “nhân chứng sống” đã cho thấy cái nhìn cận cảnh về hoạt động buôn người. Ngày 20-4 vừa qua, tờ Independent công khai câu chuyện của Yusuf, 17 tuổi - là một người di cư trái phép đã sống sót sau khi bị bắt cóc, đánh đập, bỏ tù và suýt chết đói trong hành trình tới châu Âu. 

Đánh cuộc sinh mạng

Yusuf rời Gaza cùng một người bạn thân. Họ đi dọc theo biên giới tới Lebanon. Khi đến nơi, họ ở lại một gia đình là những người tị nạn tại Lebanon và cũng chính tại đây họ đã bị bắt cóc. Những kẻ đó tống họ vào một nhà giam rất tối đến nỗi khó có thể phân biệt thời gian đang là ngày hay đêm. Quãng thời gian địa ngục ấy có thể là 2 tuần hay 1 tháng. Chúng đòi họ phải chi ra 1.000 USD để được tự do. Chúng còn dọa giết, ghi hình họ bị đánh và gửi về gia đình. Sau khi gia đình Yusuf trả 1.000 USD tiền chuộc, Yusuf được tự do và ở lại Lebanon 2 tháng. 

Ớn lạnh hành trình vượt biển nhập cư vào Ý của một thanh niên Palestine  ảnh 1

Sau một thời gian, Yusuf và người bạn đi cùng đã bắt liên lạc với những tay buôn người và tìm cách đi từ Khartoum sang Libya. Họ di chuyển trên một chiếc xe tải không mui. Chiếc xe chở khoảng 30 người, di chuyển rất nhanh trên một quãng đường dài 160km. Nếu rơi khỏi xe họ sẽ bị bỏ mặc lại trong sa mạc.  Trong hành trình của Yusuf, có 3 người Palestine đã bị rơi xuống và chiếc xe đã không quay trở lại. Khi tới Libya, Yusuf ở cùng rất nhiều người, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và họ chỉ được cho ăn 1 lần mỗi ngày. Cứ 10 người được phát một đĩa nhỏ đồ ăn. Họ đói tới mức phải mua bột bánh mỳ và làm bánh để ăn. Bọn buôn người bán cho họ bột mỳ với giá cắt cổ 50 USD chỉ được vài lạng. Một số người đã chết vì đói và khát trong chuyến đi này.

Để có một “vé” tới Italia, Yusuf phải nộp phí tới 1.000 USD, phải tự bỏ tiền túi để mua áo phao. Những người ít tiền đành chấp nhận không có áo phao. Trên chuyến đi tới Ý kéo dài 13 giờ đồng hồ, Yusuf và khoảng 250 người trên con tàu 2 tầng, bị những kẻ buôn người có súng dọa rằng nếu ai đó hé răng nói nửa lời, chúng sẽ quẳng họ xuống biển hoặc nổ súng bắn chết. Cuộc hành trình ấy có 2 lần con tàu gặp sự cố và phải dừng lại. Cánh đàn bà và lũ trẻ trên tàu bắt đầu khóc, nhưng may thay một người trong số họ đã sửa được động cơ nên con tàu lại tiếp tục lên đường. Đôi khi nước tràn vào trong tàu và họ phải dùng tay múc nước đổ ra ngoài.

Khi biển động, họ sợ mình sẽ bị chết đuối, và khi cảm thấy không còn xoay xở được nữa, thuyền trưởng đã gọi điện cho lực lượng Tuần duyên Italia đề nghị giải cứu. Khi nhìn thấy tàu tuần duyên, tất cả đều vỡ òa trong vui sướng. Ngay cả những đứa trẻ cũng hạnh phúc. Tuy nhiên thuyền trưởng và tay chân vẫn cố nổ súng về phía lực lượng tuần duyên vì chúng không muốn mất quyền kiểm soát con tàu cùng những người di cư trái phép.

Khi chính thức đặt chân lên đất Italia, Yusuf đã tiêu hết 4.000 USD. Yusuf muốn mọi người biết câu chuyện của mình. Yusuf muốn kể với thế giới để chuyện như thế này không xảy ra một lần nữa. Yusuf chỉ muốn được làm một con người, được ăn, ngủ trong cảm giác được an toàn, không còn phải nghe thấy những tiếng la hét, tiếng súng hăm dọa…

“Đó là biển chứ không phải nghĩa địa”

Những kẻ đưa người vượt biên bằng đường biển đã lợi dụng tình hình xung đột ở Libya để tăng cường các hoạt động trong thời gian gần đây. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng “một ngôi mộ tập thể” đã được tạo ra trong vùng biển Địa Trung Hải và các chính sách châu Âu phải chịu trách nhiệm về việc này. Trên thực tế, hàng nghìn người đang tuyệt vọng bởi các cuộc khủng hoảng, các cuộc giao tranh và chiến tranh biên giới, đã tìm cách chạy trốn đến những vùng đất mới. Tuy nhiên cửa ngõ vào châu Âu đã bị đóng, buộc người dân buộc phải liều mạng sống đánh cược với tử thần trên biển.

Ngoài công dân của những quốc gia đang bị xung đột, một số lượng lớn người di cư bất hợp pháp đến từ các nước nghèo, các nước đang phát triển, là nạn nhân của bọn buôn người đã phải trả một khoản tiền để liều mình vượt biển đi tìm cuộc sống mới… Theo Liên hợp quốc, chỉ từ đầu năm đến nay, hơn 35.000 người tị nạn và người di cư đã đến miền Nam châu Âu bằng tàu thuyền, khoảng 1.600 người đã chết trên đường đi. Trong năm 2014, khoảng 219.000 người đã vượt Địa Trung Hải và 3.500 người đã thiệt mạng. 

Tại Hội nghị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU)  ở Luxembourg, các Bộ trưởng nhất trí cơ quan giám sát biên giới Liên minh châu Âu hiện nay là Triton cần được tăng cường mở rộng quy mô và khả năng hoạt động đến sườn phía Nam của liên minh. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu cũng sẽ nỗ lực thu giữ hoặc phá hủy những chiếc thuyền chở người di cư trái phép và tăng cường hợp tác trong toàn liên minh, đồng thời sẽ triển khai một dự án tái định cư thí điểm trên cơ sở tự nguyện nhằm cung cấp nơi ở cho những đối tượng cần được 

bảo vệ.