Ổn định được tâm lý

ANTĐ - Trong tổng số 15 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012, Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự kiến 10 chỉ tiêu có triển vọng đạt và vượt kế hoạch, còn 5 chỉ tiêu không đạt. Ngay cả những chỉ tiêu đạt và vượt, Bộ này cũng thể hiện sự lo lắng như xuất khẩu có thể tăng so với năm 2011 và vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra, nhưng lại thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng kim ngạnh xuất khẩu. Hoặc chỉ tiêu tạo việc làm mới chỉ đạt 1,515 triệu chỗ làm trong khi chỉ tiêu là 1,6 triệu. Vì vậy giới chuyên gia cũng như một số đại biểu Quốc hội cho rằng, những yếu tố từ năm 2013 tạo đà cho năm sau là không hoàn toàn thuận lợi.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Tổng Bí thư đã đặt vấn đề, phải chăng thời gian qua, chúng ta mới tập trung vào việc chèo chống, đối phó với khó khăn về tài chính, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh… mà chưa ở thế chủ động triển khai các biện pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội?

Một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, lạm phát năm 2012 có thể dưới một con số, đạt mục tiêu đề ra, song nó có thể bùng phát bất cứ lúc nào, khi mà yếu tố khiến lạm phát giảm chủ yếu là do tổng cầu giảm và nền kinh tế suy giảm. Đối với những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy có tác dụng khích lệ tinh thần nhưng kết quả mang lại quá khiêm tốn.

Đóng góp ý kiến cho báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 được trình kỳ họp thứ tư của Quốc hội diễn ra vào hôm nay, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận xét, báo cáo đánh giá tình hình “chưa nói được một nửa cuộc sống”. Theo ông, cần phải phân tích nguyên nhân không đạt tốc độ tăng trưởng GDP là do đâu, chứ không nên nhận xét tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước thì năm nào cũng thế cả. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh rằng, nói kiềm chế lạm phát đạt thì có thể được, còn đánh giá kinh tế vĩ mô ổn định hơn thì chưa đúng. Bởi vì khi nhìn vào nền kinh tế trong 9 tháng qua, con số lạm phát đã “nhảy” lên mức 2,2%, trong khi giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm, thậm chí tháng 6 chỉ số CPI ở mức âm. Tỏ ra lạc quan hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2012 ước đạt được mức 5,2 % là kết quả tích cực, phù hợp với “sức khỏe”  của nền kinh tế theo hướng không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng.

Tuy vậy, ông Chủ nhiệm cũng thừa nhận, điều hành kinh tế chưa chủ động trước lạm phát, nói như một phó trưởng đoàn đại biểu là “chưa thực sự chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động. Mỗi lúc giật mình lại xử lý theo kiểu “bị giật mình”. Một đại biểu Quốc hội chỉ ra một “lỗ hổng” của hệ thống ngân hàng: thu hút tiền từ dân tương đối tốt, thế nhưng đầu ra không hấp thụ vốn được, khiến ngân hàng đang thừa tiền mà vẫn “chạy đua” đẩy lãi suất huy động lên, vậy tiền chạy đi đâu?

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thận trọng nhận định, còn quá ít cơ sở để dự báo chắc chắn xu hướng vươn lên của nền kinh tế năm 2013. Mục tiêu GDP năm nay hay sang năm đạt 5% hay 6%, không còn quá quan trọng. Quan trọng là ổn định được vĩ mô, ổn định được tâm lý.