Ồn ào quanh bức phù điêu "rất giống" Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

ANTD.VN - Bức phù điêu gắn trên tường tòa nhà ngay cạnh lối vào trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã trở thành tâm điểm của dư luận khi nhân vật chính trong tác phẩm lại chính là thầy Hiệu trưởng đương chức. Không ít ý kiến cho rằng, Hiệu trưởng Lê Văn Sửu đã tự đề cao bản thân khi cho sinh viên làm tượng, dựng phù điêu ngay trong khuôn viên của ngôi trường với lịch sử hơn 100 năm hình thành.

Bức phù điêu là bài tốt nghiệp của học viên cao học khoa Điêu khắc Nguyễn Xuân Vinh. Tác phẩm miêu tả không gian lớp học với thầy giáo, người được cho là giống Hiệu trưởng Lê Văn Sửu đang giảng bài trước sinh viên. 

Bức phù điêu được đặt ở đây từ tháng 9-2019 và cho đến nay, tác phẩm đã nhận được không ít ý kiến trái chiều cho rằng, ông Lê Văn Sửu đã chủ đích cho xây dựng tác phẩm này nhằm lưu lại cho hậu thế hình ảnh về một hiệu trưởng.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ trước tới nay chưa từng xảy ra việc dựng tượng, làm phù điêu hiệu trưởng, đặc biệt khi còn đương nhiệm. Ngay thầy Victor Tardieu, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng chỉ có một bức tượng bán thân nhỏ nhắn đặt trong khuôn viên nhà trường, để tưởng nhớ công lao của người sáng lập nên ngôi trưởng nổi tiếng này.
Ồn ào quanh bức phù điêu "rất giống" Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ảnh 1

Bức phù điêu gây xôn xao dư luận của cựu sinh viên Nguyễn Xuân Vinh

Không biết có phải vì như thế mà khi bức phù điêu với hình ảnh ông Lê Văn Sửu xuất hiện ở lối vào của trường đã tạo nên một làn sóng phản đối âm ỉ trong đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường.

Nhiều cán bộ đã cho biết, ông Lê Văn Sửu đã chủ đích cho làm tác phẩm để đề cao bản thân. Ai cũng nhận ra người trong tác phẩm là Hiệu trưởng của nhà trường, không thể nói, ông Sửu không biết điều này. Hơn thế, khi đã dựng tượng, làm phù điêu thì nhân vật ấy phải xứng đáng, có công lao cực kỳ to lớn đối với nhà trường.

Các Hiệu trưởng trước đây như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Trần Đình Thọ... có nhiều đóng góp với trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam còn khiêm tốn, không dám làm việc ấy thì bức phù điêu này không nên trưng ra bên ngoài như vậy. Nên chăng, tác phẩm có thể treo trong lớp học sẽ vừa tế nhị, vừa hợp lý hơn. 

Nhận xét về chất lượng tác phẩm, họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, bức phù điêu có thẩm mỹ không tốt. Trường mỹ thuật Yết Kiêu xưa nay nổi tiếng là cái nôi đào tạo các thế hệ họa sĩ thành danh, đầy tài năng của mỹ thuật nước nhà thì việc đặt tác phẩm này ở ngay lối vào của trường là không hợp lý. Và nếu dũng cảm, thì nên đập bỏ thay vì sửa chữa. 

Trong khi đó, nhà điêu khắc Vương Học Báo đã tiết lộ nhiều thông tin xung quanh bức phù điêu "nổi tiếng" này. Ông cho biết, một tác phẩm tốt nghiệp thông thường của sinh viên khoa Điêu khắc có kích thước là 60x80 cm. Nhưng tác phẩm này đã được Nguyễn Xuân Vinh làm với kích thước lớn hơn 2mx3m. Phải là sinh viên khá mới đủ sức thực hiện tác phẩm lớn như vậy. Các giáo viên trong hội đồng chấm tốt nghiệp đã đánh giá tác phẩm có chất lượng tốt, đạt 9,5 điểm. 

Về lý do sinh viên Nguyễn Xuân Vinh đưa hình ảnh thầy Sửu vào tác phẩm, nhà điêu khắc Vương Học Báu cho rằng, nếu người thầy trong bức phù điêu là ông thì chắc chắn không có vấn đề. Nhưng khi là thầy Sửu đã làm cho nhiều người dị nghị. "Chắc hẳn, thầy Sửu đã tạo tình cảm tốt với sinh viên nên cậu ấy mới đưa vào tác phẩm. Các sinh viên trong trường còn vẽ chân dung nhau cũng là chuyện bình thường", nhà điêu khắc chia sẻ. 

Ồn ào quanh bức phù điêu "rất giống" Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ảnh 2

PGS.TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Trước ý kiến nhận định  Hiệu trưởng Lê Văn Sửu đã tự đề cao bản thân khi đặt tác phẩm ở vị trí dễ nhìn thấy của nhà trường. Nhà điêu khắc Vương Học Báu lại nghĩ khác. Bởi không gian trong trường là nơi để trưng bày các bài tập xuất sắc của sinh viên thì cũng không có gì đặc biệt khi trưng bày một tác phẩm đạt 9,5 điểm. Hơn nữa, nếu trưng bày một thời gian thấy không ổn có thể bóc dỡ để chuyển tới vị trí khác, hoặc dừng không trưng bày nữa, chứ không nhất thiết phải đập bỏ. 

Trả lời báo chí, PGS.TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bác bỏ việc ông chỉ đạo sinh viên làm phù điêu về mình. Mặc dù theo dõi quá trình từ phác thảo ý tưởng đến khi thực hiện, nhưng ông không nhận ra người trong tranh là mình. Khi tác phẩm treo lên, ông mới nhận ra nhưng hội đồng chuẩn bị chấm điểm nên không thể phá bỏ. 

Đồng thời, thầy Lê Văn Sửu cho biết, sẽ yêu cầu cựu sinh viên Nguyễn Xuân Vinh sửa chữa gương mặt nhân vật chính trong tác phẩm thành người khác và "trong tương lai, nếu có phù điêu xuất sắc hơn, nhà trường sẽ dỡ bỏ và thay thế". 

Về việc này, nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông (Viện Mỹ thuật Việt Nam thuộc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định, việc dựng tượng và làm phù điêu về hiệu trưởng không có gì sai phạm và cũng không có quy định nào nói rõ về việc này. Trên thế giới và Việt Nam, các bức phù điêu ngợi ca nhân vật bao giờ cũng gắn liền với một thành tích, một chiến công cụ thể như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ gắn với chiến thắng Điện Biện Phủ chẳng hạn. 

Theo nhà phê bình Vũ Huy Thông, ở đây chỉ có vấn đề tế nhị mà thôi và có hay không sự chủ đích của nhân vật tự đề cao mình. Và thầy Sửu đã bác bỏ điều đó thì không còn gì để nói.