“Ôm đồm” không xuể

ANTĐ - Nhìn lại những bước đột phá trong hơn 20 năm đổi mới của nước ta, theo nhận định của Trưởng ban Thể chế kinh tế thuộc Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, có thể nói đột phá đều gắn chặt với những quyết định thu hẹp phạm vi, vai trò của Nhà nước. Một nghiên cứu về đổi mới Chính phủ đã được Viện này phác thảo cho thấy, công cuộc cải cách ở nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, cần phải xác định những “khuyết tật” của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho cơ chế thị trường vận hành suôn sẻ.

Ít ai biết rằng, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn làm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông đã mời một nhóm chuyên gia của dự án “Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam” do Hoa Kỳ tài trợ đến ở hẳn Văn phòng Chính phủ, cùng làm việc với các nhân viên Văn phòng để giúp rà soát lại những thủ tục hành chính trong Đề án 30. Nhờ đó, Đề án 30 đã hoàn thành chuẩn hóa được thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10.000 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 700 bộ thủ tục hành chính cấp huyện xuống còn 63 bộ mỗi cấp. Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ ước tính, tổng kinh phí mà Nhà nước và xã hội tiết kiệm được lên tới gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm nhờ Đề án đó. Trưởng ban Thể chế kinh tế, phụ trách công trình nghiên cứu về đổi mới Chính phủ đã “mổ xẻ” chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Thực tế cho thấy, mỗi bộ đều có nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Từ mỗi gạch đầu dòng trong nghị định đó, ông bộ trưởng lại ký quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các vụ. Rồi các vụ lại soạn thảo tiếp cho các phòng, ban. Tóm lại, mỗi gạch đầu dòng của bộ trưởng hay vụ trưởng lại mở ra hàng chục đầu việc khác nhau. Chỉ riêng ở cấp bộ, ước tính có khoảng vài chục nghìn đầu việc mà nhà nước phải làm. Vì thế, nhiều bộ vẫn đang duy trì một số nhiệm vụ không cần thiết đối với công việc quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn cấp loại giấy phép kinh doanh, giấy phép con chẳng những không phải là nhiệm vụ cần thiết mà còn làm khó cho sản xuất kinh doanh.

Tương tự, hầu hết các bộ đều có chức năng “đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực liên quan” và chức năng “hoạch định chính sách”. Thực tế này đã được dư luận lên tiếng là “vừa đá bóng, vừa làm trọng tài”. Chính vì không phân định rạch ròi chức năng hoạch định chính sách, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ nên cơ cấu tổ chức các bộ không rõ ràng. Trưởng ban Thể chế kinh tế nhận xét, sau khi tiến hành rà soát thì phát hiện ra có rất nhiều việc mà các bộ không cần làm, thế nhưng vẫn phải ghi trong quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của bộ đó.

Những việc cụ thể đó phải được ghi rõ trong nghị định vì chúng gắn với Luật Tổ chức Chính phủ. Luật nêu rõ, Chính phủ phải làm việc này, việc kia. Trên cơ sở đó sẽ thiết kế bộ máy của Chính phủ tinh giản và gọn nhẹ hơn. Khi đó, việc tách hoặc nhập bộ này, bộ kia sẽ dựa trên cơ sở khoa học. Hơn thế, việc giảm chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền đồng nghĩa với việc giảm quyền lợi của họ đối với xã hội. Điều này quả thực không phải dễ chấp nhận.

Đổi mới Chính phủ là đổi mới vai trò của nhà nước, của Chính phủ. Suy cho cùng, muốn có một nhà nước mạnh thì bản thân các bộ không thể ôm đồm quá nhiều việc khiến nhà nước phải tiêu phí quá nhiều nguồn lực vào những mục tiêu không cần thiết.