Ốm đau nhì nhằng mới vào bệnh viện huyện

ANTĐ - Sau gần một tuần “vật lộn” với bệnh tật của đứa con trai hơn 2 tuổi trong bệnh viện, chị Lê Thùy Quyên công tác tại Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

- Gần một tuần trong viện chắc mệt mỏi không thể kể hết?

- Mệt mỏi, lo lắng vì bệnh tình đứa con đi một nhẽ, đằng này, còn ốm thêm vì không khí ngột ngạt, chật chội, đông đúc.

- Sao chị không điều trị ở địa phương mà phải về bệnh viện Trung ương cho chật chội?

-  Thú thực là điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh vẫn có cảm giác không yên tâm. Y bác sĩ, rồi máy móc không thể hiện đại bằng trên này được. Tính mạng con người mà, nên cứ phải đưa lên tuyến trên cho đảm bảo.

- Chị đưa con về đây chữa trị vì cái mác Hà Nội hay chất lượng tốt hơn?

- Chất lượng tốt hơn rất nhiều chứ. Từ trình độ của đội ngũ y bác sĩ đến máy móc, thuốc thang cũng đảm bảo hơn. Không riêng gì tôi, bạn bè, đồng nghiệp ở Vĩnh Yên hễ có người nhà hay con cái ốm đau đều đưa thẳng về Hà Nội.

- Tuyến huyện, tỉnh chất lượng khám, chữa cũng ổn hơn rồi mà!

- Vừa qua, đứa em họ của tôi bị tai nạn, ban đầu đưa đi bệnh viện huyện, chụp chiếu các thứ rồi kết luận, không bị sao. Mấy ngày sau, chân nó cứ sưng to lên, đi không nổi. Lúc ấy, gia đình tôi mới đề nghị cho chuyển lên tuyến trên, chiếu chụp xong mới vỡ lẽ, nó bị dập xương ống chân. 

- Đấy chỉ là trường hợp hy hữu!

- Biết đâu, cái trường hợp hy hữu ấy lại rơi vào con em mình. Hơn nữa, từ Vĩnh Yên về Hà Nội cũng không xa là bao, nên cứ đưa về đây điều trị cho an tâm. 

- Như vậy là làm gia tăng tình trạng quá tải!

- Đấy là nhu cầu chính đáng của người bệnh. Ai chẳng mong muốn được dịch vụ chữa bệnh tốt. Họ cứ nói, dân thích lên Hà Nội chữa trị, nhưng nào có biết, thực tế chất lượng ở bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Thực lòng, chỉ khi ốm đau nhì nhằng thì mới đi bệnh viện huyện.