Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm:

Oceanbank và khách hàng bị thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng

ANTD.VN - Chiều nay (27-2), phiên xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm tiếp diễn ở phần kiểm tra căn cước những người tham gia tố tụng. Kế đến, đại diện VKSND TP Hà Nội đã công bố bản cáo trạng truy tố 47 bị cáo trong vụ án.

Theo cáo trạng truy tố, ở thời điểm xảy ra vụ án, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) có trụ sở chính tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Hệ thống ngân hàng này bao gồm Hội sở, 16 khối/phòng nghiệp vụ trực thuộc, 21 chi nhánh, 74 phòng giao dịch và 6 quỹ tiết kiệm trên toàn quốc.

Tính đến cuối tháng 3-2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ. Đặc biệt, trong số các cổ đông chiến lược, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chiếm 20%. Đứng đầu ngân hàng này là Hà Văn Thắm với chức danh Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Đại diện VKSND TP Hà Nội công bố cáo trạng truy tố các bị cáo

Trong quá trình hoạt động, Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã có nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay vốn, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng. Tội phạm của Thắm cùng các bị cáo liên quan đã gây ra thiệt hại nặng nề đối với các cổ đông, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Cụ thể, về hành vi vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cuối năm 2012, với nhiệm vụ là người đứng đầu Oceanbank, Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn – Phó Tổng giám đốc giải quyết cho Phạm Công Danh (khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên Tập đoàn Thiên Thanh) vay tiền thông qua Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Trung Dung (Công ty Trung Dung). Tuy nhiên, việc giải quyết cho Danh vay tiền trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, Oceanbank đã cho công ty “sân sau” của Danh vay 500 tỷ đồng khi không có tài sản bảo đảm và Công ty Trung Dung vay tiền xong đã không sử dụng đúng mục đích. Với việc làm trái quy định gây ra, Thắm và Hoàn đã làm cho Oceanbank bị thiệt hại hơn 343,5 tỷ đồng tiền gốc và gần 202 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank cùng các bị cáo tại phiên tòa

Đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cáo trạng xác định, cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận với Oceanbank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Lúc này, Nguyễn Xuân Sơn đang là Tổng giám đốc Công ty Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC) được PVN cử sang làm thành viên HĐQT, kiêm giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank.

Ngay sau đó, với cương vụ Tổng giám đốc ngân hàng và nắm được sự phụ thuộc của Oceanbank vào lượng tiền gửi rất lớn từ PVN, đồng thời vì mục đích cá nhân, bị cáo Sơn đã bàn bạc, thống nhất với bị cáo Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí”.

Thực hiện chủ trương đề ra, Thắm thành lập Công ty CP BSC Việt Nam (gọi tắt là Công ty BSC), rồi dùng pháp nhân này ký hợp đồng dịch vụ đối với các khách hàng vay tiền của Oceanbank. Thực tế, Công ty BSC không làm bất cứ việc gì cho khách hàng vay tiền mà chỉ dùng hợp đồng dịch vụ để hợp thức hóa các phí thu thêm.

Bằng mánh khóe vừa nêu, “cặp bài trùng” Sơn, Thắm đã chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Thu (khi đó là Phó Tổng giám đốc Oceanbank) và Phạm Hoàng Giang (SN 1975, ở phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) – nguyên Tổng giám đốc Công ty BSC triển khai việc thu phí trái với quy định của pháp luật.

Và tính từ khi thực hiện chủ trương thu phí đến khi Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển lại PVN (năm 2010), 5 bị cáo liên quan này đã gây thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng vay vốn với số tiền xấp xỉ 70 tỷ đồng.

Tương tự, đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tài liệu truy tố các bị cáo cũng cho thấy, cuối năm 2010, mặc dù được điều chuyển lại PVN giữ chức Phó Tổng giám  đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, song bị cáo Sơn vẫn đề cử Nguyễn Minh Thu “thế chân” chức Tổng giám đốc Oceanbank.

Tiếp quản cương vị của Sơn, đồng thời theo chỉ đạo của người tiền nhiệm, bị cáo Thu cùng hàng loạt bị cáo liên quan trong vụ án tiếp tục thực hiện việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền. Và tính đến ngày vụ án bị bóc gỡ, hành vi cố ý làm trái của các bị cáo đã khiến Oceanbank bị thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.

Kết luận của bản cáo trạng truy tố 47 bị cáo tại phiên tòa cho thấy, tổng số tiền mà Oceanbank cùng khách hàng vay tiền tại hệ thống ngân hàng này bị thiệt hại lên tới xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Trong đó, với cương vị là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật nên Hà Văn Thắm phải liên đới chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại xảy ra.