- Cho vay bất động sản, xây dựng, chứng khoán vẫn tiềm ẩn rủi ro
- Lợi nhuận ngân hàng 2024: Big4 báo lãi 5 tỷ đô, khối tư nhân vẫn có ngân hàng thua lỗ
Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của OCB đạt 280.712 tỷ đồng tăng 16,9% so với năm 2023. Đặc biệt, ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%). Trong đó, dư nợ tín dụng tiếp tục tập trung vào 2 nhóm chiến lược khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm.
Tổng thu thuần quý 4 của OCB tăng trưởng đáng kể, đạt 3.218 tỷ, tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt, thu nhập thuần từ lãi tăng 1.323 tỷ, tương đương tăng 99,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện ở mức 3,5% vào cuối năm 2024.
Thu thuần ngoài lãi của OCB trong quý 4 đạt 563 tỷ, tăng 147,9% so với quý trước. Đáng chú ý, thu thuần từ dịch vụ tăng 126 tỷ tương đương 37,4% so với cùng kỳ đến từ hoạt động chuyển đổi số hiệu quả và tăng trưởng các khoản thu phí từ dịch vụ.
OCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng gần 20% trong năm 2024 |
Tỷ lệ giao dịch qua kênh số hiện ở mức 96,2%, mức khá cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống. Đơn cử, chỉ sau 7 tháng ra mắt ngân hàng số OCB OMNI phiên bản mới, số lượng giao dịch trên kênh này đã tăng 74%, CASA tăng 21% và doanh thu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng Liobank cũng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với 300.000 khách hàng mới, tổng giá trị giao dịch nhận và gửi qua kênh này đạt 11 nghìn tỷ đồng, với 8 triệu giao dịch được thực hiện, tăng 4,2 lần so với năm 2023. Xếp hạng trên các app store đạt 4,7+ thuộc nhóm đầu các ứng dụng tài chính.
Đặc biệt, năm 2024 trong hành trình “ngân hàng dẫn đầu” triển khai mô hình ngân hàng Mở (Open Banking), OCB đã cán mốc hơn 150 Open API. Đến cuối năm 2024, số lượng khách hàng kết nối OPEN API ở ngân hàng tăng 150% so với năm 2023, hiệu suất xử lý mạnh mẽ với trung bình hơn 6 triệu giao dịch/tháng.
Tuy nhiên, thu thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và chứng khoán, cụ thể là trái phiếu chính phủ, giảm do điều kiện thị trường không thuận lợi, cùng những tác động từ các động thái giảm lãi suất của FED (Cục dự trữ Liên bang Mỹ) và sự biến động “sức mạnh” của đồng USD. Đây được xem là những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư và kinh doanh của các ngân hàng trên toàn hệ thống nói chung.
Lợi nhuận trước thuế lũy kế của OCB năm 2024 đạt 4.006 tỷ đồng giảm 3,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả trong quý 4 đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với các quý trước đó. Cụ thể, lợi nhuận đạt 1.453 tỷ tăng 230,1% so với quý 3.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB cho biết: “Năm 2024 là một năm mà OCB có sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh cũng như hoạt động của ngân hàng. Cụ thể, trước bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam với nhiều biến số khó lường, chúng tôi lựa chọn phương thức thay đổi chiến lược để linh hoạt, nhanh chóng thích nghi với thị trường, tiên quyết theo đuổi mục tiêu hoạt động, kinh doanh bền vững.
Do vậy, OCB đã tiến hành tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ xấu. Bằng chứng cho thấy, quý 4, tình hình kinh doanh của OCB đã có những chuyển biến vô cùng ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế tăng đột phá so với quý trước.
Ngân hàng cũng duy trì bảng cân đối tài sản lành mạnh với tỷ lệ nợ xấu tuân thủ quy định của NHNN và giảm so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù kết quả kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng nhưng tôi tin, với định hướng rõ ràng cùng nền tảng từ kết quả của quý 4/2024, năm 2025, OCB chắc chắn sẽ quay trở lại đường đua tăng trưởng với một tâm thế mới, cùng những dấu ấn, thành tựu mới”.