- Ngân hàng đồng loạt công bố “danh tính” cổ đông lớn
- Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm: Một ngân hàng thu về 5.919 tỷ đồng
- Ngân hàng vẫn dè chừng cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán
Theo báo cáo tài chính, tăng trưởng tín dụng của OCB tính đến hết 30/6/2024 đạt 6,3%, mức cao hơn trung bình ngành, trong đó riêng tín dụng dành cho nhóm khách hàng SME của ngân hàng tăng gần 18%.
Tính đến hết quý II/2024, huy động thị trường 1 của ngân hàng giảm nhẹ về mức xấp xỉ cuối năm 2023, do ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn phù hợp hơn nhờ đó tối ưu hóa chi phí vốn.
Tổng thu thuần tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.559 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi tăng gần 9%, cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi giữ mức tăng trưởng ổn định nhờ “trái ngọt” của chiến lược chuyển đổi số.
Tháng 5/2024, OCB đã chính thức ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới, hiện đại nhất hiện nay, nhờ đó đã thu hút lượng lớn khách hàng chuyển đổi sang giao dịch trực tuyến.
Theo kết quả lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, OCB OMNI có số lượng giao dịch tăng 76%, lượng tiền gửi không kỳ hạn (Casa) tăng 52%, lượng tiền gửi có kỳ hạn (Esaving) tăng 53%. Đối với mảng kinh doanh Thẻ, doanh số giao dịch thẻ tăng 27%, thu thuần tăng 32%.
Việc tăng chi phí dự phòng và đầu tư cho nhân lực, công nghệ khiến lợi nhuận của OCB thu hẹp |
Mặc dù thu thuần từ lãi tăng không đáng kể, tuy nhiên OCB đã tăng trưởng quy mô so với cùng kỳ, do ngân hàng chủ động hỗ trợ lãi suất và phí.
Thu thuần ngoài lãi của OCB ghi nhận giảm hơn 24%, điều này đến chủ yếu từ hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ giảm do ảnh hưởng của thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng đã tận dụng tốt cơ hội biến động mạnh của tỷ giá giúp cải thiện trong thu thuần kinh doanh ngoại tệ, tăng gần 101% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, thu thuần ngoài lãi từ dịch vụ cũng ghi nhận giảm 27,9% so với năm trước, đạt 270 tỷ đồng. Lý do chủ yếu đến từ việc Ngân hàng chủ động hỗ trợ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn đã đồng hành lâu năm.
Cũng theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, với việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến tổng lợi nhuận của ngân hàng đạt 2.113 tỷ, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho biết: “Để tăng bộ đệm, đảm bảo hoạt động của ngân hàng trước thực trạng thị trường có nhiều biến số khó lường, OCB đã tiến hành tăng chi phí dự phòng và đánh giá lại danh mục nợ với quan điểm thận trọng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung mở rộng mạng lưới, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong giai đoạn hiện tại nhưng sẽ tạo nền tảng lâu dài cho việc phát triển bền vững của ngân hàng”.
Được biết, cuối năm 2023, OCB đã mở mới 10 CN/PGD. Năm 2024, được sự phê duyệt của NHNN, ngân hàng dự kiến mở mới thêm 17 CN/PGD, nâng điểm giao dịch lên 176 tại 48 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng nhân sự của ngân hàng trong 6 tháng, tăng thêm 12%, chi phí phúc lợi dành cho nhân viên và thu nhập cũng tăng 15%.
Tính tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản ngân hàng xấp xỉ đầu năm ở mức 238.884 tỷ đồng.
Mặc dù lũy kế 6 tháng đầu năm các nhóm nợ có tăng và đến chủ yếu từ nhóm khách hàng cá nhân tuy nhiên OCB vẫn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3%, thấp hơn mức kiểm soát 3% của NHNN.
Theo lãnh đạo OCB, thực trạng doanh nghiệp đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… phần nào đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên phần lớn nợ xấu đều có tài sản bảo đảm là bất động sản.
“Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc với nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, chúng tôi tin đây sẽ là cơ hội giúp cả ngân hàng và khách hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới, qua đó giảm tỷ lệ nợ xấu” – lãnh đạo Ngân hàng cho biết.