Ốc bươu vàng lại hoành hành

(ANTĐ) - Nạn ốc bươu vàng đã bắt đầu xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, nhiều nơi xuất hiện với mật độ dày đặc, ốc con bám đen mặt ruộng lúa mới cấy, trứng ốc đẻ kín các kênh, mương dẫn nước. Đặc biệt, tại khu vực đồng trũng, khu vực giáp ranh với các con sông dẫn nước tưới vào đồng ruộng, ốc bươu vàng đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nông dân.

Ốc bươu vàng lại hoành hành

(ANTĐ) - Nạn ốc bươu vàng đã bắt đầu xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội, nhiều nơi xuất hiện với mật độ dày đặc, ốc con bám đen mặt ruộng lúa mới cấy, trứng ốc đẻ kín các kênh, mương dẫn nước. Đặc biệt, tại khu vực đồng trũng, khu vực giáp ranh với các con sông dẫn nước tưới vào đồng ruộng, ốc bươu vàng đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nông dân.

Ốc bươu vàng được bày bán tràn ngập tại các chợ
Ốc bươu vàng được bày bán tràn ngập tại các chợ

Ốc bám đen gốc lúa,  kín mặt ruộng

Theo số liệu thống kê ban đầu của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 4.000ha bị nhiễm ốc bươu vàng, một số địa phương bị nhiễm nặng với mức thiệt hại trên 10%: Phúc Thọ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Thanh  Trì... Bà Nguyễn Thị Hoa - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: “Những nơi bị thiệt hại bà con đã tổ chức cấy dặm lại để kịp thời vụ. Đồng thời, trong thời gian tới, khi lúa đã cứng cây chi cục sẽ phát động, tổ chức cho bà con ra quân tiêu diệt ốc bươu vàng đợt 2”.

Cánh đồng thôn Thọ Am, Liên Ninh (Thanh Trì) do thuộc khu vực đồng trũng, lại trực tiếp lấy nước tưới từ sông Tô Lịch đổ vào, nên từ vài tuần trở lại đây, ốc bươu vàng đã xuất hiện dày đặc các khu đồng trũng. Hiện đang bắt đầu vào vụ lúa Đông Xuân, có thửa ruộng mới cấy hôm trước, chỉ qua một đêm, sáng hôm sau, đã bị ốc bươu vàng ăn tan nát, phải cấy dặm lại.

Các con kênh, mương dẫn nước tưới, các đầm, ao trên địa bàn xã trứng ốc bươu vàng đẻ bám đỏ bờ. Dù trước khi vào vụ cấy, nhà nào cũng phải bỏ thuốc, bắt thủ công rồi mới tiến hành cấy lúa,  song chỉ vài hôm sau, ốc bươu vàng con đã bám đen gốc lúa, kín mặt ruộng.

Theo lý giải của nhiều người dân địa phương, do nơi đây, người dân trồng nhiều rau muống, bởi vậy, ốc bươu vàng thường sống ở trong những ruộng rau muống, sinh sôi nảy nở rất khó bắt, tiêu diệt. Sau đó, ốc theo nước phát tán đi khắp các nơi.

Trứng ốc đẻ ở khắp nơi
Trứng ốc đẻ ở khắp nơi

“Cắn lúa phải biết”

Trên cánh đồng Thủ Đâu, anh Trần Hùng (Thọ Am, Liên Ninh) đang cặm cụi bắt ốc bươu vàng trên mảnh ruộng chuẩn bị cấy. Chiếc chậu nhôm to đã đựng gần đầy ốc bươu vàng. Anh  Hùng cho biết: “Năm nào ốc bươu vàng cũng có, nhưng năm nay nhiều hơn hẳn, cả những cánh đồng trên cao ốc cũng theo nước bò lên sinh sôi nảy nở.

Mảnh ruộng này ngày mai cấy, hôm nay phải đi bắt ốc bươu vàng, sau đó bỏ thuốc để ốc ở ruộng khác không bò sang cắn lúa. Nhưng, ốc con mới nở nhiều đen kín cả mặt ruộng chỉ 10 ngày nữa thì to đùng, cắn lúa phải biết”. Theo anh Hùng, hầu hết người dân thôn Thọ Am cấy lúa đều phải cấy dặm lại 2-3 lần, bởi, chỉ cấy được vài hôm ra thăm lúa đã thấy ốc bươu vàng cắn cụt hết ngọn cây.

“Đấy, có chưa đầy 10 thước ruộng (240m2) mà bắt ốc bươu vàng từ sáng tới giờ chưa xong, tôi đã bắt được 2 chậu đầy đổ lên đường đi kia rồi. Mà không bắt, chỉ cấy xong chưa đầy 3 ngày ốc cắn hết lúa” - anh Hùng chỉ tay lên con đường phía trên ruộng và nói.

Không chỉ khu đồng Thủ Đâu, mà tại một số nơi: Đồng Sang trên, đồng Sang dưới của thôn Thọ Am đều đang bị ốc bươu vàng hoành hành. Khắp các thửa ruộng mới cấy lúa, ốc bươu vàng con to thì bám vào thân cây, con mới nở nổi đen mặt nước, dày đặc.

“Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân Thọ Am năm nào cũng phải chiến đấu với ốc bươu vàng, nhưng thường hàng năm vào vụ lúa Mùa (vụ Hè Thu) mới xuất hiện nhiều. Song, năm nay, mới đầu vụ Chiêm (vụ Đông Xuân) mà đã thấy xuất hiện dày đặc các khu ruộng trũng.

Đang vụ cấy, nên nhà ai cũng phải đi bắt, đổ đầy trên đường đi, bây giờ ra đồng, không dám đi chân đất vì sợ dẫm phải mảnh vỏ ốc” - anh Nguyễn Huy Văn (Thọ Am, Liên Ninh) cho biết. Mặc dù cuối năm 2008, toàn TP đã phát động chiến dịch diệt ốc bươu vàng đợt 1, song, theo anh Văn, do đồng Thọ Am gần sông nên ốc con và trứng ốc theo nước ra vào đồng rất dễ.

Hơn thế nữa, trận mưa lũ vừa qua, lượng trứng ốc đổ dồn về nhiều, nên mới đầu vụ Đông Xuân nhưng hầu hết diện tích trồng trọt, ao hồ của Thọ Am đã bị nhiễm ốc bươu vàng nặng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay do nắng ấm nên rất thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở. “Giống này ăn tạp nên lớn rất nhanh. Trứng ốc và ốc con lại không bị loại nào ăn nên tốc độ sinh trưởng cao” - anh Văn nói.

Người dân Thọ Am đang đau đầu vì ốc bươu vàng Một cách diệt ốc bươu vàng hiệu quả là thả vịt vào ruộng để ăn ốc Người dân Thọ Am đang đau đầu vì ốc bươu vàng Một cách diệt ốc bươu vàng hiệu quả là thả vịt vào ruộng để ăn ốc
Người dân Thọ Am đang đau đầu vì ốc bươu vàng Một cách diệt ốc bươu vàng hiệu quả là thả vịt vào ruộng để ăn ốc

Mới diệt ốc bằng phương pháp thủ công, nhỏ lẻ

Ốc bươu vàng có mặt ở khắp mọi nơi, từ đồng ruộng tới các kênh mương rồi đến ao hồ đều bị nhiễm. Người dân bắt ốc đổ khắp trên các con đường dân sinh. Theo lý giải, đổ ốc lên đường phơi nắng cho chúng chết. Hoặc có nhà cẩn thận hơn cho vào bao tải, buộc kín lại rồi để nắng.

Ông Nguyễn Văn Luyện - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Am cho biết: “Cuối năm 2008, hưởng ứng cuộc phát động của TP, xã Liên Ninh và thôn Thọ Am đã ra quân tiêu diệt ốc bươu vàng đợt 1. Hiện, thôn đang phát động đợt 2. Chủ yếu, bà con dùng các kỹ năng thủ công của nhà nông, chứ chưa có biện pháp gì hiệu quả mà đỡ tốn thời gian hơn. Trước mắt, HTX đang đề xuất hỗ trợ bà con 2.000đ/kg ốc và 20.000đ/kg trứng ốc”.

Hạ Quỳnh