Oằn vai gánh giá thuốc

ANTĐ - Trong khi giá viện phí vẫn chưa thể tăng ngay thì thị trường dược phẩm lại tiếp tục trải qua đợt tăng giá thứ 2 kể từ đầu năm. Số mặt hàng thuốc tăng giá không nhiều nhưng mức tăng khá cao và đa phần là thuốc thông dụng.

Thuốc nội tăng nhiều nhất

Mỗi đợt giá thuốc tăng, người bệnh lại thêm nặng gánh

Tại nhà thuốc Th trên phố Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chiều 26-4, rất nhiều loại thuốc thông dụng đã được điều chỉnh giá so với thời điểm trước ngày 1-4 với mức tăng khá cao. Hỏi mua loại thuốc Ferrovit dành cho phụ nữ có thai và phụ nữ mới sinh, nhân viên quầy thuốc cho biết loại thuốc này mới tăng giá hồi đầu tháng 4, từ 80.000 đồng/hộp lên 90.000 đồng/hộp. Những loại thuốc thông dụng khác như Panadol extra đã tăng từ 81.000 đồng/hộp lên 90.000đồng/hộp, Decolgen tăng từ 75.000 đồng/hộp lên 78.000 đồng/hộp, dầu gió Thiên Thảo tăng từ 105.000 đồng/hộp lên 120.000 đồng/hộp… Giải đáp thắc mắc của khách hàng, nhân viên quầy thuốc cho biết, mấy tuần qua nhà thuốc liên tục nhận được thông báo tăng giá của các hãng dược, giá nhập vào tăng nên cũng phải bán giá tăng.

Trước đó 1 ngày, kết quả khảo sát thị trường dược phẩm trong nước từ 21-3 đến 20-4-2012 của Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam công bố cho thấy, trong tháng qua thuốc nội tăng giá nhiều và tăng cao hơn thuốc ngoại. Cụ thể, qua khảo sát 12.695 lượt mặt hàng thuốc nội trong tháng, có 65 lượt mặt hàng tăng giá chiếm tỷ lệ 0,51%, với tỷ lệ tăng trung bình 16%. Tương tự, khảo sát 12.695 lượt mặt hàng thuốc ngoại, có 43 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm tỷ lệ 0,33% với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 6,64%. Khảo sát 40 lượt mặt hàng nguyên liệu trong tháng có 1 mặt hàng tăng giá chiếm tỷ lệ 2,5% với mức tăng trung bình là 5,5%, chỉ có 1 mặt hàng giảm giá với tỷ lệ giảm 9%. Đáng chú ý, có nhiều mặt hàng thuốc tăng giá chóng mặt, mức tăng cao đến 30-45%, chẳng hạn như: Bạch hổ tăng từ 148.000 lên 175.000 đồng/hộp, Dynanogel tăng từ 125.000 lên 145.000 đồng/lọ, NadyClarithcin 500mg tăng từ 2.900 lên 3.900 đồng/viên, Nizoral mỡ tăng từ 16.500 lên 24.000 đồng/tuýp….

Hiệp hội doanh nghiệp dược lý giải rằng thị trường dược phẩm vẫn tương đối ổn định bởi có mặt hàng tăng giá, cũng có một số mặt hàng giảm giá với biên độ tăng giảm không có đột biến. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng kể từ đầu năm đến nay đây đã là đợt tăng giá thuốc thứ 2, thậm chí lần tăng này còn tăng cao hơn so với lần tăng giá đầu tiên hồi cuối tháng 3 (mức tăng 9-10%) khiến người dân không khỏi lo lắng. Bởi nếu cộng dồn cả 2 đợt tăng giá (trong vòng có 1 tháng) thì giá thuốc đã tăng tới gần 30% so với đầu năm.

Khó “cầm cương”

Theo ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào cho sản xuất như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải và cả lương… tăng. Tương tự, giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tăng nhẹ do giá nhập khẩu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng. Ngành dược dự báo trong tháng tới, thị trường dược phẩm trong nước không có tăng giá đột biến, giá các mặt hàng nguyên liệu có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm nhẹ. Tuy nhiên, với sự lệ thuộc đến 90% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lại trong bối cảnh hàng loạt các mặt hàng, chí phí khác đều leo thang theo đồng lương, bản thân các công ty dược trong nước cũng như cơ quan quản lý dược khó mà “cầm cương” được giá thuốc nếu không nói là không có cách gì khác ngoài việc phải “té nước theo mưa”. 

Hiện nay, ước tính của Bộ Y tế cho thấy tiền thuốc bình quân đầu người ở nước ta đã lên trên 20 USD/người/năm và con số này đương nhiên chưa dừng lại. Trong cơ cấu chi phí dành cho khám chữa bệnh, tiền thuốc luôn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 60%) tổng chi phí viện phí và là gánh nặng lớn nhất với người bệnh mỗi lúc ốm đau. Trong bối cảnh mà viện phí mới chuẩn bị áp dụng với 477 dịch vụ kỹ thuật y tế sẽ tăng giá thì việc giá thuốc vẫn liên tục tăng cao thực sự tạo ra một gánh nặng kép khiến người bệnh vốn đã khổ lại càng thêm oằn vai. Yêu cầu đặt ra là cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý chặt giá thuốc, nhưng dường như đây vẫn là bài toán quá khó.