Oan sai đã rõ - bồi thường đổ quanh

ANTĐ - Bị bắt oan, công ăn việc làm mất, gia đình lao đao, thiệt thòi trăm bề. Thế nhưng, các cơ quan chức năng gây oan sai lại đùn đẩy trách nhiệm trong việc bồi thường cho người bị bắt oan.

Ngày 18-1, anh Phan Văn Thương (SN 1989, ngụ xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), một trong 9 người bị bắt oan trong vụ “Giam nhiều người chỉ dựa vào lời khai”, đã tới TAND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để nộp đơn khởi kiện VKSND huyện Đồng Phú. Tuy nhiên, cán bộ TAND huyện Đồng Phú nại lý do hộ khẩu, CMND của người kiện chưa sao y và sắp Tết Nguyên đán nên hẹn qua Tết.

Đẩy trách nhiệm

Trước đó, vào ngày 17-1, anh Thương tới TAND huyện Bù Gia Mập - địa phương nơi anh cư trú - để nộp đơn khởi kiện yêu cầu VKSND huyện Đồng Phú bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật nhưng nơi này không nhận đơn mà hướng dẫn anh về TAND huyện Đồng Phú nơi VKSND huyện Đồng Phú - bị đơn trong vụ kiện - có trụ sở.

Oan sai đã rõ - bồi thường đổ quanh ảnh 1
Phan Văn Thương cùng bố (bìa phải) đang trao đổi với phóng viên về việc kiện VKSND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước để yêu cầu bồi thường oan theo luật. Ảnh: YẾN THANH

Luật sư Nguyễn Định Tường, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết việc TAND huyện Bù Gia Mập không nhận đơn của người bị oan mà hướng dẫn người bị oan về TAND huyện Đồng Phú để khởi kiện là “lẩn tránh” trách nhiệm, đi ngược với khoản 1 điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong tố tụng hình sự về thẩm quyền và thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa án. Hơn nữa, 9 người bị giam oan từng bị Công an huyện Đồng Phú bắt, sau đó VKSND huyện ra cáo trạng kết tội. Đến khi người bị oan khởi kiện lại bị đẩy về TAND huyện Đồng Phú xử sẽ không thể khách quan.

Đó là chưa kể sau khi được trả tự do một thời gian, anh Thương làm đơn khiếu nại yêu cầu VKSND bồi thường oan sai theo đúng quy định của pháp luật nhưng VKSND huyện Đồng Phú vẫn cố tình kéo dài quy trình bồi thường.

Khốn khổ vì bị bắt oan

Theo đơn khởi kiện của anh Thương, các khoản anh yêu cầu được bồi thường gồm: thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại do tổn thất về tinh thần, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khỏe bị xâm hại với tổng số tiền là 836.150.430 đồng. Ngoài ra, anh Thương còn yêu cầu VKSND huyện Đồng Phú phải xin lỗi công khai trên một tờ báo Trung ương và một báo địa phương liên tục trong 3 số báo; tổ chức xin lỗi công khai tại nơi anh Thương và gia đình đang cư ngụ.

Ông Trần Bá Giảng, Trưởng Công an xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, cho biết trong vụ án oan này, trên địa bàn xã Phú Trung có 4 thanh thiếu niên bị bắt. Sau khi được trả tự do, họ đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương pháp luật của Nhà nước nhưng đến nay họ vẫn chưa có việc làm.

Trường hợp của anh Phan Văn Thương, trước kia làm công nhân cạo mủ cao su ở Nông trường Nghĩa Trung thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng với thu nhập cao. Sau khi được tự do, Thương không được nhận trở lại làm việc, hiện vợ chồng Thương không có việc làm ổn định. Thời điểm Thương bị bắt, anh của Thương đang đi nghĩa vụ quân sự ngành công an, Thương là lao động chính nuôi cả gia đình, trong đó, bố của Thương là thương binh bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhà có 3 ha đất rẫy đã phải bán để sinh sống và lo thuốc thang cho người cha bệnh, đồng thời thăm nuôi Thương trong những ngày bị tạm giam.

Đối với trường hợp Trương Quang Lâm (SN 1990, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, Bình Phước), trước khi bị bắt Lâm đang học lớp 11. Sau khi được trả tự do, Lâm như người mất hồn, không thể tiếp tục học. Hiện Lâm vào rẫy làm thuê và rất ít bạn bè vì mặc cảm. Bà Phạm Thị Hoa (mẹ của Lâm) cho biết khi bà làm đơn gửi VKSND Đồng Phú đòi bồi thường, cán bộ nói đơn không đúng rồi đưa mẫu đơn để bà Hoa điền vào. Từ đó đến nay đã hơn 3 tháng nhưng VKSND huyện Đồng Phú không mời Lâm cũng như những người khác lên thương lượng bồi thường.

Những trường hợp khác sau khi được trả tự do cũng phải vất vả tự tìm kế sinh nhai, trong khi việc bồi thường thì phải chờ đợi không biết đến bao giờ.

Nội dung vụ án

Năm 2008, trên địa bàn huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước xảy ra một số vụ cướp, giật tài sản. Sau khi bắt Nguyễn Văn Hùng (SN 1993), Phan Văn Thương (SN 1989) và Nguyễn Như Tùng (SN 1992), dựa vào lời khai của Tùng, từ tháng 12-2008 đến tháng 1-2009, Công an huyện Đồng Phú bắt khẩn cấp thêm Lương Văn Sang (SN 1989), Lương Văn Hận (SN 1993), Lương Văn Trọng (SN 1990, cả ba là anh em ruột), Đỗ Văn Đại (SN 1991), Lê Văn Huy (SN 1991), Trương Quang Lâm (SN 1990). Tất cả đều ngụ tỉnh Bình Phước.

Tuy nhiên, đến ngày 3-8-2011, VKSND huyện Đồng Phú đã trao quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với 9 bị can. Ngoài ra, VKSND huyện Đồng Phú cũng yêu cầu UBND xã (nơi các bị can thường trú) tiến hành các thủ tục phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho các bị can.