Ô tô điện "chui" có được hợp pháp hóa?

ANTĐ - Trong khi một số lượng lớn xe đạp điện, xe máy điện còn chưa được kiểm soát thì hiện nay hàng nghìn xe 4 bánh chạy bằng điện cũng đang bị buông lỏng quản lý. Mặc dù mô hình xe 4 bánh chạy bằng điện đang ở trong giai đoạn thí điểm, nhưng số lượng xe trên thực tế lớn hơn nhiều lần so với con số của doanh nghiệp đăng ký.

Ô tô điện "chui" có được hợp pháp hóa? ảnh 1

Mặc dù mới chỉ thí điểm nhưng xe điện 4 bánh vẫn hoạt động tràn lan

Hàng nghìn xe điện chạy “chui”

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, từ năm 2010 đến nay có 10 địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách du lịch trong phạm vi hẹp như Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…

Theo thống kê của Bộ GTVT, 10 địa phương này có 40 doanh nghiệp với khoảng 1.300 xe đang hoạt động  khai thác phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch. Các xe này có nguồn gốc xuất xứ đa dạng, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ cho đến xe được sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, theo số liệu thực tế từ các địa phương thì loại phương tiện này không dừng lại ở con số 1.300 mà lên tới hàng nghìn xe. Đáng nói, trong số này Cục Đăng kiểm mới đăng kiểm cho 176 xe. 

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, có địa phương quản lý chặt chẽ, xe chạy đúng luồng, tuyến quy định nhưng cũng có những địa phương còn lỏng lẻo, để xe lưu thông trên đường như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.  Theo ông Lê Đình Thọ, Việt Nam đang là thị trường của nhiều loại phương tiện nhưng chưa được đánh giá về tác động xã hội cũng như hiệu quả.

Ngay cả xe điện 4 bánh chở khách du lịch thí điểm, dù đã bước sang năm thứ sáu nhưng cũng chưa có đánh giá.

“Vừa qua, trên thị trường lại xuất hiện loại xe 3 bánh chạy bằng điện, chở được 3-4 người. Tôi khẳng định loại xe này chỉ gây mất ATGT chứ không có tác dụng gì. Với những chủng loại phương tiện mới, chúng ta cần đánh giá kỹ trước khi quyết định có đưa vào thị trường hay không, nếu không Việt Nam sẽ trở thành một thị trường hỗn tạp của các loại phương tiện mà không thể quản lý được”, ông Lê Đình Thọ nhìn nhận.

Đưa vào khuôn khổ trong 2 tháng nữa

Năm 2014, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15 và Bộ GTVT ban hành Thông tư 86 về đăng ký xe, trong đó xe điện 4 bánh được phép đăng ký biển kiểm soát. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hàng chục doanh nghiệp vẫn không thể đăng kiểm, đăng ký được vì nhiều vướng mắc.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Pháp Chế, Công ty Cổ phần Điện tử tin học viễn thông (Hải Phòng) cho hay, đơn vị hiện có 50 xe hoạt động ở một số khu vực như trung tâm TP Hải Phòng, Đồ Sơn và Cát Bà.

Mặc dù toàn bộ xe mua của doanh nghiệp lắp ráp trong nước nhưng do mua trước thời điểm Thông tư 15 và 86 ra đời nên không đầy đủ giấy tờ. Doanh nghiệp đã đến cơ quan đăng kiểm để hỏi thủ tục nhưng nhận được câu trả lời “chưa có hướng dẫn”.

Trong khi đó, Công an thành phố Hải Phòng vừa có “tối hậu thư”, tất cả xe điện 4 bánh trên địa bàn thành phố từ 1-4 tới đây nếu không có biển số sẽ phải dừng hoạt động. 

Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn cho biết, trên địa bàn tỉnh có 431 xe điện 4 bánh nhưng vẫn chưa xe nào đăng ký, đăng kiểm. Mặc dù các doanh nghiệp đều rất muốn làm đăng ký, đăng kiểm nhưng thủ tục giấy tờ gặp rắc rối, do tất cả xe đều được mua trước thời điểm năm 2014. Sở GTVT Thanh Hóa đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị  xã Cửa Lò, Nghệ An thông tin, thị xã Cửa Lò thí điểm 110 xe 4 bánh chạy bằng điện, nhưng đến nay số lượng xe đã tăng lên gần 500 và rất khó kiểm soát.

Lãnh đạo địa phương này kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép hợp pháp hóa toàn bộ số xe 4 bánh chạy bằng điện đang có để quản lý, vì đây là tồn tại của cái cũ để lại nên cần có cơ chế riêng, sau thời điểm này sẽ tiến hành siết chặt. 

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù xe điện 4 bánh mới chỉ thí điểm nhưng thực tế loại xe này đã, đang hoạt động tràn lan mà không quản lý được, điển hình như tại Thanh Hóa, dù chỉ thí điểm hơn 400 xe nhưng hiện đã có tới 900 xe chạy... Do đó, nên chấm dứt giai đoạn thí điểm, các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ GTVT cần có đánh giá và quyết định nên dừng hay tiếp tục để cho xe điện 4 bánh lưu thông chở khách du lịch.

Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT địa phương, trước 30-3 phải có thống kê toàn bộ lượng xe điện 4 bánh hiện có, báo cáo về Bộ GTVT để có hướng xử lý dứt điểm.

“Chậm nhất 2 tháng nữa phải hoàn chỉnh quản lý phương tiện này. Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ, tham mưu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chấm dứt thí điểm phương tiện chuyển thành chính thức hoạt động bình thường”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.