Ở thành phố chết bị bỏ hoang 3 thế kỷ hóa "Tử thành" bí ẩn ở Ấn Độ

ANTD.VN - Chúng tôi phải dậy sớm để khởi hành từ Taj Mahal đi Jaipur, điểm cuối cùng của Tam giác vàng son Ấn Độ, nhưng trên đường đi, theo kế hoạch sẽ ghé qua cố cung Fatehpur Sikri, cách trung tâm thành phố 40km. Hồi ở nhà đọc báo mạng hay thấy cái tiêu đề có vẻ ly kỳ: 10 thị trấn bị lãng quên huyền bí nhất thế giới; 10 thành phố chết bí ẩn; Những thị trấn kỳ bí trên Trái đất... - trong đó có Fatehpur Sikri của Ấn Độ. 

Hoe hoắt thành cổ

Thành phố chết Fatehpur Sikri rộng 3 cây số vuông thực ra là một một quần thể những công trình bao gồm cung điện, hậu cung, tòa án, nhà thờ Hồi giáo... được Akbar Đại đế (ông nội của Vua Shah Jahan) xây dựng trên nền đất hoang. Do không nghiên cứu kỹ từ lúc xây dựng nên gia tộc nhà Mogun ở được 14 năm thì nguồn nước bị cạn kiệt.

Từ đó, Fatehpur Sikri bị bỏ hoang suốt 3 thế kỷ, hóa “Tử thành” cho rêu cỏ mọc đầy. Mặc dù nay đã được khôi phục thành điểm du lịch nổi tiếng, thành cổ vẫn hoe hoắt như thế, mặc dù chỉ cách đó vài chục cây số, Taj Mahal lúc nào cũng quá tải người. 

Như ở mọi điểm tham quan khác, chúng tôi bắt đầu bị quấy rầy bởi các tour guide dạo - những người luôn khoe mình có Thẻ hướng dẫn viên và chào mời với giá rẻ nhất. Lần này đứng ngoài cung điện có 2 ông già, tóc hoe vàng như nhuộm, răng rụng gần hết, chân đi dép lê và quần áo luộm thuộm. Tôi từ chối rằng là chúng tôi không biết tiếng Anh, mà dù có biết cũng không thể hiểu nổi cách phát âm của người Ấn.

Ông ta hứa rằng sẽ nói thật chậm để tôi có thể hiểu tất cả và hạ giá từ 200 rupi xuống còn 150 Rupi. Chúng tôi lờ tịt ông già và đi vào bên trong cung điện. Suốt mấy ngày ở Ấn, tôi đã bắt đầu nản khi nhìn thấy màu đỏ của sa thạch. Không giống Pháo đài Đỏ ở Agra hay New Dehli, sa thạch dùng để xây Fatehpur Sikri có phần ngả sang màu vàng, nhưng như thế trông càng u ám, nhức mắt đến phát mệt.

Cung điện thì rộng, mà quay hướng nào cũng chỉ thấy một màu đỏ cạch ấy, ở lâu rất dễ ức chế thần kinh. Tôi đi loanh quanh trong cung điện, chẳng biết những lầu ốc này dùng để làm gì, đành giơ máy ảnh lên chụp miệt mài. 1 trong 2 ông già tour guide vẫn đi theo sát gót và tiếp tục hạ giá xuống còn 100 rupi (40.000 đồng). Tôi đành đầu hàng và đặt câu hỏi chiếu lệ: “Căn phòng này dùng để làm gì thế?”.

Ông già hướng dẫn bắt đầu linh hoạt và tươi tỉnh hẳn lên, thuyết minh rất bài bản về lịch sử của tòa thành. Ngạc nhiên thay, tiếng Anh của ông ta chuẩn và thuyết minh cũng rất thú vị, khác hẳn vẻ bề ngoài dễ gây mất thiện cảm. Ông già tên Raejaw chỉ cho tôi xem chiếc giường gạch đỏ to tướng của Akbar Đại đế, xây cao như một căn gác xép, và sân khấu vuông nằm giữa một cái hồ nhỏ ngoài trời.

Chẳng biết có thật không nhưng ông già Raejaw bảo: “Các ca sĩ hát trên sân khấu này để Akbar nằm trong phòng nghe nhạc cho dễ ngủ”. Akbar Đại đế là một vị vua nổi tiếng của Ấn Độ với nhiều thành tựu cống hiến cho lịch sử và nhiều quan điểm khác người. Ông chủ trương tạo ra một tôn giáo mới kết hợp đạo Hồi, Hindu, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo... Raejaw bảo không đâu trên thế giới này có tôn giáo như thế. Tôi im lặng, vì biết rằng ông già này sẽ chẳng hiểu đạo Cao Đài là thứ gì đâu. 

Để dung hòa tôn giáo, Akbar Đại đế còn cưới 3 bà vợ theo 3 tôn giáo khác nhau. Mãi sau ông già Raejaw mới hỏi tôi: 

- Các bạn là người Nhật Bản à?  

- Không, chúng tôi là người Việt Nam.

- Wow, Việt Nam. Cha tôi bảo Việt Nam là một đất nước vĩ đại - Ông già Raejaw nhắc đi nhắc lại - Cha tôi bảo thế đấy.

Cái câu “Cha tôi bảo thế đấy” khiến chính tôi cũng cảm thấy Việt Nam có gì đó nhuốm màu huyền thoại trong cách nói của ông ta. Cha ông già Raejaw này dễ hơn trăm tuổi rồi chắc.

- Bác bao nhiêu tuổi thế bác Raejaw?

- Tôi sinh năm 1962.

Ôi Trời, mới 55 tuổi mà nỗi khốn khổ nào khiến cho Raejaw trông như một ông lão xấp xỉ bát tuần. Tuổi thật của ông ta khiến tôi đột nhiên thấy áy náy, và tôi quyết định sẽ trả nguyên tiền thù lao cho Raejaw là 200 rupi như lúc đầu. Raejaw cực kỳ phấn khởi, hơi nghiêng đầu cảm ơn với cung cách như thể kiếp trước đã quen sống trong chính cung điện này và tham gia họp nguyên lão nghị viện ở tòa nhà quốc hội bé tí xíu kia, nơi mà Akbar Đại đế ngồi trên một chiếc ngai bằng gạch cao chót vót ngay giữa phòng, y như chiếc giường rất dễ ngã của ông ta.

Nhà văn Di Li 

Những người dẫn đường

Ngay bên cạnh cung điện là một thánh đường Hồi giáo cũng tên Jama Masjid. Sau đó thì chúng tôi đến khổ vì những cậu bé bán rong đông hơn cả khách du lịch bắt đầu xuất hiện và bủa vây. Các cậu nói rằng: “Tất cả chúng tôi đều là học trò của thầy Raejaw. Chính thầy đã dạy chúng tôi nói tiếng Anh. Hãy yên tâm để tôi dẫn đường”. Họ chia nhau mỗi người dẫn một người.

Cậu bé dẫn đường làm tôi chóng mặt vì bước nhanh như chảo chớp, nói liên hồi và liên tục bắt tôi chụp hình. Cậu ta chụp vào đầu tôi một chiếc mũ giống rổ nhựa rồi dẫn vào một nhà mồ bằng đá trắng mặc dù tôi chẳng biết ai đang nằm dưới kia, ra hiệu tôi đứng cạnh mộ để cậu bấm máy rồi lại hối hả dẫn đi chỗ khác.

Tôi đi chân đất trong đền Jama Masjid, giẫm lên hàng đống phân chim (nhiều đến nỗi không còn chỗ để tránh) và đi theo cậu ra cửa sau. Phần hậu của đền là một ngôi làng nhỏ nghèo nàn. Nhìn từ trên cao, những lối đi chật chội trong làng nhằng nhịt sình lầy. Kẻ đứng người ngồi vạ vật bên cửa đền. Ngôi làng này, giống như một cơn ác mộng dưới nắng cháy của ngày hạ chí. Tôi bắt đầu phải giẫm chân trần trên những vũng nước bẩn. 

- Này, cậu dẫn tôi đi đâu thế? 

Không trả lời, cậu ta đưa thẳng tôi ra sân sau, là một khu mộ chừng hơn chục tấm bia, rồi ra hiệu cho tôi đứng vào giữa hàng bia mộ để chụp ảnh. Thôi thôi, tôi không thích chỗ này. Tôi quày quả quay trở lại và cậu bé với những chiếc vòng đá lủng lẳng trên tay lại hối hả dẫn tôi đi chỗ khác. Lần này là một cổng vào khổng lồ bên tay mặt với vài chục con dê nằm rải rác trên những bậc thang dốc đứng dẫn xuống chân đồi.

Đó là Buland Darwaza, cổng chào chiến thắng để kỷ niệm hàng loạt cuộc chinh phạt lững lẫy của Akbar Đại đế, giờ đã biến thành chỗ hưởng thụ của dê. Đã hết điểm tham quan, cậu bé mới bắt đầu vào việc. Cậu nài tôi ngó qua những đồ thủ công bằng đá cẩm thạch chạm khảm đang bày trên nền đất và nói rằng đó là sản phẩm của người làng cậu. Tôi nói rằng tôi không muốn mua gì hết, và cậu ta nài tôi mua dù chỉ một chiếc vòng đá.

Tôi đưa cho cậu 50 rupi để khỏi phải mang về chiếc vòng xấu xí nào cả. Nhưng Raejaw là một người hướng dẫn đáng kính, ông ta tức giận bắt cậu bé phải trả lại tiền cho khách và người học trò của Raejaw đành cười ngượng nghịu trả lại tôi tờ 50 rupi. Raejaw cũng can thiệp với tất cả những “ca” chặt chém đồ lưu niệm và dường như ông là “đại ca” của tất cả những người sống nhờ ngôi đền. Ai nấy đều nghe lời răm rắp mà không hề oán thán. 

Tôi băn khoăn lắm. Không biết, liệu có phải Raejaw đã dạy tiếng Anh miễn phí cho tất cả những người bán hàng rong ở đây không, để ai nấy đều phát âm chuẩn từng âm tiết, dù tôi cược rằng họ chẳng viết được chữ tiếng Anh nào cho ra hồn. Nếu không thế, sao ông già hướng dẫn lôi thôi luộm thuộm của tôi lại có thể được kính nể đến vậy ở ngôi đền này.