Ổ ô nhiễm ngay trong nhà

ANTĐ - Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, không khí trong nhà có thể bị ô nhiễm nặng hơn không khí ngoài trời, ngay cả ở những thành phố lớn nhất. Khi con người dành tới 90% thời gian trong nhà thì nguy cơ sức khỏe do tiếp xúc không khí ô nhiễm trong phòng cũng tăng lên. Có những phản ứng thấy ngay khi tiếp xúc nhưng lại có ảnh hưởng sức khỏe mà nhiều năm sau mới xuất hiện sau khi phơi nhiễm một thời gian dài. Vậy đâu là những nguồn ô nhiễm thường được biết đến nhất?

Thảm mới. Vật liệu làm thảm có thể sinh ra một loạt các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) có hại cho sức khỏe. Vì thế, khi mua thảm về, nên phơi ở ngoài trời vài ngày rồi mới đưa vào dùng. Khi bắt đầu dùng, thường xuyên mở cửa sổ và bật quạt 2-3 ngày liên tục.

Bòng đèn tiết kiệm điện hỏng. Nếu vỡ ra, đèn compact huỳnh quang có thể phát ra thủy ngân, một chất độc hại đối với thần kinh dù chỉ với số lượng nhỏ thoát vào không khí. Vì thế, dù là đèn tiết kiệm điện, không nên để ở vị trí dễ vỡ, đặc biệt là nhà có trẻ em hoặc phụ nữ mang thai. Một khi đèn hỏng, mở cửa sổ để nhà thông thoáng 15 phút.

Sản phẩm điện tử và sản phẩm nhựa mới. Sản phẩm được làm bằng polyvinyl clorua có thể phát ra phthalates, chất có liên quan đến sự bất thường nội tiết tố và các vấn đề sinh sản. Riêng sản phẩm có lớp chống cháy có liên quan đến loại hóa chất tạo ra những thay đổi về hành vi do hệ thần kinh kiểm soát trong các nghiên cứu trên động vật. Giải pháp cho vấn đề này là bật thông gió cho đến khi mất mùi hóa chất. Thường xuyên hút bụi quanh máy vi tính, máy in và tivi.

Keo và chất kết dính. Chúng có thể phát ra các chất VOC chẳng hạn như acetone có thể gây kích ứng mắt và ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Cao su ximăng có thể chứa n-hexane, một chất độc thần kinh. Chất kết dính còn có thể phát ra formaldehyde độc ​​hại. Do vậy, khi dùng keo, tìm loại không chứa formaldehyde và nên làm việc trong một không gian thông thoáng.

Thiết bị nhiệt (bếp gas, máy sưởi, lò sưởi, ống khói). Thiết bị nhiệt, đặc biệt là bếp gas, có thể tạo ra khí carbon monoxide gây ra nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, và thậm chí tử vong nếu không được thông gió đúng cách. Nó cũng có thể phát ra khí nitơ và các hạt bụi gây ra vấn đề hô hấp và viêm mắt, mũi, viêm họng. Để khắc phục điều này, nên làm vệ sinh, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị định kỳ.

Sơn. Sơn cao su cải tiến hơn nhiều so với sơn dầu bởi vì chúng tạo ra ít hóa chất hơn. Nhưng khi khô, mọi loại sơn có thể phát ra hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOC gây ra nhức đầu, buồn nôn hay chóng mặt. Các sản phẩm như tẩy sơn, tẩy chất dính và sơn dạng bình xịt cũng có thể chứa methylene chloride, là chất gây ra ung thư ở động vật. Với nhà có sơn mới, nên mở cửa sổ hoặc cửa ra vào, bật quạt thông gió, đeo khẩu trang khi sơn.

Ghế bọc nệm và các sản phẩm ép gỗ. Khi mới, nhiều đồ nội thất và sản phẩm gỗ có thể phát ra formaldehyde, một chất có thể gây ung thư đồng thời gây kích ứng mắt, mũi, họng, khiến hơi thở khò khè và ho, mệt mỏi, phát ban da và các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. “Mẹo” tránh là tăng thông gió, đặc biệt là khi lắp đồ mới vào phòng.