Ở nơi khởi nguồn phong trào của Công an Hà Nội và nhân rộng ra cả nước

ANTD.VN - CAQ Hai Bà Trưng - CATP Hà Nội là nơi khơi dậy phong trào “Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, từ đó nhân rộng ra cả nước. Thành tích đó đã và đang là hành trang, động lực quý giá đối với thế hệ cán bộ chiến sĩ CAQ Hai Bà Trưng hôm nay.

Hội nghị lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, được CAQ Hai Bà Trưng tổ chức để hoàn thiện chất lượng cán bộ chiến sĩ

Năm 1982, CAQ Hai Bà Trưng sôi nổi phát động phong trào “Học tập thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”.  Sau 1 năm thực hiện, ngày 25-5-1983, CAQ vinh dự được đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) gửi Thư khen. Ngày 15-4-1984, đồng chí Phạm Hùng đã đến thăm, khen ngợi việc khơi dậy phong trào học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân của CAQ là một sáng kiến, điển hình xuất sắc.  

Từ đó, phong trào được Bộ Nội vụ nhân rộng ra cả nước và trở thành nội dung quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh tiến lên chính quy, hiện đại. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân trở thành chuẩn mực, là cẩm nang để mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tác phong và bản lĩnh trong công tác, chiến đấu, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. 

Một “đội săn bắt lưu manh” ở quận Hai Bà Trưng những năm “khởi nguồn”

Từ sáng kiến đến cách làm

Đại tá Đinh Huy Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng CAQ Hai Bà Trưng cho biết, quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, CATP Hà Nội, việc thực hiện phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” chia làm 3 bước. 

Thứ nhất, các đơn vị tổ chức cho CBCS nghiên cứu, học tập, thấm nhuần ý nghĩa, mục đích của phong trào; về ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. 

Thứ hai, vận dụng từng điều Bác Hồ dạy vào công tác hàng ngày, hàng tuần đối với từng lực lượng và từng CBCS. Thứ ba, là kiểm điểm, sơ kết rút kinh nghiệm về kết quả học tập, tu dưỡng, rèn luyện về thực hiện theo Sáu điều Bác Hồ dạy của các đơn vị và của CBCS, qua đó đề ra chương trình hành động trong thời gian tiếp theo.

Một trong những thành công của CAQ Hai Bà Trưng là đã đưa việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy đi vào thường xuyên, nền nếp của các chi bộ Đảng, đảng viên và các tổ chức đoàn thể trong Công an quận. Điều đó giống như thời điểm “khởi nguồn”, CAQ có sáng kiến mở rộng phong trào “Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” đến lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp và rồi vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thư khen ngợi; Bộ Công an có công văn hướng dẫn Công an các địa phương học tập, ứng dụng. 

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trên tờ báo Công an nhân dân số ra ngày 4-6-1968 gửi đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân

Tiếp thêm động lực từ “bút phê” của Bác Hồ

Ôn chuyện “quá khứ” - những kỷ niệm đẹp đã và đang là hành trang, động lực quý giá đối với thế hệ CBCS CAQ Hai Bà Trưng hôm nay - không thể không nhắc đến sự kiện diễn ra tháng 5, tháng 6-1968. Thời điểm ấy, CATP chọn Công an khu Hai Bà Trưng là một trong những đơn vị điển hình về phong trào tấn công tội phạm, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản của nhân dân để tổ chức cuộc triển lãm, chúc mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc triển lãm diễn ra tại trường Phổ thông trung học Đoàn Kết, thu hút hàng nghìn người đến xem.

Báo chí hồi đó đăng tải về những việc làm hay, thành tích xuất sắc của CBCS Công an và quần chúng nhân dân khu phố. Đọc tờ báo Công an nhân dân số ra ngày 4-6-1968, Bác đã phê vào báo và gửi đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Khu phố Hai Bà làm việc này rất tốt, nếu đôn đốc các khu phố khác học tập và thi đua với khu phố Hai Bà, thì chắc họ cũng làm được như thế và toàn Thủ đô Hà Nội có thể tiệt được tệ nạn lưu manh, trộm cắp…”.

Thư của Bác gửi đồng chí Bí thư Thành ủy là nguồn động viên cổ vũ lớn lao, tiếp thêm sức mạnh và tinh thần đến Công an khu phố, đồng thời là mệnh lệnh cho lực lượng Công an Thủ đô ra sức phấn đấu, thi đua. Phong trào học tập, thực hiện lời dạy của Bác được dấy lên sôi nổi trong các đơn vị, khối phố. 

Thư khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng, gửi CAQ Hai Bà Trưng

Cơ sở để đánh giá thi đua

Trong câu chuyên với chúng tôi, Thượng tá Lã Văn Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng chia sẻ, Đảng ủy - Ban chỉ huy CAQ đã đưa việc thực hiện phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trở thành một nội dung sinh hoạt định kỳ, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị bằng nhiều hình thức sáng tạo hiệu quả.

Các đơn vị đã tổ chức cho CBCS liên hệ kiểm điểm việc tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong, lối sống, tinh thần, trách nhiệm, năng lực, trình độ công tác, ý thức, thái độ phục vụ nhân dân, ý thức xây dựng đơn vị, đoàn kết nội bộ và thái độ ứng xử với đồng chí, đồng đội trong công tác, sinh hoạt.

Hàng tuần, hàng tháng đều tổ chức liên hệ, kiểm điểm việc tu dưỡng theo Sáu điều Bác Hồ dạy; nêu rõ những việc đã làm được, chưa làm được, những khuyết điểm, tồn tại và đề ra biện pháp, thời gian khắc phục, sửa chữa; lấy kết quả tu dưỡng theo Sáu điều Bác Hồ dạy làm cơ sở để đánh giá, phân loại, xếp hạng thi đua hàng năm đối với đơn vị và cá nhân. 

Việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05, ngày 19-8-2013 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy giai đoạn 2013-2018” đã giúp CAQ tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra đột biến, bất ngờ, khủng bố, phá hoại; đã kiềm chế sự gia tăng tội phạm, làm giảm trọng án, loại trừ các điều kiện hình thành và phát triển tội phạm có tổ chức. 

Đại tá Đinh Huy Hoàng, Trưởng CAQ Hai Bà Trưng cho biết, đặc thù của lực lượng vũ trang là chỉ huy trực tiếp giáo dục CBCS thuộc quyền quản lý. Do đó, chỉ huy phải nói đi đôi với làm; nói ít, làm nhiều; thậm chí chỉ làm thôi mà không cần nói cũng đủ để giáo dục, thuyết phục một cách sâu sắc, mạnh mẽ đối với CBCS. Bài học thực tiễn này không chỉ có ý nghĩa trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, mà còn có ý nghĩa trên tất cả các lĩnh vực học tập, rèn luyện, công tác, chiến đấu của mỗi CBCS.