Ở nơi giành giật sự sống với tử thần

ANTĐ - Nếu muốn biết ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết như thế nào, muốn biết việc giành giật con người với tử thần khó khăn đến đâu, nếu một  nơi nào phải chứng kiến nhiều cảnh đau đớn, tang thương nhất, thì hãy đến Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Việt Đức, có thể bạn sẽ có câu trả lời. Và nếu muốn xóa bỏ những nghi ngờ, những dư luận xấu về nghề y, đến đây, chắc chắn bạn sẽ có một cái nhìn khác. 

Hơn trăm ca cấp cứu mỗi ngày

Có mặt tại khoa Khám bệnh tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, nhiều người không khỏi choáng váng khi chứng kiến cảnh những người bị thương, phần lớn là do tai nạn giao thông nằm la liệt, máu me, tiếng người rên rỉ, gào thét vì đau, tiếng khóc và đôi khi là những xác người phủ khăn trắng xóa được vội vàng đưa về nhà xác. Một chiếc xe cứu thương lao nhanh vào sảnh bệnh viện, trên xe là một người đàn ông trung niên nằm bất động hôn mê được công an đưa tới, người vẫn nồng nặc mùi rượu lẫn mùi máu khiến người chứng kiến không khỏi rùng mình. Lập tức, cáng thương được đưa tới, bệnh nhân được đẩy nhanh vào phòng Hồi sức 1. Khoảng 1 tiếng sau, người nhà mới có mặt. 

Khác với các khoa khám bệnh ở các bệnh viện khác, ở Việt Đức, công tác khám bệnh phải đi đôi với cấp cứu. Bởi thế, ở đây, người ta cảm nhận dường như cái gì cũng vội vã hơn bình thường. Cánh cửa bệnh viện liên tục mở ra để đón những chiếc xe cứu thương hoặc xe chở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân thì luống cuống, giục giã, bước chân các bác sĩ, y tá, điều dưỡng luôn gấp gáp, vội vã. Đó là cuộc đua với tử thần, bởi có thể chỉ chậm một vài phút tính mạng người bệnh sẽ không giữ nổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 800 người đến khám chuyên khoa, khoảng 100-150 ca cấp cứu. Đa số bệnh nhân đến đây đều trong tình trạng nặng, nguy kịch, chấn thương sọ não, đa chấn thương. Vì vậy, dù được đầu tư trang bị hệ thống máy móc, thiết bị, bàn mổ, dường bệnh, song bệnh viện vẫn bị quá tải, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng vẫn phải căng như dây đàn, làm việc 8h mỗi ngày không thể đủ. “Đối với bác sĩ tại Khoa, việc đi làm từ 6h sáng đến tối mịt mới về, rồi nửa đêm bị dựng dậy, vội vã lao vào bệnh viện mổ cấp cứu bệnh nhân là chuyện quá bình thường” - PGS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ. 

Có thể nói, công việc của các y, bác sĩ trong Bệnh viện Việt Đức là quá tải so với một ngày làm việc 8 tiếng. Số lượng ca cấp cứu cứ năm sau cao hơn năm trước, bệnh tật ngày càng phức tạp do tình trạng giao thông, sử dụng rượu bia, mất an toàn về mặt xã hội, đâm chém, thanh toán nhau... Tuy vậy, đội ngũ bác sĩ từ Giám đốc đến nhân viên bảo vệ ở đây được xác định không coi quá tải là một gánh nặng. “Bệnh viện xác định đến từng cán bộ, công nhân viên, không coi quá tải là gánh nặng mà coi đó là một niềm tự hào, bệnh viện có thương hiệu, làm tốt thì người ta mới tìm đến mình, từ đó để có thái độ phục vụ, ứng xử phù hợp với bệnh nhân. Để giảm quá tải, bệnh viện đã tăng số giờ làm việc, phòng khám bắt đầu mở cửa đón bệnh nhân từ 6h30 và khám từ 7h, làm thêm thứ 7, chủ nhật, mở thêm các phòng khám chuyên khoa, tăng số lượng bàn mổ…” - PGS Nguyễn Xuân Hùng cho biết.

Ở khoa Khám bệnh, đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên phải tiếp nhận những ca thập tử nhất sinh, bởi vậy những thủ tục, giấy tờ rườm rà, thậm chí những thủ tục tối thiểu trước khi phẫu thuật như xét nghiệm HIV thường được gác lại. “Có những ca nặng, xuống khỏi xe cứu thương, bác sĩ nhìn qua, nhận định nguy hiểm đến tính mạng là đẩy luôn vào phòng mổ, 1 phút mổ ngay. Ca nào cần hồi sức thì đưa ngay vào phòng hồi sức”. 

Áp lực chuyên môn không bằng áp lực từ phía người bệnh

Làm nghề y, cấp cứu, điều trị cả nghìn ca mỗi ngày, hàng chục triệu ca mỗi năm thành công không ai để ý, nhưng chỉ cần một ca sơ suất là lập tức bị mổ xẻ, lên án. Bởi vậy, có lẽ áp lực từ phía người nhà bệnh nhân, từ phía dư luận khiến các y bác sĩ buồn, căng thẳng hơn cả. “Nhưng nếu cứ nghĩ về điều đó thì sẽ khó mà say mê với nghề nghiệp được, bởi vậy mình cứ cố gắng hoàn thành hết khả năng của mình thôi” - bác sĩ Đặng Hải Sơn - Khoa Khám bệnh chia sẻ. 

Có thể khẳng định, hàm lượng trí tuệ ở Bệnh viện Việt Đức thuộc hàng đậm đặc nhất trong ngành y tế. Ở đây, bệnh viện chỉ lấy bác sĩ nội trú, điều dưỡng, y tá được đào tạo rất kỹ mới được “đụng chạm” vào bệnh nhân, vì vậy sai sót rất ít, bệnh nhân gần như không có thắc mắc về khía cạnh chuyên môn. Tuy nhiên, cái khó của các y, bác sĩ là phải chịu cả áp lực về chuyên môn lẫn áp lực tâm lý từ người nhà bệnh nhân. Áp lực chuyên môn họ không e ngại, nhưng nhiều khi áp lực từ phía bệnh nhân lại khiến họ căng thẳng. Bởi đa phần các ca cấp cứu vào Việt Đức khi tâm lý người bệnh, người nhà bệnh nhân vẫn còn rất hoảng hốt, chưa ổn định, họ thấy người thân mình đau đớn thì yêu cầu phải khám nhanh. Nhưng mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu, các bác sĩ phải phân loại ưu tiên trường hợp nặng trước, trường hợp nhẹ sau, nhiều bệnh nhân không hiểu đã gây mâu thuẫn với y, bác sĩ.

Đã 13 năm công tác tại Bệnh viện Việt Đức, điều dưỡng Nguyễn Ngọc Thực chứng kiến và trải qua không ít áp lực như vậy. “Bệnh nhân vào khám bệnh, cấp cứu luôn mang tâm lý lo lắng, người nhà họ tìm mọi cách để người thân được khám trước, từ việc chửi mắng đến việc dùng tiền. Bệnh nhân đưa tiền, chúng tôi có câu nói đùa với họ rằng: Chúng cháu không muốn bị “treo cổ” đâu bác ạ (Năm vừa rồi Táo y tế bị treo cổ trong chương trình Táo quân). Rồi còn phải giải thích cho họ, mọi bệnh nhân vào đây đều được đối xử như nhau, họ không phải mất thêm một đồng nào ngoài chi phí khám, chữa bệnh của bệnh viện. Thực ra trả lại tiền cho họ thì dễ, nhưng trả lại thế nào cho họ không ngại, không buồn, không phải tìm cách đưa cho người nọ, người kia nữa mới là quan trọng”.

Làm cấp cứu phải… to khỏe

PGS Nguyễn Xuân Hùng đúc kết 4 đặc điểm của phẫu thuật viên để giáo dục nhân viên của mình: Phải thông minh một tí, phải khỏe, phải khéo léo một tí nhưng phải có bản lĩnh suốt đời. Bản lĩnh là gì: Là người giàu cũng chữa, người nghèo cũng chữa, quan chức cao cấp cũng chữa, tầng lớp hạng bét xã hội cũng chữa, bệnh nhẹ cũng chữa, bệnh nặng cũng chữa, sạch càng tốt nhưng bẩn cũng phải lao vào… Nếu không có bản lĩnh, sẽ không thể trụ lại ở Khoa Khám bệnh - cấp cứu này. 

Còn các y, bác sĩ, điều dưỡng ở đây thì nói đùa với nhau, muốn làm việc ở đây thì phải… to khỏe. Người bệnh đưa đến đây không chỉ tai nạn thông thường mà còn rất nhiều những ca đâm chém, thanh toán lẫn nhau. Khi đó, những người đưa bệnh nhân đến chính là những thành phần “xã hội” với những khuôn mặt dữ tợn, dao kiếm xủng xoảng, hai tay hai điện thoại gọi tất cả những người có thể gọi để kéo đến bệnh viện hoặc kéo đi thanh toán nhóm kia. “Những lúc đó, việc đầu tiên của chúng tôi là tất cả những người to khỏe nhất, có bản lĩnh nhất phải ra làm việc với họ, giải thích, khéo léo để họ “hạ nhiệt”, cùng hợp tác với y, bác sĩ. Có những khi trong lúc bác sĩ băng bó, cấp cứu cho bệnh nhân thì hàng mấy chục người vây kín vòng trong vòng ngoài, tạo áp lực cho các y, bác sĩ. Cũng may, ông trời cho tôi một thân hình to cao, một cái bản mặt có vẻ “không biết sợ ai” nên thường xuyên phải làm việc với những thành phần bệnh nhân như vậy” - điều dưỡng Nguyễn Ngọc Thực chia sẻ. 

Tuy vậy nhiều lúc đội ngũ y, bác sĩ cũng lâm vào cảnh dở khóc, dở cười: “Có ca đâm chém ở đâu vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi các bác sĩ băng bó xong, người đàn ông này bỗng kêu mất nhẫn và thế là tất cả “bè nhóm” của anh ta yêu cầu các y, bác sĩ phải trả lại nhẫn. Lúc đó, chúng tôi phải huy động tất cả mọi người lục tung từng sọt rác trước sự chứng kiến của họ”. 

Nơi phải nói “tiếc” nhiều nhất

Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức, có một đặc điểm chung là rất khó khăn để được chia sẻ, câu trả lời là “Nói chúng tôi vất vả hơn những nơi khác thì không đúng, vì mỗi công việc đều có vất vả riêng”. Nhưng khi hỏi về niềm hạnh phúc của họ thì câu trả lời chung là “Một đêm trực mà tất cả những bệnh nhân đều an toàn, đó là niềm hạnh phúc nhất”. 

Khi chúng tôi có mặt, tất cả các y, bác sĩ ở đây đều trĩu nặng vì ca bệnh cháu Đỗ Doãn Lợi (Bắc Ninh) bị bố đánh vừa phải trút hơi thở cuối cùng. “Đã từng cấp cứu, điều trị cho nhiều trường hợp đáng thương, nhưng có lẽ đây là ca bệnh mà chúng tôi ám ảnh nhất. Một đứa trẻ quá nhỏ, bị chính bố mình đánh, tổn thương sọ não nặng đến nỗi chúng tôi bất lực, không thể can thiệp cứu sống bé. Dù biết ca bệnh nguy cơ tử vong cao, nhưng khi cháu trút hơi thở cuối cùng, không ít y bác sĩ đã rơi nước mắt” - bác sĩ Đặng Hải Sơn chia sẻ.

Thế mới bảo tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức là một trong những nơi phải nói từ “tiếc” nhiều nhất. Những bệnh nhân vì cao tuổi, vì ốm đau, bệnh tật lâu ngày không qua khỏi đã là đau đớn. Còn những bệnh nhân đến Việt Đức, phần nhiều là những tai nạn bất ngờ. Trong số họ, có những gia đình con một, có những em học sinh, sinh viên, những thanh niên đẹp đẽ, những người có một công việc rất tốt, tương lai đang rộng mở.