Ở nơi cứ cưới là thoát tội... hiếp dâm

ANTD.VN - Ở Nigeria, trung bình mỗi tháng có hơn 100 vụ việc về tấn công tình dục được báo cáo nhưng chỉ một số rất ít nghi phạm bị truy tố. Những kẻ đồi bại này tìm cách thoát tội bằng việc mua chuộc bằng tiền, dùng áp lực và cả phương án cưới nạn nhân.

Có những bé gái ở Kano, Nigeria buộc phải kết hôn với những kẻ đã hãm hại mình

Đám cưới “chạy” tội

Năm ngoái, khi mới 14 tuổi, Amina đã làm lễ kết hôn. Thay vì đám cưới tưng bừng thường thấy, buổi lễ trọng đại trong đời Amina lại khá đơn giản, chỉ có sự tham dự của một số thành viên gia đình và bạn bè thân thiết. Cô dâu và chú rể quen biết nhau, nhưng họ không có tình cảm gì với nhau cả, là bởi Amina buộc phải cưới 1 trong 3 người đàn ông đã cưỡng bức cô khi cô bé mới 13 tuổi.

Usaini Ja'afar và đồng bọn của anh ta đã thú nhận tội lỗi khi bị thẩm vấn trước Hội đồng Hisbah, một lực lượng cảnh sát tôn giáo chịu trách nhiệm về thực thi luật Sharia trong cộng đồng tín đồ đạo Hồi ở Kano, bang phía Bắc Nigeria. Usaini Ja'afar xin được tha tội và muốn kết hôn với Amina để tránh bị trừng phạt.

“Thay vì đi tới cùng, tôi quyết định mở lòng trắc ẩn. Tôi cho phép anh ta cưới con gái mình vì qua tham vấn, giáo sỹ Hồi giáo của chúng tôi nói rằng làm như vậy không có gì sai”, cha của Amina giải thích về quyết định không khởi kiện kẻ đã tấn công con gái ông. 

Đây chỉ là một trong số nhiều cuộc hôn nhân mà các nhà hoạt động nhân quyền ở Nigeria lên án, bởi nó giúp những kẻ hiếp dâm thoát khỏi vòng lao lý ở Kano, nơi mà mỗi tháng xảy ra tới hơn 100 vụ hiếp dâm nhưng số đối tượng bị truy tố chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhà chức trách ở đây cho biết, phần lớn các vụ hiếp dâm được dàn xếp giải quyết trước khi phải đưa ra tòa phân xử. Việc “né tội” của các đối tượng cũng đủ bài, từ việc nhờ các thành viên được cộng đồng kính nể ra “nói hộ”, bồi thường số tiền lớn để được bỏ qua, cho tới kết hôn với chính nạn nhân.

Quy định còn lỏng lẻo

Tuy nhiên, ngay cả khi thủ phạm bị khởi tố, việc truy tố họ về tội hiếp dâm cũng khó thực hiện được. “Một số nạn nhân nhút nhát không dám kể về những gì xảy ra vì lo ngại sẽ bị kỳ thị. Cảnh sát cũng không thể truy tố vì không có chứng cứ”, ông Agafi Kunduli, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Nigeria nói. 

Thậm chí, nhân viên cảnh sát còn bị cáo buộc đòi nạn nhân phải hối lộ mới bắt nghi phạm. Thực tế là một số cảnh sát bản thân cũng “dính” án hiếp dâm nên nhiều nạn nhân cảm thấy không mấy tin tưởng họ. Hồi năm 2014, một sĩ quan cảnh sát cùng 4 người khác bị bắt vì bị cáo buộc hiếp dâm tập thể một cô gái 17 tuổi. Năm ngoái, một cảnh sát khác bị cáo buộc đã xâm hại một bé gái 7 tuổi tại đồn cảnh sát ở Kano. Chưa người nào bị truy tố trong hai vụ nói trên.

Đáng nói, đối với hai trường hợp nạn nhân thiệt mạng là một thai phụ 22 tuổi qua đời sau khi bị cưỡng bức tập thể tại nhà cô trong năm 2016 và một cô gái vừa mới cưới chồng ở làng Sha’iskawa, phía Bắc Kano bị hiếp dâm rồi giết chết, thủ phạm cũng chưa bị truy tố.

Năm ngoái, bản án tối đa đối với tội phạm hiếp dâm ở đây vẫn chỉ là 2 năm tù cùng với tùy chọn có thể đóng tiền phạt thay thế. Sau những phản ứng kịch liệt của dư luận, đến cuối năm 2015, Nigeria mới thông qua luật quy định khung phạt tối thiểu là 14 năm tù. Tuy nhiên, theo luật Hồi giáo Sharia đang tồn tại song song với hệ thống tư pháp tại Kano, nếu xảy ra quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân thì người đã có vợ hoặc chồng sẽ chịu án ném đá đến chết, còn người chưa kết hôn bị đòn 100 roi. 

Những người bảo vệ nữ quyền đã kêu gọi chính quyền cần nỗ lực hơn nhằm hạn chế bạo lực tình dục, đảm bảo rằng những kẻ phạm tội hiếp dâm sẽ bị trừng trị thích đáng. Họ cho rằng, những kẻ này không thể tìm cách cưới chạy là thoát tội.

Luật sư nhân quyền, Eno Edet cho rằng cần xem xét lại quy định các vụ tấn công tình dục cần chứng cứ hay nhân chứng, bởi đây là những trường hợp đặc biệt nhạy cảm. “Các nhà làm luật nên trò chuyện với nạn nhân, đặt mình vào vị trí của họ. Cảnh sát cũng nên thực thi công việc một cách nghiêm túc”, ông Eno Edet nói.