“Ở nhờ” trong Luật Cư trú: Còn nhiều điều đáng bàn

(ANTĐ) - Ngày 1-7-2007 tới, Luật Cư trú sẽ có hiệu lực. Đây là một bước tiến trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký thường trú và tạm trú. Tuy nhiên, việc quy định “mở” điều kiện nhập hộ khẩu, trong đó điều kiện về nhà ở hợp pháp có một số vướng mắc cần được làm rõ.

“Ở nhờ” trong Luật Cư trú: Còn nhiều điều đáng bàn

(ANTĐ) - Ngày 1-7-2007 tới, Luật Cư trú sẽ có hiệu lực. Đây là một bước tiến trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký thường trú và tạm trú. Tuy nhiên, việc quy định “mở” điều kiện nhập hộ khẩu, trong đó điều kiện về nhà ở hợp pháp có một số vướng mắc cần được làm rõ.

 “Ở nhờ” – Có đảm bảo về điều kiện sống?

Nhà ở hợp pháp là một trong những điều kiện quan trọng để được nhập hộ khẩu. Trước đây, vấn đề chứng minh chỗ ở thỏa mãn yêu cầu luôn gây khó khăn trong khi thực hiện thủ tục, bởi cần rất nhiều những giấy tờ, con dấu và sự chồng chéo trong quy định giữa các văn bản áp dụng pháp luật ở mỗi địa phương. Kế thừa và phát triển Nghị định 108/2005/NĐ-CP ngày 19-8-2005 về đăng ký và quản lý hộ khẩu, Luật Cư trú ra đời đã giản lược các thủ tục và quy định “mở” về các điều kiện được đăng ký thường trú, đặc biệt mở rộng khái niệm chỗ ở hợp pháp. Theo đó, chỗ ở hợp pháp có thể là nhà thuê, mượn hay ở nhờ. Nhưng trong Luật chỉ quy định chung về điều kiện, còn thực tế áp dụng cần những giấy tờ gì để chứng minh lại chưa được làm rõ và có rất nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh những quy định này.

Theo Luật quy định, chỉ cần có sự đồng ý của người cho ở nhờ, cho mượn, cho thuê cho nhập hộ khẩu là thỏa mãn điều kiện về chỗ ở hợp pháp. Còn vấn đề mối quan hệ giữa người ở nhờ và người cho ở nhờ, một người có thể đồng ý cho bao nhiêu người ở nhờ nhập hộ khẩu và giới hạn diện tích trên đầu người đối với diện tích nhà ở không được đề cập đến. Mục đích của Luật Cư trú là đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân trên toàn lãnh thổ. Nhưng quyền cư trú phải đi đôi với bảo đảm điều kiện sống đầy đủ để phát triển toàn diện. Liệu có thể đáp ứng được điều kiện đó không khi sống trong không gian chật hẹp của nhà cho ở nhờ, cho mượn?

Việc quy định “mở” về nhà ở hợp pháp đã tạo điều kiện dễ dàng để được đăng ký thường trú, nên trong thời gian tới, số lượng người dân nhập hộ khẩu ở các thành phố lớn sẽ tăng lên đáng kể. Điều này có tạo ra khó khăn trong quản lý cư trú, tạo ra mất cân đối trong phân phối dân cư giữa các vùng miền, mật độ dân số của các thành phố lớn tăng đột biến và tệ nạn xã hội gia tăng?

Nhà quản lý nói gì?

Đi tìm lời giải cho những vấn đề trên, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Cương, Phó trưởng phòng Pháp luật hành chính kinh tế dân sự, Vụ Pháp chế, Bộ Công an (BCA). Ông Cương cho biết, trong Dự thảo Nghị định trình Chính phủ đã quy định khá chi tiết các loại giấy tờ khi thực hiện thủ tục nhập hộ khẩu trong trường hợp thuê, mượn và ở nhờ. Chỉ cần có một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khách của cơ quan, tổ chức; hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, nhà khác của cá nhân có công chứng hoặc xác nhận của UBND cấp xã là người nhập hộ khẩu có thể chứng minh được chỗ ở hợp pháp.

Trên thực tế, chỉ những người muốn làm ăn ổn định lâu dài mới mong muốn nhập hộ khẩu, để được hưởng điều kiện cuộc sống tốt nhất tại nơi cư trú. Mặt khác, khi cho phép người khác nhập hộ khẩu vào gia đình, chủ hộ có những trách nhiệm quản lý đối với những người trong cùng hộ như: Làm thủ tục điều chỉnh những thay đổi hộ tịch đối với những người trong sổ hộ khẩu (thay đổi tên, họ đệm, ngày tháng, năm sinh ...), đồng ý bằng văn bản cho những người ở nhờ trong hộ khẩu tách hộ khẩu,... Do vậy, thông thường cho phép người ở nhờ nhập hộ khẩu, trở thành thành viên trong gia đình, thì mối quan hệ giữa người cho ở nhờ và người ở nhờ phải thân thiết, quen biết và họ còn ràng buộc với nhau trong hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở. Nên việc một người cho rất nhiều người ở nhờ nhập hộ khẩu là rất ít xảy ra trên thực tế. Hơn nữa, nếu đặt ra nhiều quy định yêu cầu xác định về mối quan hệ và giới hạn số lượng người được nhập hộ khẩu trong trường hợp ở nhờ thì vô hình trung tạo ra sự rườm rà về giấy tờ, gây phiền nhiễu trong khi thực hiện thủ tục và mục đích của cải cách hành chính không đạt được.

Theo ông Đỗ Văn Cương, các khó khăn về quản lý không nhiều. Công tác quản lý cư trú được thực hiện thông qua đăng ký. Luật Cư trú đã quy định rất rõ ràng về các thủ tục khi đăng ký thường trú (yêu cầu có Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu trong hồ sơ đăng ký) nên các cơ quan quản lý cư trú sẽ kiểm soát được số lượng nhân khẩu và những biến động trong địa bàn. Tạo điều kiện cho người dân đăng ký thường trú dễ dàng sẽ đưa đến tâm lý ổn định làm ăn sinh sống, được hưởng các chế độ y tế, giáo dục ... cần thiết. Mặt khác, đây cũng là điều kiện để thu hút nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT - XH ở các đô thị lớn.

Thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều biến động về dân số, nhất là tại các thành phố lớn. Đi cùng với nó là các vấn đề khó khăn phát sinh trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, môi trường... Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Bên cạnh những vấn đề phát sinh, việc Luật Cư trú ra đời và sắp đi vào cuộc sống đánh dấu bước phát triển lớn trong cải cách hành chính, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong việc “an cư” để ổn định “lập nghiệp”, góp phần đưa hệ thống pháp luật nước ta tiến gần hơn với thông lệ quốc tế.

Để đảm bảo điều kiện hoạt động của Luật Cư trú, BCA đã soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú trình Chính phủ phê duyệt và dự kiến sẽ có hiệu lực trước ngày 1-7-2007.

PV