Ô nhiễm tới mức "báo động đỏ" ở Bắc Kinh

ANTĐ - Trung Quốc đang phải trả cái giá ngày càng đắt hơn về môi trường và sức khỏe con người cho những năm tháng tìm mọi cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh nhất có thể.
Ô nhiễm tới mức "báo động đỏ" ở Bắc Kinh ảnh 1

Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã phải ban hành lệnh báo động đỏ về ô nhiễm khói mù ở Thủ đô Bắc Kinh

Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc đã phải ban hành lệnh “báo động đỏ” vì ô nhiễm môi trường tại Thủ đô Bắc Kinh, trung tâm chính trị và kinh tế của quốc gia hơn 1,3 tỷ dân, kể từ 7h sáng ngày 8-12 đến 12h ngày 10-12. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra cảnh báo đỏ đối với khói bụi kể từ năm 2013 khi thành phố này bắt đầu áp dụng chương trình ứng phó khẩn cấp trước tình trạng ô nhiễm không khí theo 4 mức: xanh, vàng, cam và đỏ; trong đó, cảnh báo đỏ là nghiêm trọng nhất khi tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài hơn 3 ngày.

Trong thời gian áp dụng cảnh báo đỏ ở Bắc Kinh, các trường mầm non, tiểu học và trung học được khuyến cáo đóng cửa; các hoạt động ngoài trời tại các công trường xây dựng bị cấm, trong khi một số nhà máy công nghiệp được yêu cầu hạn chế hoặc ngưng sản xuất. Ngoài ra, ô tô cá nhân sẽ chỉ được phép lưu thông luân phiên theo ngày chẵn - lẻ dựa theo biển số xe và khoảng 30% số xe công vụ bị cấm hoạt động.

Lệnh báo động đỏ trên được đưa ra sau khi Trung tâm Giám sát môi trường Bắc Kinh cho biết, không khí ô nhiễm nặng do bị khói mù dày đặc bao phủ với mật độ PM 2,5 (hạt bụi có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, có thể xâm nhập phổi con người) là 634 microgram trong mỗi mét khối không khí. Mức độ ô nhiễm này cao hơn rất nhiều giới hạn tối đa bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 25 mg/m3. Nếu chỉ số này ở mức 300 mg/m3 thì đã được coi là rất nguy hiểm với sức khỏe con người.

Không chỉ Thủ đô Bắc Kinh mà có tới gần 75% thành phố lớn của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn về chất lượng không khí. Trong khi đó, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ bụi PM 2,5 khi vượt giới hạn cho phép có thể khiến loại bụi này chui sâu vào phổi người, dẫn đến nguy cơ các bệnh về hô hấp, thậm chí gây ung thư.

Theo các số liệu, mỗi ngày có khoảng 4.000 người chết vì ô nhiễm không khí ở Trung Quốc và hít thở không khí ở Thủ đô Bắc Kinh tương đương hút 40 điếu thuốc lá mỗi ngày. Báo cáo của Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu của Trung Quốc cho biết, 1,23 triệu người chết yểu ở nước này trong năm 2010 vì ô nhiễm không khí và người dân ở các thành phố miền Bắc Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, có tuổi thọ trung bình thấp hơn 5,5 năm so với người dân ở miền Nam do mật độ bụi PM 2,5.

Kết quả đo đạc cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố ở miền Bắc Trung Quốc cao hơn 55% so với ở miền Nam nước này. Ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho Trung Quốc khoảng 100 tỷ USD/năm. Tình trạng ô nhiễm không khí báo động đỏ tại Bắc Kinh và các thành phố lớn của Trung Quốc là hậu quả của gần 30 năm quá chú trọng mục tiêu tăng trưởng mà chưa coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường.

Kể từ năm 2013, khi Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chương trình ứng phó khẩn cấp trước tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, chính quyền thành phố này cũng đã áp dụng một loạt biện pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường như đóng cửa, di chuyển các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, nhà máy gang thép; hạn chế ô tô cá nhân… Tuy nhiên, các biện pháp đó xem ra chưa đủ để khắc phục hậu quả quá nặng nề do cả một quá trình khá dài đã không coi trọng bảo vệ môi trường.