Ô nhiễm tại làng nghề Vân Hà (Đông Anh): Sống chung với bụi

ANTĐ - Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường ở các địa phương ngoại thành Hà Nội đang ngày càng trở nên nan giải. Điển hình như xã Vân Hà, huyện Đông Anh, mặc dù mô hình thí điểm xử lý bụi gỗ đã được áp dụng nhưng người dân nơi đây vẫn khổ sở sống chung với ô nhiễm.

Ô nhiễm tại làng nghề Vân Hà (Đông Anh): Sống chung với bụi ảnh 1Một xưởng gỗ được xây dựng thủ công ở xã Vân Hà

Ô nhiễm môi trường từ gỗ

Xã Vân Hà, huyện Đông Anh là một làng nghề truyền thống chế biến đồ gỗ có 5 thôn với gần 2.600 hộ dân. Trong đó có đến 80% người dân làm nghề mộc, hơn 1.000 hộ dân trực tiếp mở xưởng sản xuất gỗ. Phần lớn các gia đình sản xuất theo hướng tự phát, gia truyền nên chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, còn việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính mình thì chưa được đảm bảo. Chính vì vậy, nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường đã trở thành thực trạng nhức nhối mà chính người dân nơi đây phải hứng chịu.

Vì sản xuất tự phát nên các cơ sở chế biến gỗ nằm xen lẫn các khu dân cư đông đúc, thậm chí nhiều hộ gia đình lấy luôn sân nhà làm xưởng chế biến thủ công. Anh Nghiêm Thuận Nhàn, trú tại thôn Thiết Bình, xã Vân Hà cho biết: “Quá trình sản xuất đồ gỗ gồm nhiều công đoạn, nhưng bụi nhiều nhất là ở khâu chà gỗ. Thao tác này khiến bụi bay mịt mù làm ngột ngạt bầu không khí. Do đó cứ đến lúc chà là người ta lại mang ra chỗ thoáng làm cho bụi bay đi đâu thì đi, miễn là không ứ đọng ở nhà mình”. Theo người dân, bụi gỗ không chỉ làm ô nhiễm bầu không khí mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước. Những giếng nào không đậy nắp kín là dính đầy bụi gỗ, nước chuyển màu và không thể dùng được trong ăn uống.

Ô nhiễm tại làng nghề Vân Hà (Đông Anh): Sống chung với bụi ảnh 2

Lượng bụi gỗ thải ra rất lớn

Tự xử lý bụi thủ công

Năm 2012, Sở  Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có lắp thí điểm một chiếc máy hút bụi gỗ ở xã Vân Hà để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Máy được đặt tại nhà anh Nguyễn Văn Hợi, ở thôn Cổ Châu. Nhưng theo anh Hợi, với lượng bụi hiện tại của  riêng nhà anh thì chiếc máy đó cũng không đủ để xử lý chứ chưa nói đến giảm bụi cho cả làng. Từ đó đến nay, cơ quan chức năng chưa có hình thức khắc phục hữu hiệu nào và bụi vẫn hoàn bụi.

Người dân xã Vân Hà cũng có cách tự khắc phục riêng của họ, đó là quây bạt kín xung quanh xưởng của mình để hạn chế bụi gỗ bay ra ngoài. Nhưng thực tế cũng không giảm được bao nhiêu vì lượng bụi quá lớn. Còn vấn đề nguồn nước, các hộ gia đình tự khắc phục bằng cách làm giếng khoan sâu xuống lòng đất và sử dụng mô hình máy lọc nước công nghiệp.

Hiện nay, xã Vân Hà đã thành lập một khu sản xuất gỗ tập trung và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mặc dù vậy, xã vẫn không thể quy hoạch hết các xưởng vào đó được vì số hộ sản xuất rất đông. Và một vấn đề đáng lo ngại là có quy hoạch nhưng vẫn chưa có cách xử lý bụi gỗ.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết: “Năm 2010, xã Vân Hà đã chính thức được công nhận là làng nghề gỗ truyền thống. Đây cũng là nguồn lực kinh tế chủ yếu của xã. Nhưng những hậu quả từ ô nhiễm môi trường do sản xuất gỗ gây ra là rất lớn. Mặc dù Sở TN và MT Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình hút bụi gỗ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương, nhưng tác dụng của nó không nhiều và người dân thì vẫn phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm”.