Ở ngôi làng cứ ra ngõ là gặp… doanh nhân

ANTD.VN - “Làng giám đốc” là tên gọi mà người dân quanh vùng thường nói đến làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Ở ngôi làng nhỏ xứ Đoài này, trung bình cứ 4 hộ gia đình thì có 1 nhà lập công ty và 1 giám đốc.

Ông Chu Văn Bằng thổi bếp lò mỗi khi nhớ nghề

“Đại công trường” giữa vùng quê

Bước chân đến đầu làng Vĩnh Lộc,  chúng tôi đã cảm nhận được không khí lao động tất bật với tiếng của máy tiện,  tiếng búa, tiếng đe, tiếng va đập chát chúa của sắt thép... khiến cho hoạt động sản xuất ở đây như một đại công trường giữa vùng quê thanh bình. Qua người dân làng giới thiệu, chúng tôi đã đến nhà cụ Chu Văn Bằng, ở làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất. Cụ Bằng năm nay đã 82 tuổi. Đôi mắt cụ đã không còn tinh tường, đôi tay không còn thoăn thoắt, nhưng cứ mỗi khi nhớ tiếng quai, tiếng búa của nghề rèn thủ công năm nào, cụ Bằng lại rất hào hứng. 

Thật trùng hợp bởi đúng hôm chúng tôi đến thăm, cụ Bằng và cụ bà đang thổi bếp lò rèn để rèn ra những nông cụ - cái nghề mà cụ đã gắn bó suốt hơn 70 năm qua.  “Tôi được ông bà truyền lại và làm nghề rèn từ khi còn tấm bé. Xưa không được đi học, ở nhà làm nghề với các cụ thôi!”, cụ Bằng bồi hồi kể lại. Với cụ, nghề rèn là miếng cơm manh áo, là mưu sinh và cũng là thói quen của cụ suốt những năm qua.

Nghề rèn là nghề gia truyền của không chỉ gia đình tôi, mà của cả dòng họ nhà tôi. Tôi vẫn truyền lại nghề cho các con cháu đời sau nhưng giờ máy móc thay thế bàn tay con người hết rồi, chỉ còn những người như chúng tôi thỉnh thoảng nhớ nghề nên mang bễ lò ra thôi”

Cụ Chu Văn Bằng (Làng Vĩnh Lộc,  xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Và dù thế nào đi nữa thì với những người thợ rèn kỳ cựu như cụ, chẳng máy móc nào có thể làm ra được những sản phẩm nông cụ giống như từ đôi bàn tay của người thợ rèn năm xưa.  “Nghề rèn là nghề gia truyền của không chỉ gia đình tôi, mà của cả dòng họ nhà tôi. Tôi vẫn truyền lại nghề cho con cháu đời sau nhưng giờ máy móc thay thế bàn tay con người hết rồi, chỉ còn những người như chúng tôi thỉnh thoảng nhớ nghề nên mang bễ lò ra thôi”, cụ Bằng trăn trở.

Nghề truyền thống hàng trăm năm

Chẳng ai biết nghề rèn có mặt tại xã Phùng Xá từ bao giờ, chỉ biết rằng, trước cụ Bằng thì ông bà cha mẹ của cụ cũng mưu sinh bằng nghề này, tức là cũng ngót nghét vài trăm năm. Với những người như cụ Bằng, thì tiếng quai tiếng búa vẫn cứ văng vẳng trong tâm trí, và dù cho hôm nay hàng nghìn sản phẩm được làm ra bằng máy móc thì với những người thợ rèn năm xưa, các sản phẩm thủ công vẫn có sự khác biệt và mang giá trị của riêng nó.

Chia sẻ với phóng viên, ông Chu Văn Tuất, người làng Vĩnh Lộc cho biết, hiện nay nghề rèn ở làng Vĩnh Lộc đã phát triển thành nghề cơ, kim khí. Ít gia đình còn giữ bếp lò rèn quay tay như thời của ông hay cụ Bằng nữa.  “Tự hào lắm! Giờ con cháu chúng tôi đã phát triển nghề hơn rất nhiều rồi. Tất cả các sản phẩm sắt thép đều được sản xuất bằng dây chuyền khép kín máy móc tự động. Sản lượng cao gấp trăm lần xưa kia. Nhưng với tôi, những sản phẩm rèn thủ công vẫn khác sản phẩm làm ra bằng máy móc hiện đại. Bởi mỗi sản phẩm ngày xưa làm ra đều mang cái hồn của người thợ rèn trong đó”, ông Chu Văn Tuất chia sẻ.

Làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá hôm nay, cùng với sự phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa, đã chuyển mình mạnh mẽ. Đóng góp cho sự phát triển nghề ở làng Vĩnh Lộc phải kể đến dòng họ Chu. Đây là dòng họ chiếm đến một nửa dân số của làng. Và hầu hết đều xây dựng cơ nghiệp từ nghề rèn. Điều đặc biệt ở nơi đây là máy móc sản xuất ra nông cụ hay các sản phẩm từ sắt thép này lại do chính những người thợ rèn trong làng sáng chế ra.

Từ những sản phẩm cơ, kim khí, qua thực tiễn sản xuất, nhiều người thợ rèn xưa kia đã trở thành những kỹ sư cơ khí tự mày mò cải tiến, chế tạo ra dòng máy mới có tính năng ưu việt hơn. Họ chỉ cần nhìn qua các mặt hàng cơ khí là có thể tìm ra cách chế tạo ra nó. Ông Chu Văn Dụng, chủ cơ sở cơ khí An Khang, là một kỹ sư cơ khí lâu năm chia sẻ:  “Những sản phẩm cơ khí mang thương hiệu Phùng Xá xuất hiện ngày càng rộng rãi trên thị trường trong nước và một số nước khu vực ASEAN, đặc biệt là Lào và Campuchia. Chúng tôi dần dần mở rộng thị trường với mong muốn vươn xa để hội nhập quốc tế”.

Nhiều thợ rèn ở làng Vĩnh Lộc xưa kia nay trở thành những kỹ sư cơ khí

Cứ 4 hộ dân thì có 1 giám đốc

Với sự phát triển mạnh mẽ của nghề kim khí, chẳng nói ngoa, Phùng Xá ngày nay còn được gọi ví von là làng giám đốc bởi trung bình cứ 4 hộ dân thì có 1 giám đốc hoặc 1 chủ xưởng ngành cơ, kim khí. Có một điều mà ai cũng nhận ra: Đó là các giám đốc ở đây rất giản dị. Mọi sinh hoạt cũng như các hoạt động lao động, chẳng ai phân biệt được ai là công nhân và ai là giám đốc. Mọi người đều làm việc như nhau. Để tìm hiểu vì sao ngôi làng này được gọi là  “Làng giám đốc”, phóng viên đến thăm cơ sở kinh doanh của anh Chu Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Huy Thành, tại khu công nghiệp Phùng Xá.

Anh Thành có 8 anh chị em, và điều đặc biệt là cả 8 anh chị em nhà anh Thành đều là giám đốc của các công ty kinh doanh về cơ, kim khí. Khi được phóng viên hỏi anh nghĩ sao khi người dân quanh vùng gọi quê anh là  “Làng giám đốc”? Vị giám đốc trẻ tự hào và nói:  “Đó là một cái tên vui mà họ vẫn gọi nhưng với chúng tôi, đó là một sự tự hào. Không chỉ có tôi, mà cả những thanh niên trẻ tuổi trong làng đều tự hào về nghề truyền thống mà cha ông để lại, thừa kế được những tinh túy của nghề để có được ngày hôm nay”. 

“Làng giám đốc là một cái tên vui mà họ vẫn gọi nhưng với chúng tôi, đó là một sự tự hào. Không chỉ có tôi, mà cả những thanh niên trẻ tuổi trong làng đều tự hào về nghề truyền thống mà cha ông để lại, thừa kế được những tinh túy của nghề để có được ngày hôm nay”.

Anh Chu Văn Thành (Giám đốc Công ty TNHH Huy Thành, khu công nghiệp Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Cũng theo anh Thành, cái tên  “Làng giám đốc” bắt đầu có từ những năm 2006, khi thành lập cụm công nghiệp Phùng Xá. “Từ khi hình thành cụm công nghiệp cơ khí, hầu hết các hộ sản xuất trong làng nghề đều tính đến chuyện phát triển kinh doanh với quy mô lớn. Có những cơ sở chỉ sau một thời gian ngắn, doanh thu đã tăng gấp ba, bốn lần so với khi mở xưởng. Cũng nhờ sự phát triển đó nên rất nhiều doanh nghiệp trong làng đều đăng ký kinh doanh là công ty”, anh Thành chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá, với những sản phẩm đa dạng về mẫu mã mặt hàng và chủng loại, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động ở làng nghề Phùng Xá ngày càng cao. Sản phẩm tiêu thụ ở thị trường rộng lớn, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trong làng mà rất nhiều người từ nơi khác đến đây tìm việc. 

“Nhờ sản xuất tập trung nên người dân không còn phải lo lắng về việc làm và thu nhập. Đến nay, làng nghề có khoảng 2.250 hộ thì đã có 1.000 hộ sản xuất kim, cơ khí. 20% số doanh nghiệp này có doanh thu từ vài chục tỷ  đến hàng trăm tỷ đồng một năm, thu hút hơn 5.000 lao động trong làng và các địa phương khác. Thu nhập bình quân của người lao động từ 6 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào công việc, đời sống của lao động được đảm bảo…”, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết.

Về Phùng Xá hôm nay, bước vào làng nhiều người không khỏi  bất ngờ khi giữa làng quê Bắc bộ vốn thuần nông xưa kia, mà nay nhà cửa nguy nga, ô tô hạng sang đậu kín đường. Mặc dù công cuộc hội nhập kinh tế vẫn còn đang đặt ra nhiều thách  thức cho các doanh nghiệp nơi đây để cạnh tranh thương mại. Nhưng Phùng Xá hôm nay vẫn luôn tưng bừng, nhộn nhịp. Máy móc vẫn chạy ngày đêm. Những đôi tay vẫn thoăn thoắt cán từng mẻ thép với niềm  vui tươi và hy vọng.