Tâm sự của một họa sĩ nghèo giữa phố cổ:

Ở đời, trọng sự tử tế, đàng hoàng

ANTĐ - Giữa con phố Hàng Đào náo nhiệt và nhộn nhịp, người họa sỹ với giá vẽ và cây cọ vẫn miệt mài ký họa chân dung cho khách dạo phố. Ký họa chân dung đã trở thành một nét văn hóa phố cổ, một “đặc sản” của chợ đêm Hà thành. 

Ở đời, trọng sự tử tế, đàng hoàng ảnh 1Khi phố đêm bắt đầu nhộn nhịp là lúc người họa sỹ bắt đầu công việc sáng tạo

Lận đận gánh nặng mưu sinh

6h tối, khi chợ đêm bắt đầu nhộn nhịp cũng là lúc họa sỹ Phan Thái Sơn (63 tuổi) bắt đầu công việc của mình. “Đồ nghề” của ông là những vật dụng đơn sơ: vài chiếc ghế nhựa, một giá vẽ nhỏ gọn với dăm tấm hình mẫu cùng dòng chữ “Ký họa chân dung”. Nhiều năm nay họa sỹ Phan Thái Sơn sống trong căn nhà chật hẹp 4m2 trong ngõ 21, phố Hàng Đào. Trước kia, nhà ông cũng không đến nỗi quá chật nhưng rồi người sinh ra mà đất lại không nở thêm, bố mẹ ông phải ngăn đất, chia nhà cho các con, phần ông cũng được trên 10m2. Vợ chồng ông có 2 người con, một trai một gái, nhưng không may người con trai cả của ông mất vì tai nạn giao thông. Sóng gió cuộc đời không dừng lại, cuộc sống gia đình không êm ả, vợ chồng ông ly hôn và một lần nữa căn nhà lại chia nhỏ thêm. 

Sau này, ông tục huyền với một phụ nữ ở Hà Nam và có 2 cô con gái (8 tuổi, 6 tuổi). Vì nhà quá chật nên vợ con ông không dám ra Hà Nội thăm ông vì không đủ chỗ nằm. Nhớ vợ, thương con, mỗi tháng ông lại đi xe máy về quê một lần. Trong căn phòng nhỏ bé đó, giá trị nhất có lẽ là những bức ký họa và chiếc quạt. Vì nhà quá chật nên mọi sinh hoạt hàng ngày của ông từ ăn uống, vệ sinh, giặt giũ đều bên ngoài khu công cộng. Trên gác xép rộng hơn một chút vì xây đua ra ngoài, nhưng mỗi khi đi ngủ phải treo hết đồ đạc lên mới có chỗ nằm.

Ông Sơn từng là họa sĩ vẽ tranh áp phích tại rạp chiếu bóng, về “nghỉ một cục” nên giờ không có lương hưu. Thu nhập hiện tại của ông dựa vào nghề ký họa chân dung. Trước đây, nghề này nở rộ, thu nhập của ông cũng khá, nhưng vài năm trở lại đây đã bị bão hòa và thoái trào. Một phần vì nhiều người vẽ ẩu, lại “chặt chém” nên khách cũng không mặn mà nữa, vì thế thu nhập của người họa sỹ cũng giảm. “Có tối, tôi kiếm được 200.000-300.000 đồng nhưng có hôm không có khách nào, dọn hàng ra rồi dọn vào”, ông Sơn ngậm ngùi. 

Thu nhập giảm, đồng nghĩa với việc ông phải cắt giảm chi tiêu. Nhiều người rất ngạc nhiên bởi giữa lòng Thủ đô mà một ngày ông chỉ ăn hết 25.000 đồng, bởi mỗi tháng ông đặt nhiệm vụ cho mình là phải gửi về cho vợ con 3 triệu đồng. 

Nghèo vẫn phải giữ cốt cách

Họa sỹ Phan Thái Sơn chia sẻ, mình kiếm tiền mưu sinh là một chuyện nhưng cũng cần có đam mê và phải có nguyên tắc sống. Theo ông để vẽ một bức ký họa đẹp cái khó nhất là khắc họa thành công đôi mắt. Chỉ trong khoảng 10-15 phút, người vẽ phải phác thảo được cái thần và đặc điểm nổi bật nhất của khuôn mặt. Niềm vui của người họa sỹ là khi hoàn thành tác phẩm, khách thoải mái và vui vẻ. Nhưng khi khách không hài lòng, ông sẵn sàng không lấy tiền. “Cứ làm tử tế với khách, tôn trọng khách, tự nhiên khách sẽ đến với mình”, ông Sơn bộc bạch. 

Là người đã sống ở phố Hàng Đào lâu năm, chứng kiến những đổi thay của phố và người trong vòng xoáy cuộc sống đô thị ồn ào, ông trăn trở: “Đô thị hóa đang làm phai nhạt và mất dần đi nét văn hóa của người dân phố cổ. Dù mình nghèo, mình thiếu thốn nhưng trong mọi hoàn cảnh vẫn phải giữ được cốt cách của người Hà Nội, phải đàng hoàng và tử tế”.