Ổ dịch Covid-19 mới ở Hàn Quốc và bài học về nới lỏng hạn chế sớm

ANTD.VN - Hàn Quốc được ca ngợi vì đã xử lý hiệu quả dịch Covid-19 sau đợt bùng phát dữ dội đầu tiên. Nhưng ổ dịch mới phát sinh từ các câu lạc bộ đêm vào kỳ nghỉ 1-5 vừa qua ở Seoul đang đe dọa phá hỏng thành công ban đầu. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho những quốc gia bắt đầu nới lỏng phong tỏa. 

Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng một số hạn chế về giãn cách xã hội vào đầu tháng 5 khi số ca nhiễm mới Covid-19 giảm xuống chỉ còn vài người mỗi ngày. Nhưng chỉ sau 2 tuần, đến ngày 14-5, nước này phát hiện 136 ca nhiễm mới liên quan đến các hộp đêm ở quận Itaewon của Seoul. Ước tính, khoảng 5.500 người có thể đã ghé thăm các quán bar và câu lạc bộ đêm vào khoảng thời gian đó.

Ổ dịch Covid-19 mới ở Hàn Quốc và bài học về nới lỏng hạn chế sớm ảnh 1Itaewon, cụm nhiễm Covid-19 mới vốn là tụ điểm ăn chơi có tiếng về đêm ở Seoul, Hàn Quốc

Ổ dịch mới sau khi “mừng chiến thắng” 

Hàn Quốc chưa từng áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nước phương Tây. Khi ổ dịch liên quan đến một giáo phái bùng nổ vào cuối tháng 2-2020 ở thành phố Daegu, các quan chức ở đất nước 52 triệu dân này đã xoay xở “bẻ ngoặt đường cong” bằng các biện pháp hiệu quả nhờ xét nghiệm rộng rãi, sử dụng công nghệ truy tìm liên hệ tiếp xúc kết hợp với sự hợp tác về giãn cách xã hội của người dân. Kết quả, họ ghi nhận gần 11.000 ca nhiễm và không quá 260 người tử vong.

Nhưng chỉ trong vòng 10 ngày mừng vì đã đẩy lùi dịch bệnh và nới lỏng hạn chế, Hàn Quốc đã phải thắt chặt các hạn chế một lần nữa. Thị trưởng Seoul vào ngày 9-5 đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán bar và câu lạc bộ đêm vô thời hạn. Kế hoạch mở lại trường học đã bị trì hoãn.

Có một số lý do để lo ngại về đợt bùng phát mới. Đầu tiên, việc truy tìm dấu vết liên lạc của những người đến cụm hộp đêm Itaewon gặp khó khăn hơn nhiều so với đợt bùng phát hồi tháng 2 liên quan đến giáo phái Shincheonji. Khi các ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng vọt vào đầu năm nay, các nhà chức trách đã thu được một danh sách khoảng 200.000 thành viên của giáo phái này, tạo điều kiện cho họ nhanh chóng tìm ra những người có thể bị nhiễm bệnh.

Thực tế, trước khi bị đóng cửa vào cuối tuần qua, nhiều quán bar và câu lạc bộ ở Seoul yêu cầu khách hàng phải đo thân nhiệt và để lại tên cùng số điện thoại nhưng một số người đã để lại thông tin sai lệch hoặc không đầy đủ. Nhà chức trách Seoul cho biết, họ chỉ có thể liên lạc với khoảng 2.400 trong số khoảng 5.500 người đã đến ổ dịch này. Khoảng 3.000 người chưa liên lạc được sẽ phải truy tìm bằng hồ sơ thẻ tín dụng và nhờ đến sự hỗ trợ của cảnh sát.

Thêm vào đó, một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết, ổ dịch này có liên quan đến các câu lạc bộ đồng tính nam. Sự kỳ thị có thể khiến những ai từng tới các hộp đêm này không muốn ra trình diện bởi họ lo ngại bị phân biệt đối xử. Cơ quan y tế đã khuyến khích mọi người nhanh chóng đi xét nghiệm, có thể ẩn danh bằng cách để lại số điện thoại mà không cần khai tên họ.

Không thể đột nhiên các ca nhiễm trở về số 0

Ông Soonman Kwon, Giáo sư trường y tế công cộng tại Đại học Quốc gia Seoul cho rằng, còn quá sớm để nói rằng cụm hộp đêm Itaewon đáng lo ngại như thế nào, nhưng việc tăng rồi giảm số ca nhiễm mới là không thể tránh khỏi do bản chất của virus. “Chúng ta cần phải chuẩn bị tốt cho các loại ổ dịch nhỏ, vì không thể đột nhiên biến nó thành số 0”, Giáo sư Soonman Kwon nói.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, với đợt bùng phát thứ hai này, Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của hệ thống mà họ đã xây dựng được từ đợt bùng phát đầu tiên. Thật may mắn, Hàn Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong công tác xét nghiệm, theo dõi dấu vết, cách ly người nhiễm bệnh và cách ly những người bị phơi nhiễm Covid-19. 

Các chuyên gia cho rằng, các ổ dịch mới như ở Hàn Quốc có thể là hiện tượng “bình thường mới” khi các quốc gia cố gắng cân bằng giữa kiểm soát đại dịch với tái khởi động nền kinh tế. “Một trường hợp duy nhất ở bất cứ nơi nào cũng có thể dẫn đến một ổ dịch. Có khả năng các quốc gia sẽ tiếp tục trải qua các đợt dịch và có lẽ sẽ cần phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội nhằm dập ngay các ca nhiễm mới lần nữa”, Tiến sĩ Gavin Yamey, Giám đốc Trung tâm tác động chính sách đối với sức khỏe toàn cầu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Duke ở Durham, Bắc Carolina, Mỹ nhận định. “Có thể chúng ta sẽ thấy các chu kỳ nới lỏng hạn chế rồi thắt chặt lại cho đến khi đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng nhất định nhờ vaccine hay nhiều người đã nhiễm bệnh và phục hồi”, Tiến sĩ Gavin Yamey nói.

Sự bùng phát ổ dịch mới ở Hàn Quốc cho thấy tất cả các quốc gia, ngay cả khi họ đã kiểm soát được dịch bệnh của mình, vẫn phải cảnh giác. Ở những nơi dịch Covid-19 có chiều hướng đã ngăn chặn được, các ca nhiễm mới đã bắt đầu xuất hiện. Ngay như Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc, người ta lại phát hiện có bệnh nhân Covid-19 mới nên chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch xét nghiệm cho toàn bộ 11 triệu cư dân. 

Ổ dịch Covid-19 mới ở Hàn Quốc và bài học về nới lỏng hạn chế sớm ảnh 2Thanh niên ở Milan, Italia hưởng không khí nới lỏng hạn chế vào cuối tuần qua

Cảnh giác với đợt bùng phát thứ hai

Trong khi Thủ đô của Hàn Quốc đã đóng cửa hơn 2.100 quán bar vì ổ dịch mới vào cuối tuần qua, Đức cũng đang lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh tại các lò mổ còn chính quyền Ý lo lắng rằng mọi người đã trở nên quá thân thiện vào cuối tuần đầu tiên khi nước này nới lỏng hạn chế.

Cả Đức và Hàn Quốc đều đã được ca ngợi vì tránh được những cái chết hàng loạt trong đại dịch này nhưng ngay cả ở các nước này, chính quyền đã phải đấu tranh với việc cân bằng giữa việc cứu mạng người và duy trì việc làm. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, châu Âu phải thừa nhận rằng họ chưa có sự chuẩn bị kỹ cho một đại dịch bùng phát như vậy. 

Trên khắp thế giới, Mỹ và các quốc gia khó khăn khác đang vật lộn với cách làm giảm bớt sự kiềm chế đối với hoạt động kinh doanh và hoạt động công cộng mà không khiến virus quay trở lại. Ở Mỹ, chính cấp cao nhất của Nhà Trắng đã khuyến khích mở cửa trở lại, bất chấp lời khuyên của các chuyên gia kiểm soát dịch bệnh hàng đầu. Làn sóng truyền nhiễm thứ hai là nguy cơ mà chính quyền nhiều nước phải đối mặt khi họ cố gắng mở lại nền kinh tế. 

Trong một đại dịch chưa từng có tiền lệ, việc thực thi quy định thời kỳ mở cửa trở lại cũng không tránh khỏi sự lúng túng. Carlo Alberto, chủ sở hữu của TabaCafe, một quán bar của Argentina cho biết, kể từ khi mở lại vào tuần trước, anh đã bị cảnh sát dọa phạt tiền vì đám đông đứng trước quán bar. “Lẽ nào tôi phải đuổi họ về. Cảnh sát phải cử người bảo vệ tới đây để làm điều đó. Quy định không rõ ràng, chúng tôi không thể biết được làm gì và không được làm gì”.

Ở những nơi khác, Pakistan cho phép các cửa hàng, nhà máy, công trường xây dựng và một số doanh nghiệp khác mở cửa lại hôm 9-5, dù trong ngày vẫn có 1.600 ca nhiễm mới và 24 trường hợp tử vong. Thủ tướng Imran Khan cho biết, Chính phủ buộc phải nới lỏng hạn chế vì không thể hỗ trợ hàng triệu gia đình phải kiếm sống hàng ngày. Họ sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trở lại nếu người dân không tuân theo các hướng dẫn về giãn cách xã hội.

Ở Tây Ban Nha, khu vực nào chứng minh được rằng các bệnh viện của họ đã sẵn sàng ứng phó với đợt dịch thứ hai có thể giảm bớt hạn chế. Từ đầu tuần này, hầu hết quán bar và nhà hàng ở khu vực nông thôn sẽ được phép hoạt động  50% công suất, nhưng 2 thành phố lớn Madrid và Barcelona, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch sẽ vẫn bị đóng cửa. “Đại dịch đang có chiều hướng giảm bớt nhưng cũng có nguy cơ  bùng phát một đợt dịch khác sẽ gây ra thảm họa nghiêm trọng hơn nhiều. Trách nhiệm của mỗi cá nhân là rất quan trọng”, quan chức y tế nước này Fernando Simón nhấn mạnh.

“Một trường hợp duy nhất ở bất cứ nơi nào cũng có thể dẫn đến một ổ dịch. Có khả năng các quốc gia sẽ tiếp tục trải qua các đợt dịch và có lẽ sẽ cần phải áp dụng lại các biện pháp giãn cách xã hội nhằm dập ngay các ca nhiễm mới lần nữa. Có thể chúng ta sẽ thấy các chu kỳ nới lỏng hạn chế rồi thắt chặt lại cho đến khi đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng nhất định nhờ vaccine hay nhiều người đã nhiễm bệnh và phục hồi”

Tiến sĩ Gavin Yamey (Viện Sức khỏe Toàn cầu Duke ở Durham, Bắc Carolina, Mỹ)