Nhưng tình huống như thế này thì thử hỏi bạn có muốn chuyển từ nhà mặt đất về chung cư không? Buổi chiều, bạn vừa tung tẩy đi dọc hành lang thì phải lùi người né vội. Một bà mẹ trẻ, tuổi nhang nhác con gái của bạn, chẳng nói chẳng rằng đẩy bạn sang một phía để cô ta xách túi đồ (khá to và nặng) để đi cho khỏi vướng. Bạn là người chan hòa nên vội lên tiếng: “Đi đâu mà cồng kềnh thế cháu?”. Không đáp lại, thay vào đó là một ánh mắt “hình viên đạn”.
![]() |
Ở chung cư đang trở thành một xu hướng đối với người Hà Nội |
Xu hướng mới và lối sống mới
Ở chung cư đang trở thành một xu hướng đối với người Hà Nội. Nói cách khác, ở chung cư là lối sống mới trong một đô thị hiện đại, đặc biệt đối với những công dân trẻ. Cư dân nơi đây đa phần là công chức Nhà nước, người cao tuổi nghỉ hưu, người các tỉnh lên Hà Nội học tập và làm việc. Với những đối tượng ấy nhà chung cư xem ra là rất hợp lý.
Khác với nhà tập thể cũ, chung cư cao tầng hơn, đông dân, nhưng lại khép kín hơn. Sống ở chung cư nghĩa là sống trong một môi trường với rất nhiều tiện ích và cũng có rất nhiều hộ gia đình nên thường xuyên chạm mặt nhau. Chạm mặt ở sảnh, chạm mặt ngay trước cửa, chạm mặt ở cầu thang máy, chạm mặt ở chỗ để xe, kể cả chạm mặt ở chỗ đổ rác. Ở chung cư đa phần là những cặp vợ chồng trẻ thường do bố mẹ có điều kiện nên cho ra ở riêng, hoặc do có thu nhập khá. Người mua đứt căn hộ có. Người thuê ở có. Người mua đứt thường có thái độ chan hòa bởi dù sao họ cũng có ý thức căn hộ mà họ đang ở là “ngôi nhà” của mình. Nhưng những người thuê ở thường có thái độ lạnh nhạt bởi họ có suy nghĩ chỉ ở tạm và luôn dè chừng kiểu “hình như người ta đang để ý mình thì phải”.
Ở chung cư đa phần cư dân là những người ban ngày đi làm, tối về chỉ để nghỉ ngơi nên tình trạng “đèn ai nhà nấy rạng” khá phổ biến. Có khi hai căn hộ đối diện nhau mà chủ nhân chưa một lần tường mặt, chưa một lần qua chơi nhà nhau. Bên đi sớm, bên về muộn, nên dù có muốn chào nhau cũng khó bởi khi mình đi làm thì người bên kia còn chưa ra cửa.
![]() |
Sống ở chung cư nghĩa là sống trong một môi trường với rất nhiều tiện ích |
Ở chung cư không có nghĩa là xa rời chuyện xã hội
“Đấy cũng là nỗi khổ ông ạ” - người cháu họ “than” với tôi như vậy. Đứa cháu cho biết, căn hộ đối diện gần như chuyển đến ở đồng thời với cháu tôi nhưng 2 nhà chưa một lần giáp mặt. Dĩ nhiên, chuyện giáp mặt thì không vấn đề gì, nhưng có lần bà giáo Hồng (gọi thế vì trước kia bà là cô giáo cấp 3) được bà con trong chung cư tín nhiệm bầu vào Ban quản lý, tìm đến căn hộ đó để nhắc nhở chuyện đóng góp vào quỹ khuyến học của tòa nhà. Chẳng là năm học đã kết thúc, ban quản lý chung cư có ý định tổ chức một cuộc tuyên dương các cháu học sinh trong tòa nhà để khuyến khích, đồng thời thắt chặt tình cảm cư dân. Bà Hồng nhiều lần đến căn hộ đối diện với căn hộ của cháu tôi để “nhắc nhở” chuyện nộp bản phô tô giấy khen của con họ, đồng thời vận động đóng góp quỹ khuyến học. Thấy bà Hồng đi lại nhiều lần nên cháu tôi xin đóng hộ, nhưng bà Hồng không nhận. Bà bảo: “Để họ đóng cho có trách nhiệm”. Thế là cháu của tôi cứ rập rình suốt tối, cuối cùng cũng gặp được gia chủ. Nhưng thay vì câu cảm ơn thì người chủ nhà đó sẵng giọng buông câu “biết thế” rồi đóng sập cửa lại. Thật buồn!
![]() |
Ở chung cư là sinh sống với mối quan hệ cộng đồng sẽ giúp chúng ta không bị nhàm chán, không bị “giam lỏng” trong căn hộ của mình |
Chỉ vì những phiền phức vụn vặt
Không thích tiếp xúc với hàng xóm đang là một cách sống của nhiều gia đình trẻ. Theo họ thì bên trong căn hộ của mình đã đầy đủ mọi thứ. Thói quen đi chợ một lần dùng cho cả tuần đang phổ biến. Có đầy đủ mọi thứ rồi thì cần gì đến chuyện có bữa nhỡ nhàng, thiếu cái gì đó thì gõ cửa nhà bên hỏi vay, hỏi xin. Lại có người cho rằng, cư dân chung cư hiện nay khá đa dạng và phức tạp, biết người ta như thế nào? Thôi thì cứ đóng cửa cho lành, cho yên tâm.
Quả tình cư dân chung cư hiện nay đúng là rất đa dạng, những người trước kia chưa từng sinh sống ở môi trường kiểu tập thể cũng có, người thường xuyên sống trong môi trường tập thể cũng có, người từ các địa phương khác về sống cũng có. Có người “vô tư” đến mức thấy ai đó đi qua là nhìn kiểu như theo dõi cũng có. Người “vô tư” thấy nhà bên cửa mở nên đi ngang qua thì dừng lại hồn nhiên ngó vào cũng có. Những cử chỉ đó làm người ta phát ngại mà “đóng cửa” và “ngoảnh mặt làm ngơ”. Khổ thế đấy!
Tắt lửa tối đèn có nhau
Nhưng cho dù ở chung cư hay ở nhà mặt đất thì có bỏ được nhưng mối quan hệ hàng xóm đâu. Tôi được nghe một câu chuyện như sau. Một sáng, khi mọi người trong tòa nhà đã đi làm hết, cô giúp việc cho một căn hộ hốt hoảng lao ra hành lang đập cửa mấy nhà bên cạnh nhờ giúp đỡ. Thì ra chủ nhà của cô bị đột quỵ, cô sợ quá nhoáng nhoàng kêu cứu. May mà 1 căn hộ gần đó có người ở nhà. Người hàng xóm tốt bụng đã nhanh chóng sang sơ cứu rồi gọi xe cứu thương giúp nên ông chủ bên đó tai qua nạn khỏi. Thử hỏi, nếu người hàng xóm kia cứ dửng dưng và đóng sập cửa nhà mình lại thì sẽ như thế nào?
Ở chung cư, theo tôi, kiểu gì cũng không bỏ được mối quan hệ cộng đồng. Đó là mối quan hệ có gốc rễ lâu đời và là đặc tính của người Việt Nam. Đã đành ở chung cư là sinh sống với một điều kiện mới, hiện đại và tiện ích, nhưng mối quan hệ cộng đồng sẽ giúp chúng ta không bị nhàm chán, không bị “giam lỏng” trong căn hộ của mình. Những người ở quê lên chung cư trông cháu cho con, những người già được con cái đón về để tiện chăm sóc, những đứa trẻ cả ngày chỉ biết đi học và tối mới về căn hộ cùng bố mẹ… đó là những đối tượng rất cần được giao lưu, tiếp xúc, được vui chơi, trò chuyện. Mối quan hệ hàng xóm sẽ giúp họ xóa đi mặc cảm xa cách, xóa đi những phiền muộn tuổi già, làm gần lại những tình cảm người với người. Và tôi nhận ra, ở chung cư vẫn rất cần hàng xóm.