“Nút chặn” xung đột

ANTĐ - Thực hiện nghiêm luật pháp trong mỗi quốc gia hay luật pháp quốc tế có thể giúp ngăn chặn các cuộc xung đột bạo lực, chiến tranh ở cấp độ quốc gia, khu vực hay quốc tế.

Cuộc xung đột ở Syria cần được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc gia này

Đó là thông điệp quan trọng nhất đúc rút từ Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng LHQ khoá 67 về quy định pháp luật ở cấp quốc gia và quốc tế diễn ra ngày 24-9. Đây là hội nghị đầu tiên của LHQ kể từ năm 2005 nhằm thúc đẩy việc thực hiện quy định pháp luật ở hơn 150 nước, đề cao vai trò của luật pháp trong ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy phát triển bền vững. 

Hội nghị cấp cao LHQ đã thông qua tài liệu, trong đó nhấn mạnh tới bình đẳng chủ quyền của tất cả các nước, quyền tự quyết của các dân tộc mà không chịu sự thống trị thực dân và chiếm đóng của nước ngoài, không can thiệp công việc nội bộ của các nước khác, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản. Hội nghị cũng kêu gọi các chính phủ và nhà nước không ban hành các biện pháp kinh tế, tài chính và thương mại đơn phương để không cản trở sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển. 

Hội nghị bàn về các vấn đề luật pháp của LHQ diễn ra trong bối cảnh không ít cuộc đối đầu, mâu thuẫn trong nội bộ các quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau đã leo thang, biến thành các cuộc xung đột bạo lực và chiến tranh. Một trong những nguyên nhân quan trọng là các bên mâu thuẫn, xung đột phớt lờ luật pháp, đặc biệt là ỷ vào sức mạnh để đơn phương áp đặt ý chí, lợi ích của mình cho đối phương.

Lướt qua các cuộc xung đột và chiến tranh hay đối đấu vừa qua cũng như hiện nay ở Libya, Syria, Iran... có thể thấy rất rõ sức mạnh bạo lực luôn được coi là công cụ quyết định để giải quyết vấn đề, cho dù vẫn còn dư địa cho đàm phán, thương lượng hoà bình. Ngay trong vấn đề hạt nhân của Iran hiện nay, các bên liên quan cũng thi nhau lên tiếng đe nẹt về việc sẽ tung đòn “tấn công phủ đầu” dù con đường đàm phán hoà bình chưa hẳn đã bế tắc.

Tình hình tại châu Á-Thái Bình Dương hiện cũng hết sức căng thẳng bởi các bên liên quan thay vì ngồi lại đối thoại lại muốn ỷ vào sức mạnh để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Sức nóng trên Biển Đông chắc sẽ được giảm đi rất nhiều nếu các bên liên quan đối thoại giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Luật Biển năm 1982 của LHQ hay các thoả thuận như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Vì thế, phát biểu tại Hội nghị cấp cao ngày 24-9, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã khẳng định cơ quan luật pháp quốc tế của LHQ tạo cơ sở cho cộng đồng quốc tế để hợp tác và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột cũng như các phương tiện để đảm bảo không tái diễn xung đột. Trong một hội nghị về vấn đề này trước đó, người đứng đầu LHQ cũng đã nhấn mạnh rằng, tổ chức hoà bình và an ninh lớn nhất hành tinh này cần mở ra một kỷ nguyên mới tôn trọng các quy định luật pháp trên mọi lĩnh vực, từ hòa bình và an ninh đến thương mại và phát triển, từ các vùng biển quốc tế đến các cộng đồng khu vực. 

Cùng quan điểm, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 67 mới nhậm chức Vuk Jeremic cũng khẳng định tầm quan trọng của thực hiện luật pháp quốc gia và quốc tế, đồng thời bác bỏ những quan điểm coi luật pháp quốc tế chỉ như một khát vọng không tưởng trong vấn đề thế giới hiện nay. 

Dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 67: Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, xây dựng và có trách nhiệm

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, từ ngày 27-9 đến 2-10-2012, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 67 tại New York (Mỹ).

Theo chương trình nghị sự, khóa họp năm nay dự kiến thảo luận các biện pháp thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trong đó có tình hình Syria, vấn đề Palestine, vấn đề hạt nhân của Iran; đẩy mạnh việc thực thi các điều ước, cam kết quốc tế đối với vấn đề an ninh toàn cầu… 

Việt Nam tham dự khóa họp lần này nhằm thể hiện vai trò tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc của Liên hợp quốc, tăng cường quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ đồng thời phối hợp thúc đẩy các quan tâm, lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển.