Núp sau “đội quân” bán dạo

ANTĐ - “Hai mươi nghìn” - tôi trả giá. “Đúng hai nhăm, chú không thể mua được hộp kẹo nào với giá thấp hơn thế đâu” - nó quả quyết. Liếc mắt ra đằng sau, thằng bé bỏ nhỏ vào tai tôi: “Chú chỉ cần đặt hộp kẹo này trên bàn, sẽ không có đứa nào tới làm phiền chú nữa”. Trên đây là mẩu đối thoại giữa tôi và chú bé bán kẹo cao su tại một quán bia trên phố Tăng Bạt Hổ. Có hàng trăm đứa trẻ như vậy đang ngày ngày lang thang kiếm sống khắp các quán nhậu ở đất Hà thành.

Khi khu vực này vắng khách, các em được chở đến địa điểm khác

Những chiêu tiếp thị

Có lẽ tất cả các hãng sản xuất kẹo cao su cũng không bao giờ ngờ rằng, mọi kinh nghiệm được họ phổ biến cho nhân viên nhằm giới thiệu sản phẩm tới tay khách hàng lại khó lòng vượt qua mánh lới của những chú bé bán dạo. Với một chiếc rổ nhựa con con, chúng len lỏi giữa những mùi vị xào nấu thơm phức, những âm thanh lách cách của cốc chén, bát đĩa, những tiếng zô trăm phần trăm của thực khách để bán từng hộp kẹo nhỏ với giá 25 nghìn đồng. Sự xuất hiện của một chú bé nhếch nhác đến tội nghiệp, hay một ông già tập tễnh nghèo khổ đúng lúc người ta đang ngợp trong sự vui vẻ hoặc thăng hoa bởi chất men sẽ dễ dàng khiến thực khách móc hầu bao để chi một khoản tiền lớn gấp đôi cho cùng một món hàng mà ít khi họ mua lúc tỉnh táo. 

Tất nhiên để bán một thứ sản phẩm không hề “hợp cạ” với bữa nhậu cho những vị khách đã lừng phừng hơi men đôi lúc cũng có những trục trặc. Đó là họ sẽ từ chối thẳng thừng. Đây là lúc bài học thứ 2 được mang ra áp dụng: Đeo bám. Cháu cứ đứng thật lâu, thậm chí áp dụng chiêu thức ra đấm lưng cho khách để kỳ kèo, thế là các chú ấy sẽ hết bực mình. Nếu bàn nào có các cô phụ nữ ngồi cùng thì mọi sự sẽ dễ dàng hơn - thằng bé lém lỉnh nói. Thế nên trung bình một ngày cháu bán lãi được khoảng 500 - 600 nghìn đồng tiền kẹo. Ngày cao điểm có thể tới 800 nghìn đồng. Con số chú bé đưa ra khiến tôi giật mình. Như vậy, ít nhất một tháng chú bé này thu nhập không dưới 15 triệu đồng từ tiền bán kẹo cao su. Gấp 3 lần lương công chức. Tuy nhiên, số tiền ấy lại thuộc về người khác.

Bán được, các em ra nộp tiền cho người đàn bà ngồi ở quán nước gần đó, rồi lấy thêm kẹo để bán

Trăm sự tại nghèo

Chú bé ấy tên Trung, nó là đứa bé dễ gần nhất trong gần 10 đứa trẻ bán kẹo mà tôi từng cố gắng tiếp xúc nhưng… bất thành. Hầu hết những đứa trẻ này đều rất khó gần và khó tìm hiểu về gia cảnh. Ngoài việc mời mọc khách mua kẹo, dường như có một điều luật bất thành văn là chúng không được nói thêm bất cứ chuyện gì khác. “Bán xong là đi, thậm chí nếu khách cho tiền cũng sẽ không đứa nào chịu nhận. Nếu cháu nhận tiền, chủ quán sẽ nghĩ cháu là ăn xin, quấy rầy khách, như thế họ sẽ đuổi thẳng” - Trung nói. Trung năm nay 12 tuổi quê ở thôn 3 xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa (nếu những lời nó nói với tôi là đúng). Cháu bỏ học lâu rồi, nhà cháu nghèo lắm, thế nên cháu ra đây bán kẹo lấy tiền giúp mẹ nuôi em”, Trung kể. 

Trung ra Hà Nội đã nửa năm nay, nó đi theo một thanh niên mà khi tôi hỏi, nó nhất định chỉ cho biết: “Đó là anh cháu”. Còn hỏi anh ruột hay anh họ thì chú bé chỉ… cười. Một hộp kẹo mua vào có giá 10.500 đồng, hàng ngày Trung được “ông anh” giao cho một rổ khoảng 30 hộp và chở xe máy đến các tụ điểm ăn uống để “bán hàng”. “Anh” nó thì ngồi cách đấy khoảng 50m để làm “tư vấn giám sát”.

Để hiểu thêm về “công việc” của những chú bé này, chúng tôi quyết định bám theo và thấy rằng, lịch làm việc của những đứa trẻ như Trung khép kín như sau: Công việc bắt đầu từ 12h trưa tới 15h chiều ở các quán bia Tăng Bạt Hổ. Sau đó nghỉ ăn cơm và tiếp tục ca 2 lúc 19h từ tuyến phố Xã Đàn, Phạm Ngọc Thạch sang khu phố cổ của quận Hoàn Kiếm tới 1h sáng. Hết thời gian này, tất cả được đưa về khu ở trọ để tắm giặt, ăn tối và đi ngủ cho tới 10h sáng ngày hôm sau. Một thanh niên làm nhiệm vụ “xe ôm” (đôi khi thay vào đó là một ông già) có trách nhiệm chở 2 -3 đứa trẻ đến từng tụ điểm để thu tiền và bổ sung hàng sau mỗi 20 phút. Điều đó cũng có nghĩa là, toàn bộ số tiền bán hàng đều được quản lý rất chặt chẽ. “Cháu chỉ đi bán thuê thôi chứ không được cầm tiền, mỗi tháng anh cháu trả cho cháu 1,5 triệu đồng và nuôi ăn ở hàng ngày. Ở quê cháu, số tiền ấy người lớn kiếm ra cũng khó chứ nói gì đến trẻ con. Đi bán thế này thích hơn, vừa có tiền vừa đỡ phải đi học” - Trung nói với tôi như vậy.

Kiểm tra hành chính tại căn nhà nhóm Nguyễn Ngọc Nhất thuê trọ

Theo dấu “cái bang”

Kể từ khi Hà Nội ra tay dẹp mạnh nạn ăn xin đeo bám khách, thì đội ngũ “cái bang” dần dần thay đổi chính mình để “thích nghi với thời cuộc”. Đó là điều chúng tôi kết luận sau khi nắm được toàn bộ quy trình bán hàng của những đứa trẻ bị lợi dụng này. Đơn giản, thay vì lợi dụng sự nhếch nhác, bẩn thỉu hay bệnh tật của mình để gây sự thương hại nhằm kiếm 5 - 10 nghìn đồng (số tiền mà người ta dễ bố thí nhất) thì chúng chọn phương án bán kẹo. Cách này cũng kiếm được số tiền tương đương, thậm chí nhiều hơn mà vẫn lịch sự và không bị người ta ác cảm. Tuy nhiên, để bán được một hộp kẹo với giá đắt gấp đôi, những “cái bang hiện đại” vẫn phải chọn đối tượng bán hàng là trẻ con và người già để đánh vào lòng trắc ẩn của thiên hạ.

Để tránh “giẫm chân” nhau trong việc bán hàng, giữa các nhóm này đều có sự phân chia lãnh địa làm ăn. Bằng chứng là tại tất cả những tụ điểm ăn uống mà chúng tôi bám theo Trung, chỉ có sự hiện diện của cậu bé này cùng 1 bé gái khác và 1 ông già cụt chân. Tất cả đều được “bảo kê” bởi 1 thanh niên khoảng 27 tuổi. Sau 23h đêm khi những quán ăn bắt đầu vãn khách cả nhóm được thanh niên này đưa về tập trung tại ngã tư Hàng Giấy -  Hàng Khoai để bắt đầu ca làm việc cuối cùng trong ngày ở khu phố cổ. Theo quan sát của chúng tôi, đây là tụ điểm tập trung cuối cùng của một nhóm chuyên “nuôi” trẻ em và người già để bán hàng thuê do vợ chồng Nguyễn Ngọc Nhất và Tô Thị Thủy (trú tại Quảng Xương, Thanh Hóa) đứng đầu. Vợ chồng Nhất - Thủy chịu trách nhiệm nuôi các ông già trong nhóm và hỗ trợ đắc lực cho 2 vợ chồng này là bà Bùi Thị Là (mẹ Thủy - SN 1962) phụ trách việc thuê trọ và nuôi những đứa trẻ. Mọi việc thu chi, trả lương hay mua hàng đều do cặp vợ chồng này đứng ra đảm nhiệm. “Đại bản doanh” mà cả nhóm này tá túc là một căn nhà không số, lợp phibro-ximăng nằm khá hẻo lánh quay mặt ra sông Hồng tại ngõ 124 đường Âu Cơ, phường Tứ Liên, Tây Hồ.

Khó xử lý

Cùng đi với Đại úy Đinh Tiến Đại - Phó trưởng công an phường Tứ Liên chúng tôi đã có buổi thâm nhập trực tiếp vào nơi ăn chốn ở của nhóm “cái bang hiện đại” này. Mặc dù đã hơn 10h sáng nhưng căn nhà vẫn đóng cửa im ỉm. Vỏn vẻn chỉ có 1 chiếc giường với chăn chiếu cáu bẩn, quần áo trẻ em và vỏ hộp carton đựng kẹo vứt bừa bãi, trên đó là Nguyễn Ngọc Nhất xăm trổ kín người đang ngủ vùi. Trên căn gác xép chật chội là ông lão cụt chân Trần Ngọc Hải (SN 1942, trú tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa) và ông Mai Văn Tuất (SN 1946 trú tại Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn đang “say giấc nồng”.

Phải mất tới 5 phút, tất cả thành viên vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Hay tin có CSKV tới kiểm tra tạm trú, cả nhóm mới cuống cuồng đi tìm giấy tờ tùy thân. Ông Hải phân bua: “Tôi già cả quá rồi nên cũng chẳng còn giữ được CMND nữa, các chú thông cảm”. Nói rồi, ông bỏ ra ngoài sân hút thuốc lào sòng sọc. Trong nhóm bán thuê cho vợ chồng Nhất - Thủy thì ông Hải là người được ăn lương cao nhất, 3 triệu đồng/ tháng. Ấy là bởi vì ông cụt chân, mắt lại mù dở nên bán được nhiều. Gia cảnh khó khăn, con cái nghèo túng không nuôi nổi cha nên khi được vợ chồng Nhất “tuyển mộ”, ông Hải lập tức ra Hà Nội gia nhập đội quân bán kẹo. “Thu nhập ấy là quá ổn, lại được bao tiền ăn ở, chú bảo thân già như tôi còn muốn gì hơn” – ông nói.

Đại úy Đinh Tiến Đại cho biết: Nhất là đối tượng đã có một tiền án bị TAND huyện Quảng Xương xử 15 tháng tù. Hiện vợ chồng Nhất - Thủy thuê nhà tại địa bàn và trong giấy tạm trú khai báo là hành nghề “xe ôm”. Mặc dù biết đây là một nhóm chuyên nuôi trẻ em và người già đi bán hàng thuê, nhưng công an phường rất khó xử lý bởi anh ta cũng chưa hề có hành vi vi phạm pháp luật. Mặc khác, việc sử dụng trẻ em bán hàng theo kiểu bóc lột cũng rất khó chứng minh vì ngay cả cha mẹ những đứa trẻ ấy cũng đồng ý cho con em họ đi làm như vậy. “Trên địa bàn phường ít nhất có 3 nhóm như vậy, nhưng chúng tôi cũng chỉ biết đưa vào diện quản lý chứ chưa có chế tài nào để xử phạt cả”, Đại úy Đinh Tiến Đại cho hay.

Dường như biết rõ điều đó nên cả ông Hải, ông Tuất cũng khá ung dung. Mặc cho sự có mặt của chúng tôi, các ông cứ điềm nhiên rửa mặt, đánh răng và chuẩn bị cho một buổi làm việc mới. Có lẽ tối nay, tôi sẽ lại gặp các ông ở đâu đó trên những quán ăn của Hà Thành để rồi thấy các ông đến kỳ kèo: Chú ơi, mua cho tôi lọ kẹo.