Nuốt mật: Coi chừng!

ANTĐ - Chỉ cần nghe truyền miệng và với một niềm tin tuyệt đối rằng, ăn mật động vật sống có thể chữa được đủ thứ bệnh, nhiều người đã nhắm mắt tống vào dạ dày bất kể đó là loại mật gì. Hậu quả là, sau khi dùng “tiên dược” bệnh cũ chưa kịp khỏi thì nhiều người đã đi viện vì ngộ độc.

Nhiều người có thói quen pha tiết, mật vào rượu để uống 
mà không lường trước được nguy cơ mắc bệnh

Không bổ dọc thì bổ ngang

Không biết từ bao giờ, hễ đau lưng, nhức mỏi, mắt mờ… hay kể cả  muốn tăng cường năng lực phòng the, người ta lại khuyên nhau dùng mật động vật. Cái túi mật bé tí tẹo màu xanh nằm lẫn trong lục phủ ngũ tạng của con vật bị giết thịt tự nhiên được gán cho đủ thứ công dụng để chữa trị các triệu chứng bệnh lý. Thậm chí chẳng cần đau ốm, nhưng với cách nghĩ, cứ ăn mật, uống mật động vật thì không bổ chỗ này cũng bổ chỗ kia, nhiều người vẫn nhắm mắt nuốt vào bụng đủ loại mật từ mật gấu, ba ba, trăn, rắn cho đến loại không mất tiền có thể xin được như mật cá chép, cá trôi, dúi, lợn...

Ngày 3-4 Khoa chống độc Bệnh viện đa khoa Hải Dương đã cứu sống một bệnh nhân là bà Nguyễn Thị M, 50 tuổi ở Hiến Thành, Kinh Môn, Hải Dương. Trước đó bà M nhập viện với triệu chứng ngộ độc nặng. Sau 6 ngày được điều trị bằng các phương pháp truyền dịch, lợi tiểu, hồi sức tế bào gan, thận bệnh nhân đã dần hồi phục.

Thông tin từ gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó do bắt được con cá trắm nặng 5kg, với suy nghĩ nuốt mật cá trắm sẽ chữa được nhiều loại bệnh nên sau khi mổ cá, bà M đã nhắm mắt nuốt chửng túi mật. Vài tiếng sau, bà M ôm bụng quằn quại rồi xuất hiện các biểu hiện ngộ độc như nôn mửa, tiêu chảy liên tục kèm hoa mắt, đau đầu. Do suy nghĩ đơn giản là ngộ độc thực phẩm nên người nhà chỉ đưa bà M ra trạm xá xã để truyền dịch. Tuy nhiên, các triệu chứng không đỡ mà lại có chiều hướng tăng nặng hơn. Đến lúc này gia đình mới hoảng sợ và đưa nạn nhân lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Theo bác sỹ Nguyễn Khải Hoàn – Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngộ độc Alcol steroid 27 Carbon – một loại độc tố có trong mật cá. Loại độc tố này có thể gây tổn thương gan, thận cấp, phù phổi, phù não cấp tính hay hoại tử ống thận dẫn đến suy gan, suy thận. Nặng hơn bệnh nhân có thể tử vong.

Cùng với mật, dân nhậu xưa nay vẫn có thói quen pha tiết các loại động vật vào rượu. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, chảy máu chân lông do uống rượu pha tiết rắn. Sau đó, vài hôm bệnh viện lại tiếp nhận thêm cùng lúc 12 bệnh nhân khác nhập viện do uống rượu pha tiết trăn. Đa số bệnh nhân đều có biểu hiện không điều khiển được hành vi, buồn nôn, đau bụng, nói líu lưỡi. Thậm chí có người mất cân bằng cơ thể không đi lại được và co giật.

Theo các bác sỹ tại đây thì khi uống rượu pha mật hoặc tiết động vật họ đã vô tình nuốt luôn một lượng độc tố vào trong người. Nếu hàm lượng chất độc nhỏ thì gây kích thích tim mạch, hoại tử các vết thương nội tạng (với những người bị viêm lợi hay đang xuất huyết đường tiêu hóa) dẫn đến nhiễm trùng kị khí. Nếu hàm lượng chất độc lớn có thể gây tử vong. Đó là chưa kể các loại vi khuẩn gây hại khác như tụ cầu khuẩn vàng   Staphylococcus Aureus, vi khuẩn Salmonella, vi khuẩn Shigella và các loại virus, giun sán gây bệnh có trong máu động vật cũng rất dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường ruột.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc lại Trung tâm chống độc tại BV Bạch Mai

Chết vì… nghe nói

Theo Tiến sỹ Phạm Duệ - Giám đốc trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì hiện nay chưa có một tài liệu y học nào khẳng định mật động vật có thể bồi bổ sức khỏe hay chữa bệnh cho con người qua đường ăn uống. Thậm chí ngay cả mật gấu – một loại mật mà theo quan niệm của Đông y là rất quý có thể dùng để điều trị các vết chấn thương cũng không hề có chỉ định điều trị bằng cách ăn, uống. Hiện nay qua đồn thổi, một số trang trại nuôi gấu lấy mật vẫn bán cho các thực khách để pha vào rượu làm đồ nhậu và dân nhậu vẫn cho rằng uống rượu pha mật gấu là rất tốt cho cơ thể. Đây là quan niệm không đúng, bản thân ngành y cũng chưa hề nghiên cứu hay khuyến cáo sử dụng mật gấu theo cách này.

Cũng theo Tiến sỹ Phạm Duệ, việc sử dụng các loại mật ngoại lai có nhiều nguy cơ nhiễm độc. Bản thân Trung tâm chống độc cũng đã cấp cứu cho rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì sử dụng mật động vật, nhiều nhất là do nuốt mật cá trắm. “Bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm nhiều đến mức tôi cũng không thể thống kê hết được. Chúng tôi đã hỏi hầu hết những bệnh nhân này về lý do ăn mật và đều nhận được câu trả lời rất ngô nghê là họ sử dụng chỉ vì: “Nghe nói nuốt mật thì sẽ chữa được nhiều loại bệnh. Tuy nhiên khi chất vấn thêm họ nghe ai nói thì bệnh nhân đều trả lời do truyền miệng từ hàng xóm hoặc bạn bè” – Tiến sỹ Phạm Duệ ngán ngẩm. 

Trong hầu hết các loại động vật thì cá trắm có mật to nhất. Cộng thêm tâm lý không mất tiền mua nên khá nhiều người dân, đặc biệt là bà con ở nông thôn hoặc ngoại thành cứ vô tư sử dụng mà không biết rằng đang đặt chính mình vào tay thần chết. Hầu hết việc ăn, uống các loại mật, tiết động vật đều không mang lại sức khỏe cho cơ thể mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Do đó xét trên nhiều khía cạnh thì việc sử dụng mật hoặc tiết động vật chỉ có hại hơn là có lợi.