Nuốt kẹo cao su có thể tắc ruột

ANTĐ - “Đừng có nuốt kẹo cao su, nó dính ruột con lại đấy”, một số bà mẹ thường dặn con mình như vậy. Theo họ, bã kẹo cao su tích tụ dần trong dạ dày, đến ngày sẽ gây tắc ruột, phải vào phòng cấp cứu. Liệu có khả năng như vậy không? Có thể, mặc dù rất hiếm khi xảy ra, bác sỹ Nitin Gupta, chuyên gia về ruột và dạ dày trẻ em tại Bệnh viện Nhi Sydney, Australia khẳng định.

Khi bã kẹo cao su “chu du”

Để hiểu thêm về nguy cơ có thể gặp nếu nuốt nhiều bã kẹo cao su, chúng ta nên biết về chất liệu làm ra nó. Ban đầu khi mới xuất hiện, kẹo cao su được làm từ nhựa cây, nhưng hiện nay, nó thường là hóa chất tổng hợp. Kẹo cao su được tạo bởi thành phần chất béo, chất nhũ hoá, sáp, chất chống oxy hóa, chất độn, chất tạo màu, hương liệu, chất bảo quản và chất ngọt.

Khi bắt đầu nhai kẹo cao su, cơ thể chúng ta bị lừa bởi nghĩ rằng đó là thực phẩm, nên sẵn sàng cho việc tiêu hóa. Các tuyến nước bọt bị kích thích, giải phóng nước bọt vào miệng, trong khi enzyme bắt đầu tiêu hóa thành phần hòa tan của kẹo cao su (giống như đường). Thông thường, động tác nhai sẽ kích thích nhu động ruột, tuy nhiên, nếu nuốt phải kẹo cao su, nó sẽ xuống thực quản, vào dạ dày, ở đó một vài giờ, nó tiếp tục đi theo ruột, vào trực tràng và ra nhà vệ sinh. Quá trình vận chuyển này tương đối dễ dàng vì kẹo cao su đi cùng với các chất lỏng khác.

Tuy nhiên, có một số người nuốt rất nhiều kẹo cao su, trong một thời gian dài, kết quả là kết tụ thành một khối cục dị vật cứng không tiêu hóa được gọi là bezoar. Nếu họ tiếp tục nuốt kẹo cao su thì từ một cục nhỏ, bã kẹo có thể dính vào, to dần lên. Trường hợp một cô gái Israel 18 tuổi đúng như vậy. Tạp chí Nội soi tiêu hóa mới đây cho biết, các bác sĩ đã phát hiện dạ dày của cô này có một viên tròn là bã kẹo cao su không tiêu hóa được. Cô gái đã nuốt ít nhất 5 chiếc kẹo cao su mỗi ngày trong nhiều năm, vì thế không có gì ngạc nhiên khi cô gái bị đau dạ dày, các bác sỹ phải chia nhỏ viên bã kẹo đó rồi gắp ra từng chút một.

Cẩn trọng với trẻ em

Với trẻ em, biến chứng này hiếm khi xảy ra nhưng nguy hiểm hơn. Lý do là trẻ có thể vô tình nuốt những vật nhỏ xíu khác như cúc áo, đồng xu, nên nếu nuốt phải kẹo cao su, chúng cuộn vào nhau tạo nên cục bezoar lớn hơn. Trong khi ruột của trẻ con hẹp hơn người lớn, nên bezoar đó có khả năng bị mắc kẹt. Tạp chí Nhi khoa đã phản ánh một số trường hợp như vậy. Tất cả đều là trẻ dưới 5 tuổi, chúng đòi ăn kẹo cao su vài lần mỗi ngày và thường quên nhả bã. 2 trong số này phải xử trí bằng cách dùng dụng cụ móc khối bezoar qua đường hậu môn.

Vì vậy, nếu trẻ nuốt phải kẹo cao su, khi nào cha mẹ cần lo lắng? Chuyên gia Nitin Gupta khuyên rằng, nếu bé bị táo bón và bố mẹ biết con mình đã nuốt kẹo cao su, có thể đề cập chuyện này với bác sĩ. Nhưng nếu trẻ nuốt kẹo cao su, xảy ra trường hợp chảy nhiều nước dãi, khó chịu hoặc nôn không kiểm soát được (mật xanh mật vàng), hãy đưa trẻ đến ngay phòng cấp cứu vì có thể đã bị tắc ruột.

Theo bác sỹ Gupta, tốt hơn hết vẫn là làm cho con luôn nhớ: Không được nuốt kẹo cao su.