Nuôi dưỡng sức dân

ANTĐ - Mặc dù vấn đề nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước chiếm phần lớn thời gian làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, nhưng Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2011. Dự kiến, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua một nghị quyết riêng về vấn đề này.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đều đồng tình với đề nghị của Chính phủ cho miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 10-12-2012 đối với cổ tức được chia cho cá nhân từ hoạt động đầu tư vào chứng khoán và góp phần mua cổ phần doanh nghiệp. Ủy ban cũng tán thành việc giảm 50%  mức thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân từ quý III-2011 đến hết năm nay đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ cho thuê công nhân, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân; hộ, cá nhân, trông giữ trẻ. Điều kiện được giảm thuế là các hộ, cá nhân này phải giữ giá ổn định như cuối năm 2010.

Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách khi cho rằng, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp không nên mở rộng mà chỉ giới hạn trong doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là biện pháp tức thời chỉ khoanh gọn trong năm 2011, còn đến năm 2012, nếu còn khó khăn thì sẽ tiếp tục tính toán thêm. Trong lĩnh vực xã hội, đại biểu này đồng tình với ý kiến của Chính phủ. Bởi vì thực ra nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, sản xuất gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử… hết sức khó khăn trong năm 2011.

Những nhóm doanh nghiệp này, thu nhập của người lao động rất thấp, cho nên đình công thường diễn ra nhiều. Chính sách của Chính phủ sẽ hỗ trợ một phần nào đó để doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Chính phủ là nâng lương tối thiểu lên sớm hơn lộ trình để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Về lâu dài, theo đại biểu của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu theo hướng chuyển sang cơ chế trợ cấp trực tiếp. Tức là người dân nào khó khăn thực sự thì Nhà nước trực tiếp lo cho họ, nếu bù chung như hiện nay thì rất khó đánh giá.

Quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách vẫn giữ kiên trì là không đưa chính sách xã hội vào thuế mà chuyển sang cơ chế trợ cấp trực tiếp. Đối với phương án miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thuế thu nhập dưới 10 triệu đồng đang áp thuế suất là 5% và các trường hợp cá nhân có 1-2 người phụ thuộc, thu nhập từ 5,6 đến 12,2 triệu đồng… được miễn thuế hoàn toàn, Ủy ban cho rằng “mức miễn giảm chỉ mang tính động viên, sức lan tỏa của chính sách không lớn”.

Hai điểm chưa thống nhất giữa Ủy ban Tài chính ngân sách với Tờ trình của Chính phủ sẽ được Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dưới hình thức một nghị quyết. Có những ý kiến khác nhau, những điểm chưa đồng thuận và cả những phản biện là điều dễ hiểu và đáng mừng. Điều đó chứng tỏ một chủ trương, chính sách của Chính phủ cần được thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo, nhất là liên quan tới an sinh xã hội. Bởi mục tiêu cuối cùng là giảm bớt khó khăn, nuôi dưỡng sức dân, an dân góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.