Nuôi chồng bị liệt và 3 con ăn học

ANTĐ - Chị Ma Thị Quế, người phụ nữ Tày gần 10 năm nay vừa chăm chồng bị liệt vì viêm đa khớp vừa phải một mình nuôi 3 con nhỏ ăn học. Cuộc đời của chị khổ đến nỗi người trong vùng Khuồi Phát, Kim Quan, Yên Sơn (Tuyên Quang) so sánh “Khổ như Ma Quế”.

Chị Quế cùng các con nhận quà tặng của nhà hảo tâm

1 tuần nên nghĩa

Chị Ma Thị Quế sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở vùng cao Khuồi Phát, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Bố mất sớm, đang học lớp 4, chị ở phải nhà phụ giúp mẹ tàn tật nuôi các em khôn lớn.

Năm 2001, chị bén duyên anh Vàng A Thạch (SN 1983)  - người ít hơn chị 4 tuổi. Chị kể lại: “Ngày 1-2-2001, anh ấy đạp xe xuống chơi. Anh là người ít nói, chỉ ngồi lặng lẽ. Mình bạo miệng hỏi: “Anh ơi, anh tên gì?”, anh đáp: “Anh tên Thạch”. Mình nói ở dưới này con gái thích nói to, phải mạnh dạn hơn”. Từ đó hai người phải lòng nhau. Chị kể, hai người cả gặp gỡ, yêu và lấy nhau chỉ trong một tuần. Đó là cái duyên cái số.

Tháng 10 năm 2001, anh chị sinh con gái đầu lòng. Rồi anh chị có với nhau 3 mặt con (1 gái, 2 trai), bé lớn tên Vàng Thị Phượng (2001); bé thứ hai tên Vàng Văn Toàn (2003) và bé Vàng Văn Dân (2005). Hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, trông chờ vào mấy sào ngô, lúa, con trâu, con lợn để dành dụm tiền nuôi con ăn học. 

Nhưng cái khổ đeo bám vợ chồng chị khi đến năm 2008, anh Thạch bỗng nhiên nằm bất động một chỗ, không cử động được vì căn bệnh viêm đa khớp.

6 năm nay anh Thạch nằm bất động 1 chỗ do căn bệnh viêm đa khớp

Cõng con đi vay tiền chữa bệnh cho chồng

Nhớ lại ngày ấy, chị nói: “Dồn tiền đưa anh đi khám ở Bệnh viện tỉnh Tuyên Quang, bác sỹ bảo anh bị viêm đa khớp. Sau ngày đó, anh không dậy được nữa. Thuốc Nam, thuốc Bắc, cầu cứu tứ phương nhưng không đỡ suốt 10 năm nay, giờ hết hi vọng nên chẳng đi lấy thuốc nữa”.

Chị bán hết bò, lợn, xe máy để chạy chữa cho chồng, anh em họ hàng làng xóm chị cũng nhờ cậy vay được đồng nào hay đồng ấy. “Ngày ấy cõng thằng bé thứ hai đi vay tiền ban đêm cho chồng vào viện nhưng không được. Hỏi bà vãi (mẹ đẻ -PV), bà nói có 700 nghìn thôi cũng mượn tạm “còn nước còn tát”.

Đi lấy thuốc cho chồng phải đi xe máy, có những hôm tối mịt mới về, mình với chị dâu đi ban đêm trời thì mưa tầm tã, áo mưa không có, đường lầy lội, khổ lắm!”, chị nghẹn ngào.

Chị nhớ vài năm trước, 4 chị em khiêng anh Thạch sang sông khám sức khỏe để làm hồ sơ hưởng trợ cấp hàng tháng, lúc sang sông có người hỏi “Chết rồi à”, chị chết điếng người.

Chị kể rằng, nhiều lần tắm cho chồng thấy anh còn da bọc xương, chị vừa thương vừa khóc mà chẳng than được với ai. Lúc anh đau bụng không ăn được, cứ nôn ra chị cũng khóc. Có người nói với chị “sao không bỏ chồng, con để trốn”, chị cương quyết: “Chị không thể làm thế, không bỏ chồng bỏ con mà chạy trốn đâu, số phận của mình đã như thế, chẳng ai muốn như thế cả”.

Cách đây ít hôm, bố chồng chị mất, chị để tang 3 ngày 3 đêm, nước mắt chị không rơi, mọi người hỏi, chị nói: “Cháu khổ lắm rồi, chồng cháu như thế chẳng có nước mắt nữa mà khóc. Bây giờ cháu cứ như thế này thôi, khó khăn như thế nào cháu trải qua hết rồi”.

Đến năm 2009, anh chị được Nhà nước hỗ trợ làm được cái nhà kiên cố như bây  giờ. Cả 5 miệng ăn trông chờ vào 360 nghìn đồng trợ cấp theo diện người tàn tật, 30 nghìn đồng tiền điện diện hộ nghèo và 2 sào ngô, sắn. Chị kể đến nay, anh chị cầm cố sổ đỏ vay lên đến 30 - 40 triệu đồng rồi.

Giờ các con chị có thể giúp chị bón cho bố ăn, nấu nướng đỡ đần công việc hàng ngày cho chị. Gần 10 năm qua, dù suy sụp nhiều nhưng chị vẫn gắng gượng không nghĩ đến cái chết hay bỏ chồng con.

Hỏi chuyện anh Thạch về những ngày tháng đã qua, anh chia sẻ: “Mọi người ăn thế nào thì anh ăn thế, có cơm với muối trắng cũng vui rồi. Giờ chỉ mong đi lại bình thường đỡ khổ cho vợ con. Khổ như thế rồi, giờ chỉ ước làm sao có tiền trả nợ, trang trải cuộc sống. Ngày xưa nhà mình đông anh em không được đi học, anh chị  mình mù chữ, mình may mắn là con út được biết cái chữ nên giờ nghĩ bằng mọi giá cho con đến trường”.

Nghe đến đây, tôi lặng lẽ nhìn quanh “tổ ấm” của chị, chồng chị vẫn nằm bất động, 3 đứa con nhỏ gầy tong teo nhìn chúng tôi ngây ngô. Tôi nhìn bức ảnh cưới mà chị lấy ảnh thẻ từ bằng lái xe của anh ghép lại và ảnh 3 đứa con chị treo ở cột nhà mà xót xa. Đó cũng là đồ đạc “giá trị” đối với chị trong căn nhà tạm bợ.