Nước thải nhà máy sắn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

ANTĐ - Đã nhiều năm nay, khi đi ngang qua địa phận xã Phong An (Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) là cả một mùi hôi nồng nặc hàng kilômét.
Đó là do nước thải của nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế. Nhà máy xả thải vô tội vạ khiến hàng chục hecta lúa, hoa màu bị chết hoặc giảm năng suất.
Nước thải nhà máy sắn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh 1
Cống nhà máy thải thẳng ra ruộng, gây ô nhiễm

Ông Lê Cầm, đội trưởng đội sản xuất số 1 thôn Đông Lâm cho biết, hiện toàn xã có đến 5 ha lúa chịu ảnh hưởng của nguồn nước thải. Những cánh đồng mơn mởn trước đây giờ trở thành cằn cỗi, vàng úa kể từ khi nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế đi vào hoạt động. Cây lúa khi được gieo trồng và chăm sóc vẫn phát triển bình thường, nhưng đến kỳ trổ đồng thì không chịu ra hạt. Trước đây, năng suất lúa của bà con nơi đây đạt từ 3 đến 4 tạ/sào, thì bây giờ mỗi sào chỉ khoảng vài chục cân.

Theo ghi nhận của người dân ở các thôn Đông Lâm, Thượng An, nhà máy thường xả nước thải vào ban đêm hay lợi dụng lúc trời mưa lớn. Nước thải từ cống bắc qua Quốc lộ 1A chảy thẳng ra ruộng. Những cánh gần nguồn nước thải thì không cây nào sống nổi, vàng úa, chết đứng trên diện rộng, coi như mất trắng.

Ông Nguyễn Văn Thành, một hộ dân ở đây cho biết: “Chi phí mỗi sào ruộng từ giống má, phân bón, công cán gieo trồng lên đến cả triệu bạc mà giờ lúa thu về được vài chục cân, còn lại phải bứt cho trâu bò ăn”.

Biên bản phương án hỗ trợ của nhà máy tinh bột sắn và danh sách diện tích
bị ảnh hưởng bởi nước thải 

Theo quan sát của chúng tôi, nước thải từ nhà máy được xả thẳng ra mương, cống với màu đen ngòm, bốc lùi hôi nồng nặc. Không chỉ làm ảnh hưởng đến mùa màng, mùi thôi thối nồng nặc từ các hồ chứa nước thải của nhà máy tinh bột sắn TT- Huế còn làm hàng nghìn hộ dân “nghẹt thở”. Nhiều giếng nước của dân nằm trong khu vực gần nhà máy chuyển sang màu vàng, đặc quánh, không thể sử dụng được.

Trước thực trạng nhà máy tinh bột sắn TT- Huế gây ô nhiễm kéo dài, đại diện HTX NN Đông Lâm đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà máy để có phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân. Phía nhà máy quyết định hỗ trợ 700.000đ/sào để việc be bờ, vôi, thuốc phòng ngừa lem lép hạt trên cây lúa. Tuy nhiên theo người dân thì nhà máy chưa có biện pháp xử lý lâu dài, số diện tích đất ô nhiễm khó có thể tiếp tục canh tác nên họ vẫn chưa đồng ý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc nhà máy tinh bột sắn TT- Huế thừa nhận việc xả thải của nhà máy đã ảnh hưởng đến mùa màng của bà con Đông Lâm. Tuy nhiên, phương án đền bù hỗ trợ vẫn chưa được thống nhất.

Trong khí đó, phía người dân ở xã Phong An lại bức xúc, phía nhà máy đã không chịu hợp tác cùng bà con, nhiều lần người dân đến trụ sở nhà máy để trình bày vụ việc nhưng vẫn không được tiếp đón. Hàng trăm hộ dân đã phải sống chung với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng, ruộng đất cũng không thể canh tác được. Đã nhiều năm nay, người dân đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi những vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.