Nước Nga-cơ hội và thách thức

ANTĐ - Nước Nga đã chính thức bước vào “ngôi nhà chung” WTO - Tổ chức Thương mại Thế giới - với những cơ hội rất lớn mở ra song cũng kèm theo thách thức không nhỏ cho nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới này.

Hàng nông sản của Nga sẽ phải chịu sự cạnh tranh mạnh khi gia nhập WTO

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá, việc chính thức trở thành thành viên thứ 156 của WTO từ ngày 22-8 sẽ mang lại cho nước Nga nguồn lợi trị giá khoảng 918 tỷ USD mỗi năm nhờ các ưu đãi về thuế quan. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho nước Nga nguồn lợi về đầu tư bằng 3% GDP trong 3 năm đầu tiên và 11% GDP (gần 162 tỷ USD) sau 10 năm.

Trong khi đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga xác nhận việc dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu khi tham gia WTO sẽ góp phần tạo thêm 40.000 việc làm mới, làm giảm dần giá hàng tiêu dùng tại Nga trong vòng 3-5 năm tới và còn giảm mạnh hơn sau đó. Về xuất khẩu, Nga được 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và 19 nước khác trên thế giới bãi bỏ hạn ngạch nhập sản phẩm luyện kim từ ngày 22-8, và bắt đầu từ năm 2013 tăng gấp 3 lần hạn ngạch mua gỗ của Nga, từ mức khoảng 8 triệu lên 24 triệu m3...

Song đổi lại, kể từ 23-8, biểu thuế nhập khẩu hàng hóa của Nga bắt đầu giảm từ mức 9,6% xuống còn 7,5-7,8%, riêng thuế nhập các loại thuốc chữa bệnh sẽ giảm từ 15% xuống còn 6,5-5%. Thuế nhập khẩu máy tính các loại và hàng điện tử sẽ được giảm từ 15% xuống còn 7-9% trong 3 năm tới, còn trong vòng 7 năm thì Nga có nghĩa vụ giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 25% xuống 15%.

Những con số trên đây mới chỉ phản ánh một cách tương đối về cơ hội và thách thức đối với Nga, nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới với GDP khoảng 1.900 tỷ USD. Giới chuyên gia nhận định, việc Nga gia nhập WTO là “cuộc chơi 50/50 về tỷ lệ được - mất”. 

Theo các chuyên gia, trong tương lại gần, Nga có thể không được hưởng lợi tức thì vì một số khu vực trong nền kinh tế có thể chịu thiệt hại do nhà nước phải từng bước hạ mức trần thuế quan, đồng thời thu ngân sách có thể giảm. Tuy nhiên, về dài hạn, việc gia nhập WTO sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho việc cơ cấu lại nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng, đặc biệt sẽ giúp Nga thực hiện mục tiêu nằm trong “Top 5” những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nga cũng sẽ được quyền tham gia hoạch định chính sách thương mại toàn cầu. 

Với sự góp mặt của Nga, WTO sẽ chiếm tới 97% hoạt động thương mại toàn cầu nên đây được xem là một bước tiến lớn trong tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu kể từ khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này tháng 12-2001. Là một nền kinh tế lớn, Nga sẽ mang lại cho WTO sức sống mới, thay đổi cán cân quyền lực trong WTO thông qua việc phối hợp lập trường của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trong vòng đàm phán Doha, Qatar về tự do hóa thương mại toàn cầu và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.

Cả Mỹ và EU vì thế đều đã lên tiếng hoan nghênh việc Nga chính thức trở thành thành viên WTO, mang lại những hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế thế giới trong bối cảnh đang phải vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng. Ủy viên EU phụ trách thương mại Karel De Gucht cho rằng, việc một nền kinh tế lớn 1.900 tỷ USD như Nga gia nhập WTO là một sự thúc đẩy lớn đối với nền kinh tế đang suy sụp của châu Âu.