Nước nào giúp Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo DF-41?

ANTĐ - Gần đây, mạng internet Trung Quốc đã xuất hiện những bài viết về “món quà” mà Ukraine từng tặng cho Bắc Kinh, khiến họ có thể phát triển ra tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 và không cần phải sợ hệ thống phòng không giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ sắp triển khai tới Hàn Quốc.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia quân sự Vasily Kashin cho rằng, những suy luận ở các bài phân tích trên là có cơ sở nhưng không phải đúng hoàn toàn.

“DF-41 không thể được coi là một biến thể của bất kì tên lửa nào từng được chế tạo ở Ukraine trong thời kì Liên-xô, mặc dù Trung Quốc đã tìm cách có được các công nghệ quan trọng từ cục thiết kế tên lửa Yuzhmash ở Ukraine”, ông Kashin cho biết.

DF-41 khá giống với tên lửa RT-23 của Liên-xô

Theo ông Kashin, R-36M2 "Voevoda” là tên lửa lớn nhất từng được Liên-xô chế tạo, sử dụng nhiên liệu lỏng, với trọng lượng tên lửa khi phóng là 211 tấn và chỉ có thể được triển khai dưới hầm phóng cố định. Trong khi đó, DF-41 là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được thiết kế thành 2 phiên bản phóng từ hệ thống tàu hỏa và xe chở lưu động. Chính vì vậy, 2 loại tên lửa này không hề có điểm chung. 

Tuy nhiên, chuyên gia Kashin cho rằng, DF-41 lại giống với một tên lửa khác được cục thiết kế Yuzhmash phát triển là RT-23 "Molodets". Cả 2 đều sử dụng 3 tầng nhiên liệu rắn với khả năng mang theo 10 đầu đạn khác nhau.

Ngoài ra, từ những năm 1990, đã có thông tin cho thấy Trung Quốc rất quan tâm đến các công nghệ tên lửa của cục thiết kế Yuzhmash và Yuzhnoe của Ukraine. Đây là thời điểm Liên-xô đã tan rã và Ukraine đương nhiên có quyền quyết định và kiểm soát toàn bộ công nghệ quân sự từng được Liên-xô giao phó trước đây.

Tình trạng kinh tế khó khăn, nạn tham nhũng và mất an ninh của Ukraine được cho là cơ hội giúp Trung Quốc mua được các công nghệ trên khá dễ dàng. Cũng đã có một số trường hợp công dân Trung Quốc bị bắt giữ khi họ cố gắng mua các tài liệu kỹ thuật của Yuzhmash nhưng lại được thả tự do sau đó ít lâu.

Cục thiết kế Yuzhmash và Yuzhnoe của Ukraine hiện không còn hoạt động nhưng vẫn còn sở hữu nhiều tài liệu về công nghệ sản xuất tên lửa và đương nhiên đây là cơ hội không thể tốt hơn cho các quốc gia có tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo.