Nước Mỹ trong thời khắc quyết định Tổng thống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

8ANTD.VN - Nước Mỹ hôm nay (3-11) bước vào thời khắc quyết định không chỉ xem ai là vị Tổng thống thứ 46 mà còn lựa chọn đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội cũng như hơn 1/5 Thống đốc bang cùng các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc.

Việc ông Donald Trump hay ông Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11 sẽ tác động lớn tới chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ

Việc ông Donald Trump hay ông Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11 sẽ tác động lớn tới chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ

Khi nào lộ diện Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ?

Hôm nay (3-11), cử tri nước Mỹ với lá phiếu bầu cử trên tay quyết định đương kim Tổng thống Donald Trump hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden trở thành vị Tổng thống thứ 46 của cường quốc có ảnh hưởng bậc nhất thế giới hiện nay. Tương tự như cuộc bầu cử 4 năm trước, những kết quả sát thềm bầu cử 3-11 cho thấy ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân Chủ dẫn trước ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Thế nhưng, kết quả chung cuộc của những cuộc bầu cử Tổng thống trước đó, như cuộc bầu cử năm 2000 và mới đây nhất là cuộc bầu cử năm 2016, ứng cử viên giành chiến thắng để trở thành chủ nhân của Nhà trắng chính là người chiến thắng tại các bang chiến trường, chứ không phải ở những bang có truyền thống ủng hộ rõ ràng đối với đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ. Trong cuộc bầu cử năm nay, 6 bang chiến trường với tổng cộng 101 phiếu đại cử tri sẽ cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định tới chiến thắng chung cuộc của ông Donald Trump hay ông Joe Biden là: Arizona, Florida, Michigan, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin.

Những cuộc thăm dò dư luận tới sát ngày 3-11 cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ với hai ứng cử viên Donald Trump và ông Joe Biden rất sít sao. Nói cách khác, ranh giới giữa thắng lợi và thất bại của hai ứng cử viên này đều rất mong manh, khó biết ai là người chiến thắng cho đến khi toàn bộ số phiếu bầu qua thư được kiểm xong. Các điểm bỏ phiếu trên toàn nước Mỹ sẽ đóng cửa vào nửa đêm ngày bầu cử 3-11 (giờ Mỹ, tức trưa ngày 4-11 theo giờ Việt Nam). Trong các cuộc bầu cử trước đây, ứng cử viên Tổng thống giành chiến thắng hầu như sẽ được biết không lâu sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, song năm nay có thể phải chờ đợi lâu hơn khi công tác kiểm phiếu cơ bản hoàn tất tại các bang của nước Mỹ.

Để có thể trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46, ông Donald Trump hay ông Joe Biden phải giành được tối thiểu 270/538 phiếu đại cử tri. Trong đó, việc giành chiến thắng tại 6 bang chiến trường với tổng cộng 101 phiếu đại cử tri gần như quyết định ai là chủ nhân của Nhà trắng trong 4 năm tới. Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu tại các bang chiến địa như Pennsylvania, Arizona, Michigan, Florida hay North Carolina có thể phải đợi tới ngày 6-11 mới được công bố chính thức.

Thế nhưng, trong khi chờ đợi kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố, có thể vài ngày sau ngày bầu cử 3-11, các hãng thông tấn lớn của Mỹ và thế giới có thể vẫn đưa những kết quả của mình về việc ai giành chiến thắng chung cuộc. Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ, theo thông lệ, cũng tự tuyên bố chiến thắng trước khi kết quả chính thức được công bố.

Chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ sau cuộc bầu cử

Trong cuộc bầu cử ngày 3-11, cử tri Mỹ không chỉ quyết định xem ai sẽ là Tổng thống và Phó Tổng thống thứ 46 của nước này, mà còn bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện (tức hơn 1/3 trong tổng số 100 ghế của Thượng viện), 11 Thống đốc bang (chiếm hơn 1/5 trong tổng số 51 bang của Mỹ) cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc. Việc cử tri Mỹ chọn ai, đảng nào đứng đầu nước Mỹ và cơ quan lập pháp tối cao - Quốc hội lưỡng viện cùng cơ quan lập pháp các bang trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo có tác động rất lớn tới những chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng.

Điều này càng quan trọng nếu nhìn vào cương lĩnh tranh cử của hai ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Joe Biden cũng như chính sách của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Quyết định của cử tri Mỹ cho thấy trong cuộc bầu cử năm nay họ đặt niềm tin vào hai đường lối chính sách khác biệt nhau, với một bên là đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa theo đường lối bảo thủ và một bên là cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ theo đường lối tự do.

Về chính sách đối nội, Tổng thống Donald Trump cam kết đặt ưu tiên hồi phục nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đang hoành hành. Ông cam kết tạo ra 10 triệu việc làm và 1 triệu doanh nghiệp nhỏ mới trong 10 tháng, tiếp tục giảm thuế và cấp tín dụng để thuyết phục các công ty sử dụng lao động Mỹ thay vì tuyển dụng ở nước ngoài, “thiết lập các thỏa thuận thương mại công bằng để bảo vệ việc làm của người Mỹ”…

Ông chủ Nhà trắng vẫn tiếp tục hạ thấp tác động của đại dịch Covid-19 khi đặt nhiều kỳ vọng vào việc tìm ra một loại vaccine hiệu quả vào cuối năm 2010 này để “trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021”. Ông cũng cam kết thúc đẩy mạnh mẽ thông điệp về “pháp luật và trật tự” để đối phó với tình trạng bạo lực và biểu tình diễn ra ở trên khắp nước Mỹ mùa Hè vừa qua, hành động cứng rắn đối với người nhập cư bất hợp pháp cũng như yêu cầu khắt khe hơn đối với người nhập cư hợp pháp.

Về đối ngoại, Tổng thống Donald Trump khẳng định, tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” trong quan hệ với đồng mình và đối tác trên toàn cầu, yêu cầu các nước thành viên NATO thực hiện cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, giảm sự hiện diện quân sự ở Afghanistan và các điểm nóng khác… Ông chủ trương duy trì cách tiếp cận mềm mỏng với Nga và Triều Tiên, hiện thực hóa kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden lại có cách tiếp cận, xử lý hoàn toàn khác về cách thức đối phó với đại dịch Covid-19, cho phép người Mỹ lựa chọn tham gia một chương trình bảo hiểm y tế công tương tự như Medicare. Ông Joe Biden cũng mềm mỏng hơn trong vấn đề nhập cư khi chủ trương hỗ trợ những người nhập cư trái phép trở thành công dân Mỹ, không đặt nặng vấn đề trục xuất người nhập cư không có giấy tờ hay có tiền án... Ông Joe Biden chủ trương bãi bỏ các khoản cắt giảm thuế của chính quyền đương nhiệm trong khi đề xuất tăng thuế doanh nghiệp, nâng thuế thu nhập cá nhân…

Ông cũng có quan điểm trái ngược trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, cam kết đại tu toàn bộ ngành năng lượng Mỹ. Ứng cử viên của đảng Dân chủ có quan điểm khác về chính sách đối ngoại với việc áp dụng chính sách nhằm khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO. Với Trung Quốc, ông Joe Biden tỏ ý giải quyết vấn đề thông qua một nỗ lực quốc tế thay vì phát động cuộc chiến thương mại…

Thời khắc quyết định của nước Mỹ này quyết định ai là vị Tổng thống thứ 46 và điều đó sẽ thể hiện chính sách đối nội và đối ngoại trong 4 năm tới của cường quốc này.