Nước Mỹ thời Joe Biden (6): Chiến lược “chống khủng bố+”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Cho dù chính sách chống khủng bố là chủ đề không nổi bật trong suốt chiến dịch tranh cử của cả đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden, song không phải vì thế mà vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ có thể xem nhẹ hiểm họa mang tính toàn cầu này.

Ông Joe Biden tuyên bố tiếp tục theo đuổi chiến lược chống khủng bố để loại trừ nguy cơ khủng bố

Ông Joe Biden tuyên bố tiếp tục theo đuổi chiến lược chống khủng bố để loại trừ nguy cơ khủng bố

Thách thức đảm bảo bình yên cho người Mỹ

Ứng cử viên Joe Biden, người đã được truyền thông Mỹ “xướng tên” là Tổng thống đắc cử, chuẩn bị tiếp quản di sản chống khủng bố tương tự như vị đương kim Tổng thống Donald Trump từng nhận từ người tiền nhiệm - Tổng thống Barack Obama. Gần 4 năm trước, ông Donald Trump bước vào Nhà trắng với thách thức khủng bố không còn là một ưu tiên hàng đầu đối với nước Mỹ do những mạng lưới khủng bố toàn cầu như Al Qaeda và tổ thức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã suy yếu khá nhiều.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chính quyền của ông Donald Trump xem thường hiểm họa khủng bố, một thách thức an ninh đối với Mỹ cũng như nỗi ám ảnh với người dân nước này. Tổng thống Donald Trump sau gần một năm tiếp quản Nhà trắng đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó bao hàm nội dung chống khủng bố để phù hợp với tình hình cũng như thách thức mới của khủng bố.

Chiến lược chống khủng bố mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump định hình sau đó gần một năm, vào tháng 10-2018, với chiến lược quốc gia chống khủng bố mới được mô tả là “chiến lược cứng rắn và cụ thể đầu tiên của Mỹ trong công cuộc đấu tranh chống khủng bố kể từ năm 2011”. Chiến lược mới gồm các yếu tố như sau: truy đuổi khủng bố đến tận sào huyệt, cô lập chúng với các nguồn yểm trợ, hiện đại hóa và tích hợp các công cụ chống khủng bố, bảo vệ cơ sở hạ tầng của Mỹ và cải thiện khả năng phục hồi, đấu tranh chống cực đoan hóa và tuyển mộ phần tử khủng bố, tăng cường năng lực chống khủng bố của các đối tác quốc tế…

Cùng với kinh tế, chống khủng bố được xem là những thành tựu ấn tượng của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong gần 4 năm qua. Nước Mỹ cũng như thế giới không phải đối mặt với một vụ tấn công khủng bố quy mô lớn nào trong khi các tổ chức khủng bố khét tiếng tiếp tục bị “truy kích” liên miên, nhất là những thủ lĩnh hàng đầu. Nếu như trong nhiệm kỳ trước, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tiêu diệt “trùm khủng bố số một thế giới” Osama Bin Laden thì chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi - thủ lĩnh và người sáng lập tổ chức IS tự xưng.

LTS: Việc cựu Phó Tổng thống Joe Biden được truyền thông Mỹ “xướng tên” là ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với hơn 270 phiếu đại cử tri được cho sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn, thậm chí tác động nhiều chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của nước Mỹ sau khi Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chính thức nhậm chức sau 12h trưa 20-1-2021.

Thành tích chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump tạo điều kiện thuận lợi song cũng chính là áp lực, thách thức không nhỏ với ông Joe Biden. Vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ phải làm sao để tiếp tục duy trì hiệu quả cuộc chiến chống khủng bố, bảo đảm cuộc sống bình yên cuộc sống người dân Mỹ cũng như hợp tác quốc tế chống khủng bố.

Kế thừa chính sách chống khủng bố

Ứng cử viên Joe Biden trong chiến dịch tranh cử đã khởi xướng chiến lược mà ông gọi là “Chống khủng bố+”. Thoạt nhìn, chiến lược này tương tự như cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực thi, trong đó nhấn mạnh tới việc chống lại các mạng lưới khủng bố ở nước ngoài bằng cách sử dụng các nhóm nhỏ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và các cuộc không kích có độ chính các cao thay vì việc triển khai một đội quân lớn để tiêu diệt khủng bố.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến lược “Chống khủng bố+” gồm đa phần định hình chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama - chính quyền mà ông Joe Biden có 8 năm giữ cương vị Phó Tổng thống - trong việc chống lại các phần tử thánh chiến và các nhóm chiến binh Hồi giáo khác trên khắp thế giới, nhưng chủ yếu ở Pakistan, Afghanistan, Iraq, Tây Phi, vùng Sừng châu Phi và bán đảo Ả Rập. Chiến lược này cũng chú trọng chống những phần tử cực đoan có quốc tịch Mỹ.

Thách thức không nhỏ đối với ông Joe Biden là việc đảo ngược những chính sách nhập cư, trong đó có pháp lệnh hành pháp cấm du khách đến từ một số quốc gia theo đạo Hồi của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Chính sách này dù có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí bị chỉ trích, nhưng có tác dụng nhất định trong việc hạn chế nhập cảnh đối với những phần tử khủng bố tiềm năng vào nước Mỹ.

Nhằm chống khủng bố hiệu quả trong khi vẫn cởi mở trong chính sách nhập cư, nhập cảnh, ông Joe Biden nhấn mạnh tới chính sách tiếp tục truy kích để đảm bảo rằng tàn dư của mạng lưới khủng bố Al Qaeda và tổ chức IS tự xưng không thể tự phục hồi. Đồng thời, ông cũng ủng hộ việc mở rộng cơ quan chống khủng bố liên bang, đưa ra một đạo luật nhằm mở rộng quyền giám sát của chính phủ đối với công dân Mỹ như cho phép thu thập e-mail (thư điện tử), lịch sử tìm kiếm và dữ liệu cá nhân khác của công dân…

Trong chiến lược chống khủng bố, ông Joe Biden cũng nhấn mạnh tới các mối đe dọa mạng, cho rằng đây là một thách thức ngày càng lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Người được giới truyền thông Mỹ “xướng tên” chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, chính phủ liên bang nên gây áp lực buộc các công ty công nghệ phải cải cách các hoạt động liên quan đến quyền riêng tư, giám sát và phát ngôn thù địch trên các trang mạng xã hội.

Khi tranh cử, ông Joe Biden từng cam kết, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu để gây áp lực buộc các công ty công nghệ phải cam kết đảm bảo rằng nền tảng của họ “không gieo rắc sự thù ghét, hoặc cổ súy bạo lực”. Ông tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ các quy định miễn trừ trách nhiệm cho Facebook và các nền tảng trực tuyến khác về những gì người dùng của họ đăng tải trên mạng xã hội. Thể hiện sự coi trọng đối với an ninh mạng, điều mà được nhìn nhận có thể bị tấn công khủng bố trong tương lai, ông Joe Biden chủ trương đầu tư nhiều hơn và nâng các tiêu chuẩn quy định đảm bảo an ninh mạng lên cao hơn nữa.

Chiến lược chống khủng bố của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, theo giới chuyên gia, sẽ không có những thay đổi mang tính đảo ngược những chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đó là sự kế thừa những thành công của cả chính quyền hiện nay và chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đó.

(Còn nữa)