- Cảnh cháy rừng kinh hoàng ở Mỹ, ít nhất 5 người thiệt mạng
- Daily Mail: Cháy rừng thiêu rụi ngôi nhà của con trai Tổng thống Mỹ ở Los Angeles
Thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất lịch sử Mỹ
Thông tin mới nhất cho thấy, thiệt hại trong thảm họa cháy rừng ở hạt Los Angeles thuộc bang California của Mỹ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo Chính quyền hạt Los Angeles, số người thiệt mạng do các vụ cháy rừng dữ dội ở Los Angeles đã tăng lên 24 người, gồm 8 nạn nhân trong đám cháy Palisades và 16 nạn nhân trong đám cháy Eaton.
Nước Mỹ đang phải trải qua một thảm họa cháy rừng tồi tệ bậc nhất trong lịch sử |
Tới nay, đám cháy Palisades là đám cháy lớn nhất trong khu vực, đã thiêu rụi diện tích khoảng 96 km2 và phá hủy hơn 5.300 công trình kể từ bùng phát ngày 5-1. Hiện lực lượng chức năng mới chỉ khống chế được 11% diện tích đám cháy. Trong khi đó, đám cháy Eaton đã thiêu rụi khoảng 57,1 km2 gần khu vực Altadena và Pasadena và hiện mới khống chế 27% diện tích đám cháy.
Các lực lượng chức năng, với nòng cốt là lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực chiến đấu với “giặc lửa” nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Anthony Marrone, Cảnh sát trưởng Lực lượng Phòng cháy chữa cháy hạt Los Angeles, cảnh báo, trong bối cảnh điều kiện thời tiết gió mạnh, độ ẩm thấp và thảm thực vật khô cằn, nguy cơ cháy rừng tại Hạt Los Angeles vẫn ở mức “rất cao”.
Giới chức địa phương cho biết mặc dù các yếu tố tự nhiên thường là nguyên nhân khởi phát cháy rừng nhưng hoạt động của con người cũng không thể bị loại trừ. Nguyên nhân hàng đầu khiến cho các đám cháy rừng bùng phát và nhanh chóng lan rộng là do gió hanh khô thổi rất mạnh trong khi các thảm thực vật bị khô cằn thời gian dài từ hồi mua thu tới nay.
Một lực lượng chức năng gồm hàng chục nghìn người đã được huy động để có thể sớm dập tắt cháy rừng. Một lực lượng khoảng 14.000 nhân viên cứu hỏa, bao gồm lực lượng từ 9 bang khác nhau của nước Mỹ, đã tham gia nỗ lực dập lửa. Hai quốc gia láng giềng của Mỹ là Mexico và Canada cũng đã cử lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cùng phương tiện tới hỗ trợ dập lửa.
Giới chức Mỹ cũng đã huy động những phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp, hiện đại như máy bay thả chất chống cháy… nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được vụ cháy rừng. Tính tới nay, dù cháy rừng đã bước sang ngày thứ 10 song vẫn chỉ mới khống chế được gần 40% tổng diện tích đám cháy.
Vụ cháy rừng tại hạt Los Angeles đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ngoài 24 người thiệt mạng tính tới ngày 12-1, vẫn còn có những người mất tích. Các đám cháy Palisades và Eaton đã thiêu rụi tất cả trong khu vực có diện tích hơn 160 km 2, trong đó có hơn 12.000 công trình như nhà ở, công trình phụ, nhà kho, nhà di động… cùng hàng nghìn ô tô bị thiêu hủy. Cơ quan chức năng Los Angeles cảnh báo con số thiệt hại về người có thể tăng lên khi các đội tìm kiếm hoàn tất việc rà soát khu vực.
Hơn 153.000 cư dân đã buộc phải đi sơ tán, trong khi khoảng 166.000 cư dân khác nhận cảnh báo có thể phải sơ tán bất cứ lúc nào. Lệnh giới nghiêm đã được áp dụng từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi 2 đám cháy Palisades và Eaton sau khi có thông tin về nạn cướp bóc.
Theo ước tính từ cơ quan dự báo thời tiết AccuWeather, thiệt hại kinh tế từ các vụ cháy rừng tại bang California có thể dao động từ 135 tỷ đến 150 tỷ USD, có khả năng trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất lịch sử Mỹ. Thống đốc California Gavin Newsom nhận định: “Quy mô và chi phí của thảm họa này là chưa từng có”.
Cùng hành động chống biến đổi khí hậu
Cục Khí tượng quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo đỏ về nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng tại bang California có thể kéo dài đến tối 15-1. Các nhà dự báo cho biết, gió rất mạnh, duy trì ở mức 80 km/giờ và gió giật tại các vùng núi có thể lên tới 113 km/giờ khiến các vụ cháy có thể lan nhanh hơn và công tác dập lửa trở nên khó khăn hơn. Nhà khí tượng học của Cục Khí tượng quốc gia Mỹ Rich Thompson nhấn mạnh, những ngày tới được dự báo là nguy hiểm bởi gió rất mạnh, độ ẩm thấp và thảm thực vật khô, tạo ra điều kiện cháy rừng cực kỳ nghiêm trọng.
Theo giới chuyên gia, gió Santa Ana đang thổi rất mạnh hiện nay, với sức mạnh và khô hạn đặc trưng, được cho là nguyên nhân chính khiến các vụ cháy rừng ở hạt Los Angeles bùng phát dữ dội. Những ngọn gió này đã biến các đám cháy nhỏ thành “bão lửa”, thiêu rụi những cánh rừng rộng lớn cùng nhiều khu dân cư trong khu vực không có lượng mưa đáng kể suốt 8 tháng qua, một hậu quả của biến đối khí hậu.
Sự tàn phá của “giặc lửa” trong vụ cháy rừng hiện nay quá ghê gớm, tới mức mà nước Mỹ với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cùng rất nhiều phương tiện chữa cháy hiện đại cùng nguồn lực lớn cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc ứng phó với thảm họa này. Thảm họa cháy rừng hiện nay ở bang California cũng phần nào cho thấy những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có sức mạnh tàn phá, hủy diệt tới mức nào. Trong năm 2024 vừa qua, nước Mỹ cũng phải hứng chịu hai cơn bão nhiệt đới Helene và Milton khiến hàng trăm người thiệt mạng, tàn phá nhiều nhà cửa, công trình xây dựng với tổng thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Các chuyên gia nhận định thảm họa cháy rừng tồi tệ mà California đang hứng chịu chính là hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu và Trái đất ấm lên, mà trong đó con người chính là tác nhân chính. Không ít người đã có phần bất ngờ khi hỏa hoạn xảy ra vào thời điểm này tại California, bang thường chứng kiến các vụ cháy rừng trong tháng 6,7 và có thể kéo dài đến tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, vụ cháy rừng quy mô lớn hiện nay lại xảy ra vào tháng 1, tức là thời điểm mùa đông lạnh nhất ở California.
Có nhiều nguyên nhân, cả trực tiếp và gián tiếp, lý giải cho sự bất thường này. Bà Heather Zehr, nhà khí tượng học hàng đầu của tổ chức AccuWeather, cho rằng, một trong những nguyên nhân gây hỏa hoạn là bang California vừa trải qua một mùa khô kỷ lục. Hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định “cơn thịnh nộ của Mẹ Trái đất” mà bang California của Mỹ đang phải hứng chịu chính là hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu và Trái đất ấm lên, mà trong đó con người chính là tác nhân chính.
Giới nghiên cứu tính toán rằng tình trạng khẩn cấp về khí hậu do con người gây ra đã góp phần làm tăng 172% các khu vực hỏa hoạn ở California kể từ những năm 1970 và tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn trong 1 thập kỷ tới. Park Williams, nhà khí hậu học tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty thuộc Đại học Columbia, chia sẻ quan điểm này khi cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân sâu xa làm gia tăng các vụ cháy rừng.
Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cháy rừng dự kiến trở nên tồi tệ hơn theo thời gian do biến đổi khí hậu và thay đổi trong việc sử dụng đất. Báo cáo cho rằng, các đám cháy cực đoan trên toàn thế giới sẽ tăng đến 14% vào năm 2030, 30% vào cuối năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này.
Để ngăn ngừa các thảm họa cháy rừng hay giảm thiểu hậu quả mà “giặc lửa” có thể thể gây ra đòi hỏi phải hành động khí hậu chung nhằm giảm phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Còn không, một khi các thảm họa xảy ra do hậu quả của biến đổi khí hậu thì các biện pháp ứng phó, dù mạnh mẽ như nước Mỹ, cũng trở nên nhỏ bé so với “cơn thịnh nộ của thiên nhiên”.