Nước Mỹ có quyền nữ Tổng thống đầu tiên trong 85 phút

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm 19-11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tạm thời nắm quyền lãnh đạo cao nhất khi Tổng thống Joe Biden có cuộc kiểm tra sức khỏe đầu tiên trong nhiệm kỳ. Điều này có nghĩa là, bà đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, nhưng chỉ trong khoảng… 85 phút.
Bà Kamala Harris đã thay Tổng thống Joe Biden nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước Mỹ trong 90 phút

Bà Kamala Harris đã thay Tổng thống Joe Biden nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước Mỹ trong 90 phút

Sự kiện lịch sử

Ông Biden bước sang tuổi 79 vào ngày 20-11, nhưng trước sinh nhật 1 ngày, ông đã đến Trung tâm Y tế Walter Reed để khám sức khỏe định kỳ. Theo Nhà Trắng, quyền Tổng thống tạm thời được chuyển giao cho bà Harris trong khi ông Biden làm thủ tục gây mê để nội soi đại tràng trong 1 giờ 25 phút.

Để chính thức chuyển giao quyền Tổng thống cho bà Harris, ông Biden đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch tạm quyền Thượng viện Patrick Leahy vào buổi sáng trước khi tiến hành gây mê. Bức thư viết: “Hôm nay tôi sẽ trải qua một thủ thuật y tế thông thường cần dùng thuốc an thần. Trong hoàn cảnh hiện tại, tôi đã quyết định chuyển giao tạm thời quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng thống Hoa Kỳ cho Phó Tổng thống trong thời gian ngắn theo quy trình”.

Việc một Phó Tổng thống nắm quyền Tổng thống Mỹ là thường lệ khi Tổng thống cần một thủ tục y tế nhất định. Tuy nhiên lần này, một sự kiện lịch sử diễn ra, đó là bà Kamala Harris đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước Mỹ dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Theo Nhà Trắng, việc chuyển giao quyền lực tạm thời cho bà Harris diễn ra vào lúc 10h10 sáng 19-11 và Tổng thống đã khôi phục nhiệm vụ của mình vào lúc 11h35.

Trước đây, Phó Tổng thống Dick Cheney đã nhiều lần làm như vậy khi Tổng thống George W. Bush trải qua các cuộc nội soi định kỳ hồi năm 2002 và 2007. Đầu năm 2021, Stephanie Grisham - cựu Thư ký báo chí của Tổng thống Donald Trump đã ám chỉ rằng, ông Trump đã trải qua một cuộc nội soi trong chuyến thăm bí mật tới Walter Reed vào năm 2019, nhưng đã giữ kín chuyện này để tránh chuyển giao quyền Tổng thống cho Phó Tổng thống khi đó là Mike Pence, và cũng tránh để giới truyền thông bàn tán. Trong cuốn hồi ký của mình, bà Grisham không sử dụng thuật ngữ nội soi đại tràng mà ngụ ý rằng đó là một “thủ tục rất phổ biến”.

Tổng thống Mỹ vẫn đủ sức khỏe làm việc

Ông Joe Biden là người cao tuổi nhất nhậm chức Tổng thống Mỹ và tình trạng sức khỏe gần đây nhất của ông được cập nhật cách đây gần 2 năm khi bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống. Ngày 19-11, sau cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ đầu tiên cho ông Joe Biden, bác sĩ Nhà Trắng thông báo, nhà lãnh đạo vẫn đủ khỏe mạnh để thực hiện tốt trọng trách của mình. Kevin O'Connor - bác sĩ chăm sóc chính của ông Biden từ năm 2009 - cho biết: “Tổng thống vẫn mạnh mẽ ở tuổi 78 và có đầy đủ sức khỏe để thực hiện thành công nhiệm vụ của mình”. Cụ thể, kết quả kiểm tra cho thấy, khi đi bộ, cử động của Tổng thống Biden đã “cứng hơn, kém uyển chuyển hơn” so với cách đây hơn 1 năm và hiện tượng ho hay hắng giọng trong lúc phát biểu trước công chúng đã gia tăng đáng chú ý. Tuy nhiên, đó không phải là do những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bác sĩ O'Connor nói rằng, kết quả nội soi đại tràng cho thấy có một polyp dường như lành tính và có thể được cắt bỏ một cách dễ dàng.

Về mặt tổng thể, ông Biden có được sức khỏe tốt là nhờ ông không hút thuốc lá, không uống rượu và tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần. “Tôi cảm thấy rất tốt” - Tổng thống Biden cho hay khi trở lại Nhà Trắng sau quá trình kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Quân y quốc gia Walter Reed (bang Maryland).

Việc một Phó Tổng thống nắm quyền Tổng thống Mỹ là thường lệ khi Tổng thống cần một thủ tục y tế nhất định. Tuy nhiên lần này, một sự kiện lịch sử diễn ra, đó là bà Kamala Harris đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo cao nhất nước Mỹ dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi.