Nước máy Hà Nội

ANTD.VN - Có lẽ cứ mỗi năm Hà Nội lại nóng dần lên. Mùa hè càng ngày càng nóng nực và cái nhu cầu cần nhất hẳn là nước sạch. Đã có so sánh mất nước với mất điện...

Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894 - Ảnh: Internet

Thật thì mất điện cả tuần, thậm chí dài hơn cũng vẫn xoay xỏa được, nhưng mất nước xem, nội chỉ một ngày là biết nhau ngay. Tá hỏa như nhà có giặc, mọi sinh hoạt hầu như bị ngừng trệ. Cuộc sống trở nên nặng nề hơn cả địa ngục. Đấy, nước sạch nó quan trọng thế đấy, nhất là nước của một Hà Nội hiện đại hôm nay.

Nước sạch ở Hà Nội được gọi nguyên thủy là nước máy. Trước khi người Pháp du nhập công nghệ nước máy vào Hà Nội thì người dân kinh thành vẫn sử dụng thứ nước truyền thống từ giếng đào và những nguồn nước tự nhiên như đầm, hồ, sông qua cách khử lọc bằng phương pháp dân gian là đánh phèn.

Nhà máy nước Yên Phụ là nơi sử dụng công nghệ khoan và sử dụng nước ngầm đầu tiên ở Hà Nội, có mặt từ những năm cuối của thế kỷ 19. Song song với nhà máy nước là tháp nước Hàng Đậu làm chức năng chứa nước trên cao để tạo áp lực đưa nước đến hệ thống tiêu dùng.

Cả hai công trình có tuổi đời trên một trăm năm này vẫn tồn tại như là chứng nhân của một thời, bất chấp thời gian. Thậm chí tháp nước Hàng Đậu tồn tại còn như là một công trình kiến trúc của Hà Nội cổ. Cũng như những mặt hàng khác, đầu tiên, nước chỉ dành cho chính người Pháp, sau được mở rộng ra cả nguồn cung cấp lẫn tiêu thụ.

Đến hôm nay, hệ thống sản xuất và cung cấp nước của Hà Nội đã là rất nhiều nhà máy nước, là hệ thống đường ống dẫn nước đến từng hộ dân. Nước máy của Hà Nội bây giờ vẫn khai thác phần lớn bằng trữ lượng khổng lồ của túi nước ngầm và phần nào là nước mặt, tức nước từ các con sông quanh Hà Nội như sông Hồng, sông Đà…..

Ai sống qua thời bao cấp mới thấy nước dạo đó hiếm hoi và quý giá như thế nào. Người dân chắt chiu tiết kiệm, nói không quá là từng giọt nước. Nguyên hệ thống đường ống dẫn nước từ người Pháp làm bằng gang được chôn sâu trong lòng đất tỏa đi khắp phố phường. Ngoài đường ống dẫn vào nhà dân thì Hà Nội đặc biệt có một loạt các trụ máy nước ở hầu hết các phố.

Các máy nước này cũng được đúc bằng gang có vòi bằng gang hoặc bằng đồng. Chúng được gọi là các vòi nước công cộng. Sau này khi Hà Nội giải phóng thì các vòi nước đường phố được xây bằng xi măng. Có thêm các bể nước công cộng ở các khu tập thể lớn và những khu gia đình vừa và nhỏ.

Thậm chí, vì áp lực nước yếu, người ta còn đào sâu xuống đất thành những bể chứa nước ngầm và đục đường ống ra để chiếm hữu nước. Từ những bể nước ngầm này, người dân dùng xô được chế bằng cao su để thòng dây múc nước. Chính những bể chứa ngầm được đục thẳng từ đường ống đã làm mất tác dụng và khai tử các vòi nước công cộng đứng trên mặt đất, do quá cao nên nước không thể chảy đến được.

Chuyện về nước máy thời kỳ này thì vô thiên lủng. Tôi chưa quên cảnh xếp hàng lấy nước thâu đêm suốt sáng. Các vòi nước công cộng hầu như chảy liên tục. Người dân xếp hàng với chính chiếc thùng gánh nước bằng thiếc hoặc sắt tây. Nước được vận chuyển bằng đòn gánh có móc xích nối với thùng nước.

Hình ảnh cái vòi nước có một khoảng xi măng bao bọc hay khoảng sân cạnh bể nước công cộng chứa đám người với đủ mọi sinh hoạt như rửa rau, giặt quần áo thậm chí là tắm thật sống động. Bực nhất là lúc đến lượt mình lấy nước vào thùng thì một bà sồn sồn chìa cái chậu quần áo vào bảo xin một chậu.

Xong thì lại đến một cô đủn cái chậu đựng rau muống bè đang rửa vào cũng lịch sự xin. Cái chậu rau muống nước dâng đến đâu bèo tấm nổi kín mặt chậu đến đấy. Và tất nhiên, chị này để cho nước tràn ra cuốn theo đám bèo tấm nổi tràn ra ngoài. Cá biệt thì có cái đầu đen của cánh đá bóng về vục hẳn vào vòi xin nước uống.

Các hộ gia đình có sân chung thì đựng nước riêng từng nhà bằng các vật dụng chứa như thùng phuy sau khi lấy nước từ vòi nước hoặc bể. Dạo đó, còn có người làm nghề bán nước máy chứa trên thùng phuy đặt trên ba gác kéo trên đường phố.

Tôi học gánh nước từ rất nhỏ khi chỉ 7, 8 tuổi. Đôi thùng nước với hai móc xích ngắn tòng teng treo trên đòn gánh từ lúc nước chỉ láng đáy, rồi đầy dần lên cho đến khi quen là gánh đôi thùng nước đầy.

Một lần, vì nước vơi đu đưa thùng khiến thằng bé tôi bước chân không kịp nên đáy thùng bằng vành đai tôn cắt phập vào gót khiến máu chảy lênh láng. Và cũng tại bể nước công cộng đã được hạ cốt ở ngay cửa nhà tôi, mối tình nước máy của tôi đã được nhen với cô hàng xóm khi cùng nhau thức đêm lấy nước.

Hà Nội hiện đại với hệ thống các nhà máy nước vận hành ở khắp tất cả các quận huyện nội ngoại thành. Không còn hiếm hoi như ngày xưa nữa nhưng thật sự với trữ lượng khai thác nước dù khổng lồ như hiện nay thì vẫn chưa đủ cung cấp cho 7 triệu dân Hà Nội. Vẫn còn cảnh người dùng thừa mứa lãng phí và người chắt chiu từng chậu nước.

Nước máy vẫn là nỗi khổ của không ít khu vực và hộ gia đình. Đấy là chưa kể thi thoảng đường nước sông Đà lại ục một cái, vì chất lượng đường ống kém gây mất nước nhiều ngày.  

Hệ thống đường ống dẫn nước cung cấp cho dân cũng được thay đổi bằng đủ các loại vật liệu khác nhau. Nước vào từng nhà có đồng hồ đo đếm, kiểm soát khối lượng nước tiêu thụ để thanh toán. Và nước cũng như điện, được bán với nhiều giá khác nhau tùy vào số lượng sử dụng.

Bây giờ, hình thức chứa nước của các gia đình cũng khác xưa. Nhà cao tầng thì được thụ hưởng hệ thống bể chứa trên nóc với các máy bơm áp lực cao. Các hộ gia đình mặt đất cũng đa phần là nhà cao 4-5 tầng.

Những hộ này có bể ngầm trong khuôn viên móng nhà và nước được bơm lên các thùng chứa inox. Thành phố nhìn từ trên cao chính là thành phố của những bể nước inox sáng choang vậy. Nước Hà Nội, câu chuyện còn dài với nhiều bi khúc. Bao giờ thì Hà Nội không còn cảnh thiếu nước dùng?